• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường: "Vụ việc nước sạch Sông Đà ô nhiễm cho thấy kiểm soát an ninh nguồn nước có vấn đề lớn"

Kinh tế 23/10/2019 08:21

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, vụ việc nước sạch Sông Đà nhiễm dầu là một cảnh báo đỏ đối với việc bảo vệ an ninh nguồn nước, nhất là nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trao đổi với báo giới về sự cố nước sạch sông Đà. Ông cho rằng, sự việc nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu vừa qua là rất hy hữu. Việc đem chất thải độc hại đổ ra môi trường mà cụ thể ở đây là nguồn nước mang tính chất vi phạm hết sức nghiêm trọng.

Theo ông, trong bối cảnh khan hiếm nguồn nước thì việc kiểm soát nguồn nước thượng nguồn càng quan trọng.

Bo_truong_TRan_Hong_Ha__LSSP

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Vụ việc nước sạch Sông Đà ô nhiễm cho thấy kiểm soát an ninh nguồn nước có vấn đề lớn". Ảnh: Hà Giang

Trong vụ việc nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu vừa qua, người đứng đầu ngành tài nguyên, môi trường cho rằng cần xem lại cả 2 khía cạnh. Thứ nhất là nhà nước có thiếu chủ động trong việc ban hành chính sách pháp luât, quy phạm để đảm bảo an ninh nguồn nước không. Sau nữa, nếu pháp luật đủ mạnh thì trách nhiệm tiếp theo là thực thi chính sách pháp luật thế nào.

Trước đây, nhà nước đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch nhưng nay dịch vụ này được chuyển vai trò sang tư nhân, ở đây là công ty cổ phần. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sự thay đổi vai trò này có những mặt được nhưng phần hạn chế cần đánh giá là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý địa phương trong vấn đề bảo vệ an toàn nguồn nước. Rõ ràng là có vấn đề trong sự phối hợp quản lý giữa các cơ quan quản lý địa phương.



"Hiện chưa có quy định nào rõ ràng để dù là tư nhân nhưng đơn vị cung cấp nước cũng phải có trách nhiệm cùng nhà nước thực hiện trách nhiệm đảm bảo kiểm soát an toàn, an ninh nguồn nước. Vụ việc nước sạch Sông Đà ô nhiễm vừa qua là một cảnh báo đỏ với việc bảo vệ an ninh nguồn nước, nhất là nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt cho người dân", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Với tình trạng quản lý lỏng lẻo như hiện tại, giả sử sự việc vừa qua không phải là kẻ xấu đổ dầu thải mà là chất khác độc hại hơn thì không biết hậu quả sẽ nghiêm trọng đến mức nào?

"Khi chúng ta đã để tình trạng quản lý lỏng lẻo như thế này, bên cung cấp nước kém ý thức như vậy thì rõ ràng có nhiều kịch bản có thể xảy ra mà chúng ta không thể loại trừ kịch bản nào cả.

Từ vụ này rõ ràng có thể thấy vấn đề kiểm soát an ninh nguồn nước có vấn đề lớn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chia sẻ về phản ứng của người dân trước sự việc vừa qua, "tư lệnh" ngành tài nguyên, môi trường cho biết, suy nghĩ của người dân nói chung cũng là suy nghĩ của ông, bởi ông và gia đình cũng mất 3 ngày ăn uống nguồn nước nhiễm dầu đó mà không hay biết.

Vì thế, trong sự việc này, đáng lên án là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ đã không đưa ra những giải pháp đúng đắn và kịp thời với sự cố. Họ đã không nghĩ đến lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng, hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết...

Về chế tài, Bộ trưởng cho rằng, người sử dụng nước có thể kiện đơn vị cung cấp nước không đảm bảo chất lượng, căn cứ trên hợp đồng đã ký với doanh nghiệp.

Ngoài ra, những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bẩn, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, ở đây là trong lĩnh vực cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người tiêu dùng, biết là nước đã ô nhiễm, không đảm bảo chất lượng vẫn cung cấp thì pháp luật hình sự cũng quy định cụ thể chế tài xử lý.

"Cung cấp thuốc giả thì đi tù, vậy nước bẩn cũng có thể đi tù. Các cơ quan pháp luật kết luận thì sẽ xử lý theo từng bước.

Trước hết, đến lúc này, với những người đổ dầu thải vào nguồn nước thì theo pháp luật, đây chính là những người phải xử lý thực sự nghiêm khắc", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hoà (đoàn Bình Dương) cho biết, ông cũng như nhiều đại biểu khác vô cùng bức xúc về vụ việc nước sạch Sông Đà ô nhiễm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân. 

IMG_1031

Lỗ hổng trong quản lý và sự vô trách nhiệm của Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) khiến người dân KĐT Linh Đàm phải xếp hàng nhận nước sạch như thời bao cấp. Ảnh: Hà Giang

Theo ông, trong sự việc này, trách nhiệm đầu tiên là của doanh nghiệp mà ở đây là Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) - đơn vị vận hành Nhà máy nước sông Đà.


Đơn vị này thu tiền của dân thì phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở..., đặc biệt phải xét nghiệm nguồn nước thường xuyên.

"Sức khoẻ của con người là trên hết, không ai có quyền làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Vì thế, cần phải có quy định 3 ngày hoặc 1 tuần phải xét nghiệm nguồn nước 1 lần", ĐBQH Phạm Văn Hoà nói.

Bên cạnh trách nhiệm của doanh nghiệp thì theo ông Phạm Văn Hoà, chính quyền địa phương nơi có nhà máy cũng phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý về lĩnh vực môi trường, y tế... Những cơ quan này có trách nhiệm liên đới trong vụ việc nước sạch Sông Đà bị ô nhiễm.

Vị ĐBQH này cũng nhận định, sự việc này cho thấy lỗ hổng trong khâu quản lý.

"Tại kỳ họp này, trong những buổi thảo luận về kinh tế - xã hội, liên quan đến vấn đề môi trường tôi sẽ lấy ví dụ chứng minh bằng sự việc Công ty Rạng Đông, ô nhiễm nguồn nước ... Đây là những tồn tại, hạn chế của cơ quan nhà nước trong thời gian qua trong đó có việc không đảm bảo nguồn nước gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.

"Khi nguồn nước bị ô nhiễm thì toàn dân bị ảnh hưởng. Trong trường hợp ngưng cung cấp nước thì sẽ vô cùng nguy hiểm, chỉ cần ngưng 1 ngày là đã rối ren hết. Vì thế, an ninh nguồn nước để cho sinh hoạt, sản xuất của người  dân là tối quan trọng. Chính phủ cần phải quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện làm sao cho nguồn nước sạch luôn đảm bảo để sức khoẻ của người dân không bị ảnh hưởng", ĐBQH Phạm Văn Hoà chia sẻ quan điểm.


Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ