(Tổ Quốc) - "Mấy ngày nay chúng tôi vô cùng vất vả, tốn kém tiền mua nước. Trước đây do chưa biết nên gia đình tôi trót sử dụng nước ô nhiễm, cũng rất sợ bị ung thư!", bà Bùi Thị Tuyến đang sinh sống tại chung cư HH1A, KĐT Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
- 17.10.2019 Liên quan tới trách nhiệm của Công ty nước sạch Sông Đà: Công an tỉnh Hòa Bình sẽ làm rõ hành vi vi phạm
- 17.10.2019 Hòa Bình: Khởi tố vụ án ô nhiễm nước sạch sông Đà
- 17.10.2019 Ông chủ 8X của Công ty Nước sạch Sông Đà là ai mà sở hữu hàng loạt dự án đất vàng tại Thủ đô?
- 17.10.2019 Vụ nước sạch Sông Đà chứa styren: "Dân đầy đủ cơ sở để khởi kiện"
Người dân xếp hàng chờ lấy nước từ bể mới thau rửa của KĐT Linh Đàm.
Đã 1 tuần trôi qua kể từ ngày nguồn nước sạch Sông Đà bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến hàng vạn người dân Hà Nội. Ngày 17/10, nước đã được cấp trở lại khu vực Tây Nam Hà Nội sau một ngày bị cắt, tuy vậy Công ty nước sạch sông Đà vẫn khuyến cáo nước này chỉ nên dùng để tắm giặt, không dùng để nấu nướng, để uống.
Chiều 17/10, tại sân các toà của KĐT Linh Đàm, người dân vẫn nối đuôi nhau xếp hàng chờ lấy nước. Xô, thùng, can nhựa... được sử dụng hết công suất.
Bà Nguyễn Thị Việt (cư dân toà HH3C) cho biết, dù đã được cấp nước trở lại nhưng do cơ quan chức năng khuyến cáo chỉ dùng để tắm, giặt... nên hằng ngày bà vẫn phải xuống dưới tầng 1 mua nước đóng chai để sử dụng cho nấu nướng và uống.
Chị Minh - cư dân toà HH20.
"Hôm 10/10 vừa qua, dù nguồn nước bị ô nhiễm như vậy nhưng cư dân chúng tôi không hề được thông báo. Cả ngày hôm đó chúng tôi sử dụng nước có mùi rất khác lạ và thấy vô cùng hoang mang, chỉ biết xuống sân nghe ngóng, trao đổi với nhau chứ không hề biết gì... Mãi đến chiều mới nghe đồn, nghe qua báo chí về lý do nguồn nước bị ô nhiễm. Ngay sau đó, dân tình ồ ạt rủ nhau đi mua nướng đóng bình, đóng chai để uống và nấu ăn cho yên tâm.
Tình hình vừa qua khiến sinh hoạt của chúng tôi bị đảo lộn, thậm chí có người còn phải nghỉ làm để ở nhà đi xách nước. Chẳng hạn cụ già 80 tuổi như tôi thì làm sao mà xách nổi xô nước...", bà Nguyễn Thị Việt cho hay.
Việc nước Sông Đà ô nhiễm vừa qua đã ảnh hưởng đến 4 vạn dân cư tại KĐT Linh Đàm. Vô cùng bức xúc, bà Nguyễn Thị Việt nói: "Ngay cả tổ trưởng dân phố cũng không biết gì về thông tin nguồn nước bị ô nhiễm, không một đơn vị nào cảnh báo người dân trong những ngày đầu. Thậm chí 2 ngày nay chúng tôi thấy nước đã hết mùi nên đã lại sử dụng nước từ vòi, thậm chí đã nấu ăn. Tuy nhiên, qua báo chí chúng tôi lại nghe khuyến cáo là nước chỉ để tắm, giặt chứ không được uống? Vậy là thế nào? Tôi vô cùng bức xúc khi không có một đơn vị nào, công ty cung cấp nước cho chúng tôi cũng không thông báo", bà Nguyễn Thị Việt cho biết thêm.
Bà Bùi Thị Tuyến (cư dân tòa HH1A) bày tỏ bức xúc vì gia đình lúc chưa nắm được thông tin vẫn sử dụng nước bị ô nhiễm để ăn uống
Chị Minh (cư dân toà HH20) chia sẻ, từ ngày nguồn nước bị ô nhiễm mọi sinh hoạt trong gia đình chị rối tung cả lên. Riêng việc phân loại các loại nước: nước nào để uống, để nấu nướng hay nước nào để tắm gội... cũng đủ "chóng hết cả mặt".
"Vì nước rất quan trọng, là thứ mình trực tiếp uống vào người nên không thể thờ ơ được. Mình phải lo cho sức khoẻ của mình và những người trong gia đình. Vì thế, ngoài việc thay nhau xuống tầng xách nước lên tắm giặt thì gia đình tôi phải đi mua nước đóng bình để uống và nấu ăn", chị Minh buồn rầu nói.
16h chiều ngày 17/10, người dân vẫn phải xuống tầng 1 để tất tưởi xách nước lên nhà.
Cùng tâm trạng như bà Việt, chị Minh, bà Bùi Thị Tuyến (cư dân toà HH1A) cho biết, cả tuần nay gia đình bà gồm 5 người phải tốn quá nhiều tiền để mua nước đóng bình, đóng chai về sử dụng. Đến hôm nay tuy có nước rồi nhưng vẫn rất hoang mang và chỉ sử dụng cho tắm rửa...
Theo bà Bùi Thị Tuyến, vì nhà có trẻ nhỏ nên việc sử dụng nguồn nước nhiễm hoá chất độc hại là vô cùng nguy hiểm. Gia đình bà cũng như nhiều cư dân ở đây rất hoang mang và lo sợ sau này sẽ sinh bệnh.
"Mấy ngày nay chúng tôi vô cùng vất vả, tốn kém tiền mua nước. Trước đây do chưa biết nên gia đình tôi trót sử dụng nước ô nhiễm, cũng rất sợ bị ung thư!", bà Bùi Thị Tuyến bức xúc.
Cũng chung tình trạng như nhà bà Tuyến, gia đình ông Nguyễn Văn Nam (cư dân toà HH4C) không dám dùng nước máy Sông Đà để ăn uống và tắm cho trẻ nhỏ, dù có thông báo nước đã được cáp trở lại. Gia đình ông hiện đang rất lo lắng cho sức khoẻ.
"Bên cạnh việc đun nấu, ăn uống phải dùng nước máy lọc thì ngay cả như việc rửa rau, hoa quả thì gia đinh tôi cũng không dám dùng nước máy Sông Đà trực tiếp mà phải lọc qua. Thậm chí qua máy lọc nhưng nước vẫn còn mùi lạ, khi đun nước sôi để uống thì vẫn không hết.
Dù vậy, sử dụng máy lọc cũng chỉ là phương án tạm thời. Chúng tôi rất mong việc xử lý nước sạch được thực hiện nhanh chóng để người dân vượt qua cơn "khát nước" sạch này. Thiếu nước thì vô cùng bất tiện và khó khăn trong sinh hoạt, nhà cửa thì lộn xộn và tạm bợ", ông Hào chia sẻ.
Bà Bùi Thị Tuyến chia sẻ về những khó khăn, sinh hoạt bị đảo lộn khi không có nước sạch để sinh hoạt
Tại KĐT Linh Đàm, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để mua máy lọc nước hoặc nước đóng bình về để sử dụng. Vì thế, nhiều gia đình đành phải chấp nhận cảnh "sống chung với lũ" và dùng nguồn nước không đảm bảo. Hầu hết người dân đều bày tỏ sự bức xúc trước sự tắc trách của Công ty nước sạch Sông Đà.
"Họ đã coi thường sức khỏe của người dân, đó là hành vi vô cùng độc ác, bất nhân", chị Phương, cư dân tòa HH1A bức xúc nói.
.