(Tổ Quốc) -Chiều nay (18/4), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn đã trả lời chất vấn hàng loạt câu hỏi “nóng” của các Đại biểu Quốc hội về vấn đề công tác quản lý an toàn thông tin mạng, việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, gây hoang mang trong dư luận.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, thế giới đang dịch chuyển phát triển theo công nghệ thông tin. Và cùng với sự phát triển không ngừng về thông tin và truyền thông đã đặt ra những thách thức mới cho cơ quan quản lý.
ĐBQH (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn về an ninh mạng |
Mạng xã hội giúp cho người dùng giao lưu chia sẻ thông tin một cách hiệu quả, không quản không gian, thời gian. Bởi đặc tính siêu việt đó, thì mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong thế giới công nghệ thông tin. Không biết vài năm nữa công nghệ thông tin sẽ phát triển đến mức độ nào nhưng chắc chắn trong tương lai những công cụ như mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh ưu thế.
Môi trường mạng có khái niệm khá rộng. Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ở đây cần nêu thành hai vấn đề, gồm báo điện tử và các mạng xã hội trong nước được cấp phép theo luật và các quy định khác của pháp luật Việt Nam và các trang mạng nước ngoài được cấp phép xuyên biên giới vào Việt Nam như: Facebook , Youtube, Blog...
Hiện số lượng người Việt Nam sử dụng các trang mạng này rất lớn so với các nước khác trên thế giới. Cụ thể, có khoảng 45 triệu người có tài khoản Facebook. Với Youtube – Việt Nam là một trong 10 nước có lượng người sử dụng cao nhất...
Mạng xã hội là sân chơi vô cùng hữu ích: nơi để giao lưu, chia sẻ thông tin về công việc, hoạt động sáng tạo, tiêu dùng, văn hoá... Dù vậy, người đứng đầu ngành thông tin truyền thông cũng nhìn nhận, “mạng xã hội như một con đường”. Trên con đường đó có kẻ tốt và cả người xấu.
“Người tốt sử dụng mạng xã hội để đem điều tốt đến cho cộng đồng, xã hội còn người xấu thì dùng mạng xã hội để làm điều ác. Và trên mạng xã hội, tin tức lan truyền với tốc độ chóng mặt và không chỉ những người tiếp cận mạng xã hội sử dụng thông tin mà thông tin đó còn nhanh chóng lan truyền đến các công sở, trên các đường phố, mọi ngõ ngách của xã hội. Vì thế, tin tốt thì gây hiệu ứng tích cực, còn tin xấu thì gây hậu quả khôn lường cho xã hội. Và ở nước ta, các thế lực thù địch chính trị đang tận dụng triệt để mạng xã hội để tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước và tung tin sai sự thật hoặc thông tin thật – giả lẫn lộn để gây kích động, hoang mang cho người dân, tạo bất an cho xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hầu hết các nước trên thế giới đều rất đau đầu về các vấn đề trên mạng xã hội. Ở Việt Nam cũng vậy, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn kém, đã đẩy xã hội bị “phơi nhiễm” bởi những tin tức khiêu dâm, bạo lực...Đây là nhóm vấn đề nghiêm trọng nhất của mạng xã hội.
Bộ trưởng cho biết, mạng xã hội hiện nay được cung cấp bởi hai nguồn, gồm: Từ các cơ quan báo chí chính thống (báo giấy, báo điện tử, phát thanh truyền hình) và từ các trang tin mạng do các tổ chức, cá nhân (không phải cơ quan báo chí) đăng tải.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: "Giám đốc điều hành nội dung của Facebook sẽ vào Việt Nam làm việc với Bộ TT & TT vào 26/4". |
Và qua theo dõi, Bộ TT&TT thấy, các trang do tổ chức, cá nhân trong nước được cấp phép hoạt động phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, một số ít trường hợp có sai phạm...
Đối với các trang mạng xã hội được cấp phép xuyên biên giới vào Việt Nam đang được người sử dụng Việt Nam lựa chọn sử dụng, cho thấy, thông tin trên mạng của nước ngoài ngày càng có tác động lớn đến người sử dụng Việt Nam. Trong khi đó, các thông tin tiêu cực, xuyên tạc, nói xấu bôi nhọ, chống phá nhà nước chủ yếu tồn tại tại các trang mạng nước ngoài do người sử dụng cho rằng, đây là các trang tin có nguồn gốc từ nước ngoài là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn.
Bộ trưởng cũng cho biết, trước đây những trang mạng này khó kiểm soát nhưng gần đây đã có thể điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam. Vấn đề đặt ra là “Chúng ta có đầy đủ luật pháp để điều chỉnh hành vi của người sử dụng tại Việt Nam nhưng “con đường” thì được điều chỉnh bởi luật lệ nước ngoài nên hành vi của người sử dụng mạng xã hội nước ngoài cung cấp thông tin vào Việt Nam là khó kiểm soát được. Tuy nhiên, gần đây, Thông tư 38, ngày 16/12/2016 – quy định chi tiết về cung cấp thông tin qua biên giới - là cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin qua biên giới phải có trách nhiệm phối hợp gỡ bỏ thông tin theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng cho hay.
Về giải pháp xử lý, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, trước tiên đòi hỏi phải có sự chính xác của thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi thông tin trên các trang báo chính thống không đầy đủ hoặc chậm thì người dân phải tìm đọc trên mạng xã hội, và phải nhìn nhận thực tế rằng, số đông người dân vẫn tin vào tin tức trên báo chí chính thống. Bằng chứng là lượng người đọc trên báo điện tử vẫn nổi trội, áp đảo. Vì vậy, việc quy hoạch đội ngũ báo chí, làm trong sạch những người làm báo, chấn chỉnh tiêu cực nhằm đem đến sự minh bạch trong vấn đề tiếp cận thông tin... là giải pháp quan trọng nhất để áp đảo thông tin sai lệch, xuyên tạc.
Với các trường hợp vi phạm, Bộ trưởng cho biết, xác định được nhân thân của người vi phạm sẽ áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành để xử lý.
Thực tế, năm 2015 Bộ đã xử lý 11 trường hợp, 2016 đã xử phạt 4 trường hợp và tiến hành hai đợt kiểm tra. Từ 2017 – tháng 4 đã xử phạm 10 trường hợp...
Đối với các trường hợp không xác định được nhân thân, trước đây việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài như: Google, Youtube, Facebook... gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam rất khó khăn, nhất là các trường hợp có yếu tố chính trị, tuy nhiên, từ giữa tháng 2/2017 trở lại đây (từ khi có thông tư 38) thì Bộ TT&TT đã có cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp trên phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Và đồng thời Bộ đã phát hiện, cảnh báo cho các doanh nghiệp quảng cáo về tình trạng Google gắn quảng cáo của nhiều thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước trên các video clip phản động bôi nhọ lãnh đạo cấp cao trên kênh Youtube Google. Và chính điều này đã dẫn đến việc các đại lý quảng cáo lớn của Việt Nam đồng loạt dừng quảng cáo trên toàn bộ hệ thống Google trong thời gian vừa qua. Từ cơ sở đó, phía Google cũng đồng ý thiết lập cơ chế riêng để Bộ TT & TT có thể yêu cầu Google gỡ bỏ số lượng lớn gỡ bỏ số lượng lớn các video clip xấu độc.
“Quy định thông thường là chỉ có thể dỡ bỏ một video clip cho một lần yêu cầu, vì thế chúng ta không thể nào xử lý hết được. Trong thời gian qua chúng tôi đã phát hiện hơn 2.200 video clip xấu độc như vậy. Bộ TT& TT đã yêu cầu Google ngăn chặn gỡ bỏ số lượng video clip trên, có nội dung chủ yếu là bôi nhọ, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát trên kênh Youtube. Và ngày 12/4/2017, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ 1.299 video clip xấu độc trên kênh Youtube theo yêu cầu của Bộ TT&TT, trong đó có phối hợp xử lý kênh phản động có 500 video clip như vậy”, Bộ trưởng chia sẻ thông tin.
Cũng theo Bộ trưởng, ngoài ra, gần đây nhất trong buổi làm việc vào ngày 4/4/2017, Bộ đã yêu cầu Google đồng ý thiết lập cơ chế ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên các nền tảng khác của Google như các blog, trang web sử dụng hạ tầng của Google.
“Chúng tôi sẽ làm việc với Facebook để gỡ bỏ các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên Facebook và Giám đốc điều hành nội dung của Facebook sẽ vào Việt Nam làm việc với chúng tôi vào 26/4 này”, Bộ trưởng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ TT & TT vừa thành lập tổ công tác thông tin vi phạm trên mạng với sự tham gia của các đơn vị có liên quan, trong đó có Bộ Công an để phối hợp xử lý thông tin vi phạm một cách nhanh chóng hiệu quả nhất.
Về giải pháp kỹ thuật, hiện Bộ TT & TT đã tổng hợp nắm bắt thực trạng doanh nghiệp trong nước cho tổ chức cá nhân nước ngoài thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam để từ đó cung cấp thông tin công cộng cho người Việt Nam mà trong đó chủ yếu cho Google và Facebook.
Và tới đây, Bộ sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết đối với các doanh nghiệp này, và yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài: Google, Facebook phải tuân thủ các yêu cầu về pháp luật Việt Nam và đây chính là giải pháp then chốt về mặt kỹ thuật mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới.
Cùng với đó, sẽ xây dựng công cụ đo lường theo thời gian, mức độ lan truyền, phát tán thông tin trên mạng xã hội cũng như cung cấp các định hướng cho báo chí....
Kết luận về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, phát triển công nghệ thông tin đang rất nhanh. Một mặt cần khuyến khích phát triển, một mặt phải có giải pháp để đảm bảo an toàn thông tin.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Nhìn vào thực tế, Việt Nam là một trong những nước nằm trong top đầu bị mất an toàn an ninh mạng". |
Phó Thủ tướng cho biết, đây là vấn đề lớn của cả thế giới. Năm 2015, thiệt hại về an toàn thông tin trên thế giới gần 500 tỷ USD và tăng rất nhanh.
“Nhìn vào thực tế, Việt Nam là một trong những nước nằm trong top đầu bị mất an toàn an ninh mạng. Một hãng bảo mật của Nga công bố năm 2006 xếp hạng Việt Nam theo các chỉ số: Việt Nam đứng số một thế giới về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại về thiết bị đa phương tiện; Đứng thứ 10 thế giới về tỷ lệ lây nhiễm phần độc hại qua hình thức trực tuyến; Đứng thứ bảy thế giới về tỷ lệ người đang bị tấn công bởi phần mềm độc hại. Tỷ lệ thư rác của Việt Nam luôn đứng trong top 3....”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.
Và để giải quyết việc này, Phó thủ tướng cho rằng cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ khung pháp lý, các giải pháp công nghệ.. nhưng điều đặc biệt quan trọng là ý thức của người sử dụng như Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nói. Cái này chúng ta kém nhất!
“Chúng ta có thể nghĩ ra các dự án đầu tư rất lớn, luật pháp hay các cơ quan, các cơ chế ... để bảo vệ giống như xây một ngôi nhà. Tường và cửa chính có thể làm bằng thép rất dày nhưng cửa sổ để trống. Từ các thói quen cắm USD, vào các trang mạng mà không cần đọc cảnh báo... Việc mất an toàn an ninh mạng vô cùng nguy hiểm bởi trong thế giới ngày nay, mọi nhà máy, công sở, công trình đều kết nội mạng. Khi mất an toàn an ninh không chỉ lộ bí mật, lộ thông tin nói xấu này kia... mà quan trọng là nó nắm quyền điều khiển hệ thống, đánh sập các hệ thống, gây khủng hoảng rất lớn về kinh tế - xã hội, thậm chí là quốc phòng an ninh”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây sẽ là vấn đề tới đây sẽ phải làm, không chỉ bằng việc tăng cường các giải pháp lớn mà điều quan trọng là vai trò hiệp hội các doanh nghiệp làm công nghệ thông tin, hiệp hội các doanh nghiệp làm về bảo vệ an toàn thông tin, và đặc biệt là tuyên truyền đến từng người dân./.
Liên quan đến chất vấn của ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về các vấn đề xảy ra trên các chương trình truyền hình thực tế của một số đài PT-TH, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Vấn đề này đang được dư luận hết sức quan tâm. Thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong thời gian quan, Bộ TT &TT cũng thường xuyên tăng cường giám sát. Bộ TT & TT giám sát, hậu kiểm và qua đó phát hiện nhiều chương trình có sai phạm trong nội dung thông tin. Nổi bật là những sai phạm về thông tin thiếu kiểm chứng, không chính xác, sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Trước các sai phạm này, Bộ trực tiếp xử lý - nhẹ nhất là nhắc nhở tại Hội nghị giao ban báo chí, nhắc nhở bằng văn bản, xử phạt vi phạm hành chính, thu thẻ nhà báo...
Đối với các cơ quan báo chí sai phạm phai đính chính, xin lỗi vì nội dung thông tin mình đăng tải. Để hạn chế tình trạng đó thời gian tới, Bộ đã tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm với các mức xử phạt. Nghiêm trọng hơn có thể ban hành quyết định tạm đình bản cơ quan báo chí, thu hồi quyết định hoạt động của các kênh của cơ quan báo chí; Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên mở lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao nhận thức trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ PV, BTV; Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, các tổ chức nghề nghiệp, phối hợp chặt chẽ xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với lĩnh vực PTTH
Hà Giang