• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ VHTTDL: Lễ hội chỉ thực hiện nghi thức trong truyền thống

Văn hoá 25/02/2017 09:00

(Tổ Quốc) - Đây là quan điểm thống nhất của Bộ VHTTTDL đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian qua cũng như sắp tới được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội diễn ra sáng 24/2 tại Hà Nội.

Với những lễ hội có các hoạt động không nằm trong danh mục được cấp phép thì địa phương phải chấn chỉnh, kiên quyết không thực hiện.

Không để bùng nổ chọi trâu, phát ấn

Mùa lễ hội vừa qua, dư luận lên tiếng nhiều về vấn đề “bùng nổ” phát ấn. Bên cạnh đó, nhiều địa phương tổ chức lễ hội chọi trâu không đúng quy định, có yếu tố thương mại, trục lợi.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện: Không thể để tình trạng tràn lan lễ hội chọi trâu, tràn lan phát ấn... (ảnh Nam Nguyễn)

Cụ thể như Hội chọi trâu (không phép) ở huyện Yên Sơn, Tuyên Quang và Hội chọi trâu huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái; việc tổ chức “khai ấn”, “phát ấn” của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, hay tại đền thờ Quang Trung, tỉnh Nghệ An.

Là một trong các địa phương để xảy ra thực trạng này, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Nghệ An cho hay, tại lễ kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2017), lãnh đạo tỉnh Nghệ An, nhân dân và du khách thập phương cùng dâng hương, dâng hoa tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung bày tỏ lòng thành kính, tri ân chiến công hiển hách của vị anh hùng dân tộc. Trong lễ kỷ niệm có nghi thức phát “Thẻ ấn - Quang Trung Linh Từ”. Đây là hoạt động thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách thập phương bởi ai cũng mong có một thẻ ấn của Hoàng đế để cả năm mạnh khỏe, bình an và may mắn. Ấn tại đây đều được phát miễn phí, được người dân địa phương ủng hộ tham gia, không có cảnh giành giật, tranh cướp, trèo lên người, đánh nhau để cướp ấn. Theo bà Quỳnh Anh, đây là sự sáng tạo trong văn hóa, địa phương tổ chức tốt nên mong được tiếp tục thực hiện.

Với lễ chọi trâu, nhiều đại biểu nêu yêu cầu được tổ chức như với Tuyên Quang. “Nếu đã cấm chọi trâu thì phải cấm toàn quốc. Nếu không thì sao nơi này được chọi nơi khác lại không? Người dân cũng thắc mắc. Chúng ta phải chấp nhận yếu tố thị trường khi trâu trở thành hàng hóa trong mùa lễ hội”- ông Nguyễn Vũ Phan- Quyền Giám đốc Sở VHTTDL Tuyên Quang nêu quan điểm.

Còn với trường hợp khai ấn tại Quảng Ninh do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức, ông Hồ Chí Đức- PGĐ Sở VHTT Quảng Ninh cho rằng, lễ khai ấn của Hội VHNT Quảng Ninh không nằm trong danh mục lễ hội của tỉnh. Đây là lễ khai bút, là hoạt động chuyên môn hàng năm của Hội. Tuy nhiên, năm nay, bỗng xuất hiện hình thức khai ấn. Khi báo chí phát hiện, tỉnh đã chỉ đạo dừng ngay. Đồng thời tỉnh cũng chỉ đạo, nếu ấn khắc sai thì phải mời cơ quan giám định xác minh. Đồng thời, yêu cầu Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phải có báo cáo về giá trị của ấn. Với chương trình khai bút năm 2018 phải có kịch bản gửi về Sở xem xét.

Khai thác lễ hội như thế nào là câu chuyện cần tính đến (ảnh báo Yên Bái)

Lễ hội chỉ thực hiện nghi thức trong truyền thống

Theo GS Lê Hồng Lý- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khai thác những điểm mới của lễ hội để làm du lịch là tốt. Nhưng khai thác như thế nào lại là câu chuyện cần tính đến. Chọi trâu, nếu các địa phương quản lý được, không để xảy ra cá cược, cờ bạc trá hình thì không xấu. Tuy nhiên, hiện nay, việc này lại không kiểm soát được. Vì vậy, theo GS Lê Hồng Lý, chỉ cho phép tồn tại lễ hội chọi trâu đã có trong truyền thống. Còn với các địa phương xin phép tổ chức mới thì không nên.

Đáng tiếc là khi Sở đã có chỉ đạo nhưng địa phương vẫn cứ thực hiện, như hội chọi trâu (Lục Yên, Yên Bái). Ông Nguyễn Lâm Tới, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Yên Bái cho biết, Sở đã có văn bản gửi UBND huyện chỉ đạo, nhưng đáng tiếc hoạt động vẫn diễn ra. Sở cũng đã yêu cầu báo cáo cụ thể và kiểm điểm trách nhiệm. Năm tới, Sở sẽ ban hành văn bản và tham mưu nhiều hơn, sớm hơn cho tỉnh, huyện để có mùa lễ hội 2018 tốt hơn.

“Phải rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để không tái diễn những tiêu cực. Trên kinh nghiệm những việc làm tốt thì rút ra bài học, đưa ra giải pháp, làm sao để năm sau làm tốt hơn. Hạn chế trong công tác tổ chức thì phải chỉ rõ, để nghiên cứu năm sau không lặp lại. Ví dụ chọi trâu ở Tuyên Quang, chưa xin phép là phải cấm, phát ấn ở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Quảng Ninh, ở đền thờ Quang Trung tại Nghệ An cũng phát ấn, là đánh tráo khái niệm. Không thể sáng tạo lễ hội mới, bởi nếu như vậy sẽ diễn ra tình trạng tràn lan lễ hội, tràn lan phát ấn...”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định./.

Hà An

                            

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ