• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ VHTTDL từng cảnh báo về dự án trên Di tích Cột cờ Lũng Cú

Văn hoá 22/10/2019 16:19

(Tổ Quốc) - Mới đây, dư luận lại xôn xao trước thông tin về một dự án khu du lịch tâm linh được xây dựng dưới cột cờ Lũng Cú (thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Dự án trên được UBND tỉnh Hà Giang trao Giấy chứng nhận đầu tư và khởi công công trình cho chủ đầu tư Tập đoàn Phúc Lộc vào ngày 22/6/2016.

Dự án khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú được quy hoạch với diện tích hơn 56 ha, bao gồm khu tâm linh, khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng, khu cột cờ, khu đặt đại tượng phật. Tập đoàn Phúc Lộc dự kiến đầu tư hơn 800 tỷ đồng vào dự án này.

Liên quan đến thông tin dự án, một lãnh đạo UBND xã Lũng Cú cho biết, hiện hạng mục chùa đã dựng được 6 đến 7 tòa nhà, cơ bản đã xong. Ngoài ra, con đường rộng 33m, dài 1,7km đi qua cánh đồng vào chùa cũng đã giải phóng mặt bằng, tôn mặt đường xong…

Vị lãnh đạo xã Lũng Cú cho hay, dự án được UBND tỉnh cho phép quy hoạch điểm mỏ khai thác vật liệu ngay tại chỗ.

729914985031877069034791291052308590755840n-15716249005851245456127

Xẻ núi xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (ảnh Tuoitre.vn)

Trong khi đó, một đại diện của Đồn biên phòng Lũng Cú cho hay, dự án này gồm ba hạng mục chùa, đền, đại tượng Phật nằm ở ba phía của cột cờ Lũng Cú, tạo thành thế chân vạc bao quanh cột cờ Lũng Cú. Ba hạng mục đều tựa lưng vào núi, quay mặt vào cột cờ quốc gia và mở đường đi tới cột cờ. Như vậy, ba hạng mục của dự án du lịch đã ôm lấy ba mặt của núi Rồng nơi có cột cờ Lũng Cú.

Về dự án này, Bộ VHTTDL từng có ý kiến yêu cầu bảo vệ nguyên trạng nhiều hạng mục di tích.

Ngày 17/4/2018, Bộ VHTTDL đã có văn bản nêu ý kiến của Bộ đối với Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, trong đó, nhấn mạnh, Cột cờ Lũng Có có giá trị nhiều mặt về lịch sử và danh lam thắng cảnh, bao gồm các yếu tố cần được bảo vệ như: Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng, 2 hồ nước (mắt Rồng) ở hai bên núi Rồng, cảnh quan núi Rồng và hệ sinh thái trên núi đá vôi... Vì vậy, để hạn chế tác động tới giá trị di tích Cột cờ Lũng Cú cũng như cảnh quan môi trường của di tích, Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú cần điều chỉnh và lưu ý: Trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú, cần lưu ý Không xây dựng các công trình và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu vực bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú; Bảo vệ nguyên trạng hai hồ nước, kết hợp chỉnh trang cảnh quan địa hình tự nhiên vốn có bao quanh hai hồ nước.

Cải tạo, chỉnh trang các công trình hiện có dưới chân núi, việc đầu tư, xây dựng công trình khu nghỉ (homstay) cần gắn với các buôn, bản dân cư hiện có, để khai thác thế mạnh của loại hình du lịch này, đồng thời qua đó điều chỉnh phạm vi việc xây dựng công trình mới ra khu vực bảo vệ II của di tích Cột cờ Lũng Cú.

UBND tỉnh Hà Giang cần xin thêm ý kiến của một số Bộ, ngành liên quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam...

Bộ VHTTDL cũng nhấn mạnh, phương án xây dựng Khu tâm linh chùa Lũng Cú nên tham khảo theo kiến trúc truyền thống.

qdi7169tp-hcmphien-ban-ngay-5read-only-1571583034129760466827

Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (ảnh Tuoitre.vn)

Ngày 11/6/2018, Bộ VHTTDL tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang đề nghị lưu ý một số vấn đề khi xây dựng Dự án gồm: Bổ sung các giải pháp chỉnh trang cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú và cảnh quan tự nhiên vốn có bao quanh hai hồ nước tại di tích. Tổ chức cắm mốc giới các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Cột cờ Lũng cú theo quy định để đảm bảo giữ được không gian cảnh quan và các yếu tố cấu thành giá trị của di tích Cột cờ Lũng Cú. Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và đặc điểm văn hóa dân tộc đặc sắc của các bản làng dân tộc trong khu vực.

Bộ VHTTDL yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó, cần đề xuất được những giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh gây ảnh hưởng tới di tích Cột cờ Lũng Cú và hoạt động phát triển du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu và Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn.

Bộ VHTTDL cũng yêu cầu Dự án cần bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025 tầm nhìn 2030 và Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2030 để tính toán giảm quy mô xây dựng các công trình, đảm bảo bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi và cảnh quan môi trường tự nhiên.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) - ủng hộ việc cần phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng sâu, vùng xa của đất nước và nhìn nhận du lịch được xem là một giải pháp tương đối tốt trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo ông, chúng ta chưa chú ý đến phát triển theo chiều sâu, hướng tới sự phát triển hài hòa và bền vững.

"Việc xây dựng các khu du lịch sinh thái tâm linh theo hướng hoành tráng không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt - vốn đề cao sự hài hòa với tự nhiên; việc phá vỡ khung cảnh thiên nhiên, ảnh hưởng đến rừng là đi ngược lại quan điểm bảo vệ môi trường sinh thái hiện nay. Tôi rất mong chính quyền các địa phương hết sức cân nhắc khi triển khai các dự án du lịch sinh thái tâm linh ở địa phương mình" - ông Bùi Hoài Sơn góp ý.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy- Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cảnh báo thực trạng hiện nay ta đang phát triển du lịch văn hóa tâm linh nhiều quá. Các dự án du lịch tâm linh này lại không khai thác cái có sẵn trong cuộc sống, các di tích có bề dày lịch sử văn hóa mà lại "sáng tạo" cái mới.

Theo ông, Nhà nước rất cần xem lại việc phát triển ồ ạt các dự án du lịch văn hóa tâm linh như thế đã hợp lý chưa. Xây dựng đền chùa mới trên những cảnh quan danh thắng có phải là xu hướng nên khuyến khích không?!

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ