• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: "Vụ nước sạch Sông Đà bốc mùi cho thấy hệ thống pháp luật có lỗ hổng"

Thời sự 22/10/2019 07:18

(Tổ Quốc) - "Mặc dù chúng ta có các quy định về tiêu chuẩn nước sạch nhưng việc đánh giá, kiểm tra chất lượng nước lại không đảm bảo, để người dân phải gánh chịu thực trạng là phải trả tiền để mua nước chưa đảm bảo", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội nhấn mạnh.

Đã 13 ngày kể từ khi xảy ra vụ việc nước sạch Sông Đà bị ô nhiễm khiến gần 7 vạn người dân Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng nề. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, chi phí sinh hoạt gia tăng, nhiều người bị đau bụng, bệnh ngoài da...

Đến thời điểm này, người dân vẫn chưa có nước sạch để ăn uống, nấu nướng. Mặc dù Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã có thông báo tới khách hàng về việc cấp nước trở lại nhưng khuyến cáo "chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt". Sự việc khiến truyền thông lên án, dư luận phẫn nộ...

Hong

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh – Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (Nguồn: Đại biểu nhân dân)

Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết, trước khi xảy ra vụ việc nước sạch Sông Đà ông đã có ý kiến về việc đảm bảo chất lượng nước sạch của một số thành phố, trong đó có Hà Nội và TP HCM.

Ông nhấn mạnh, hiện đang có nghịch lý là người dân trả tiền nước sạch nhưng lại phải sử dụng nước chưa đảm bảo theo đúng tiêu chí về điều kiện nước sạch. Đây là điều hết sức bất cập. Mặc dù chúng ta có các quy định về tiêu chuẩn nước sạch nhưng việc đánh giá, kiểm tra chất lượng nước lại không đảm bảo, để người dân phải gánh chịu thực trạng là phải trả tiền để mua nước chưa đảm bảo.

"Vụ việc nước sạch Sông Đà bị ô nhiễm vừa qua cho thấy hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta đang có sơ hở và lỗ hổng trong quy định về đảm bảo an ninh nguồn nước", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nói.

Theo ông, sự việc không phải là an ninh quốc gia mà là an ninh phi truyền thống, tương đương với an ninh lương thực, an ninh năng lượng và liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Chính vì thế, về luật, các văn bản dưới luật và việc tổ chức thực hiện các quy định phải làm sao để đảm bảo tránh được những vụ việc như vừa rồi đã xảy ra.

Cùng với đó, cần phải quan tâm thoả đáng đến việc có thể có những hành động mang tính chất phá hoại, gây mất ổn định trong sinh hoạt thường ngày của người dân, từ đó gây bức xúc, mất trật tự an toàn xã hội.

"Ví dụ như vừa rồi, xung quanh vụ việc hệ thống nước sạch Sông Đà ngừng hoạt động thì TP Hà Nội đã giao cho một số cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp tổ chức cấp phát nước miễn phí cho bà con. Nhưng rõ ràng việc cung ứng nước không đảm bảo đủ về số lượng, không đảm bảo về thời gian, chất lượng... nên gây bức xúc cho người dân thời gian qua", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nêu.

Ông chia sẻ thêm, thời gian tới, cần phải xem xét việc bổ sung một số quy định liên quan đến quản lý hoạt động sản xuất và cung ứng nước sạch để đảm bảo làm sao chất lượng nước thực sự đảm bảo theo quy định.

Liên quan đến vụ việc nước sạch Sông Đà bị ô nhiễm, ngày 18/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã tạm giữ khẩn cấp Nguyễn Chương Đại (quê ở Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (quê ở tỉnh Lạng Sơn) liên quan vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà.

Tại cơ quan điều tra, Đại và Thám khai ngày 6/10 được Lý Đình Vũ (trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) thuê lái xe tải đi từ Bắc Ninh đến công ty gạch, gốm sứ tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ lấy chất thải, bơm vào 10 thùng chứa với tổng dung tích khoảng 10m3, sau đó đi về xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên gửi xe.

Ngày 8/10, cả ba người sử dụng hai ôtô chở chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đổ trộm rồi bỏ trốn. 

Liên quan đến vụ việc này, Lý Đình Vũ cũng đã ra đầu thú và cho những lời khai ban đầu. 

Hiện sự việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

UBND tỉnh Hòa Bình cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật hình sự.



Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ