(Tổ Quốc) - Chiều 12/8, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang do ông Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu.
- 12.08.2022 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Luật Điện ảnh sẽ trở thành động lực khuyến khích sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc
- 10.08.2022 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn về vấn đề xuống cấp đạo đức
- 10.08.2022 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần đánh giá tổng thể lại thực trạng nguồn nhân lực du lịch
- 10.08.2022 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế
- 10.08.2022 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Làm mới sản phẩm du lịch và văn hóa để khách quốc tế quay trở lại Việt Nam
Cùng dự buổi làm việc còn có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt; đại diện lãnh đạo Tổng Cục Du lịch, Cục Di sản văn hóa; Vụ Văn hóa dân tộc; Vụ Kế hoạch Tài chính...; lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang.
Báo cáo về tình hình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương tại buổi làm việc, ông Chẩu Văn Lâm cho biết, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh; ban hành cơ chế, chính sách, các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chú trọng đưa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa vào nội dung các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, Kế hoạch, Đề án về phát triển kinh tế- xã hội nói chung. Quan tâm, chăm lo xây dựng phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội; xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện, hướng đến Chân- Thiện- Mỹ; thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học và truyền thống quê hương cách mạng, chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị, trong từng thôn bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa trọng điểm cấp tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 134/138 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 1.641/1733 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố.
Tỉnh cũng tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Tổ chức thành công các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh.
Hiện tỉnh có 658 di tích, trong đó có 03 Khu di tích quốc gia đặc biệt; 180 di tích quốc gia, 261 di tích cấp tỉnh, các di tích còn lại đã được cắm mốc xác định địa điểm.
Tỉnh luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, nổi bật là Triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2025; cải tạo, nâng cấp Quảng trường Tân Trào; tháng 12/2022 sẽ hoàn thành công trình Bảo tàng Tân Trào và Phòng Chiếu phim. Đồng thời, tỉnh cũng đang chuẩn bị các điều kiện khởi công xây dựng Làng Văn hóa du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào; xây dựng Đề cương trưng bày Bảo tàng Tân Trào; lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng; Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang- Lâm Bình gắn với phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn 2050...
Tuyên Quang cũng chú trọng xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành trung tâm giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch với nhiều hoạt động.
Tỉnh cũng chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Đến nay, tỉnh có 12 di sản văn hóa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cũng cho biết, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 08 và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 16/6/2021 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...Nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đã được tổ chức nhằm thu hút du khách đến với Tuyên Quang. Sáu tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh thu hút trên 1.2 triệu lượt khách du lịch, đạt 55% kế hoạch của năm, tăng 17.6% so với cùng kỳ, tổng thu từ khách du lịch là 1.238 tỉ đồng, đạt 53% kế hoạch năm, tăng 16.2% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cũng nêu một số khó khăn của địa phương và bày tỏ mong muốn Lãnh đạo Bộ VHTTDL xem xét hằng năm phân bổ nguồn vốn từ chương trình có mục tiêu hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; quan tâm, tạo điều kiện cho tỉnh tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay lần thứ nhất vào năm 2024; hỗ trợ tỉnh trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch; xem xét đưa Lễ hội Thành Tuyên vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Tuyên Quang đã đạt được trong công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ vui mừng khi Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết về du lịch. Nhờ đó, tỉnh đã có những cách làm sáng tạo, là một trong những địa phương đi đầu trong hình thành Quỹ phát triển du lịch. Tỉnh cũng chú trọng đầu tư phát triển văn hóa. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết về xây dựng thiết chế văn hóa, hỗ trợ và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đây là những hướng đi đúng với chủ trương của Bộ VHTTDL là xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đi vào thực chất.
Bộ trưởng cũng cho rằng, Tuyên Quang có nhiều dư địa để phát triển văn hóa, thể thao du lịch, nhưng làm sao để đưa tiềm năng trở thành hiện thực không đơn giản bởi địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu nguồn lực...
Ghi nhận những ý kiến đề xuất của Tuyên Quang, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Sở VHTTDL lập báo cáo chi tiết báo cáo Bộ VHTTDL xem xét.
Bộ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL ủng hộ tỉnh trong việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. Bộ VHTTDL đã đề xuất với Chính phủ. Trong thời gian tới, khi có điều kiện, Bộ sẽ xem xét, lần lượt đưa nhiệm vụ này vào thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, tỉnh cần chủ động đa dạng hóa nguồn lực trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định, Bộ VHTTDL ủng hộ việc xem xét đưa Lễ hội Thành Tuyên vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh cần lập hồ sơ để Bộ VHTTDL thẩm định, khi có đủ điều kiện, Bộ VHTTDL sẵn sàng ủng hộ, ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao tinh thần chủ động của tỉnh trong việc đăng ký tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay năm 2024, đồng thời cho biết, đây là sự kiện được tổ chức luân phiên tại các tỉnh nhằm tôn vinh giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Chay nói riêng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Trong Chương trình có các đề án, khi được phê duyệt sẽ có những nhiệm vụ được phân bổ về các địa phương, trong đó có Tuyên Quang.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị như Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Văn hóa dân tộc... phối hợp, hỗ trợ Tuyên Quang trong chức năng, nhiệm vụ của mình để Tuyên Quang trở thành điểm sáng trong phát triển văn hóa, thể thao, du lịch./.