• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ Y tế cần công khai, minh bạch tiền thu giá dịch vụ y tế

Sức khỏe 05/07/2018 20:35

(Tổ Quốc) - Đó là đề nghị của ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam tại hội nghị triển khai Thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp diễn ra ngày 5/7.

Tránh “móc” tiền túi của người dân

Để thực hiện tốt Thông tư 15, ông Phúc đề nghị Bộ Y tế cần ban hành và công khai định mức kinh tế kỹ thuật để cơ sở KCB biết và thực hiện. Có những định mức trước đây hầu như cơ sở y tế không biết và người bệnh cũng không biết mình đang thụ hưởng cái gì để họ có thể giám sát. Chẳng hạn, buồng bệnh có điều hòa hay không, quần áo bệnh nhân như thế nào, có bảo đảm thay một lần/ngày hay ba ngày mới thay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu khai mạc Hội nghị

“Cần phải công khai cho người dân biết được đang hưởng dịch vụ như thế nào với phòng điều trị có điều hòa. Tránh trường hợp một số bệnh viện chỉ ngăn một phòng hẹp, cho thêm điều hòa, ti vi và coi như là phòng bệnh xã hội hóa, trong khi thực tế, phòng bệnh này không khác với phòng bệnh mà BHXH đang thanh toán (diện tích, điều hòa đang nằm trên định mức thanh toán)”, ông Phúc dẫn chứng.

Nội dung rất quan trọng mà đại diện BHXH Việt Nam đề nghị đó là Bộ Y tế cần phải công khai minh bạch tiền thu giá dịch vụ y tế và phải có chế tài xử lý đối với các trường hợp thu thêm của người bệnh những chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ y tế.

“Khu vực phía bắc, đặc biệt tại các Bệnh viện tuyến Trung ương, tình trạng thu thêm của người bệnh rất nhiều, kể cả chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ y tế. Nếu tình trạng này cứ diễn ra như hiện nay thì chỉ số về chi tiêu tiền túi của người bệnh sẽ tăng lên. Chúng tôi nhận nhiều phản ánh của bệnh nhân về trường hợp phải đóng thêm, chủ yếu bởi hai nguyên nhân: một là không giải thích rõ, thứ hai là thu thêm những khoản không được thu, trong đó có lý do là tự chủ bệnh viện”, ông Phúc bức xúc nói.

Xử lý nghiêm cơ sở KCB chi định quá mức cần thiết

Theo Thông tư 15, sẽ có 88 dịch vụ y tế được điều chỉnh về giá, trong đó có 70 dịch vụ được điều chỉnh giảm từ 5% đến 24% gồm giá khám bệnh, giá ngày giường và giá các loại xét nghiệm.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên cho biết, khi triển khai Thông tư 15, các cơ sở có số lượt khám bệnh tăng cần phải thực hiện ngay các giải pháp như tăng số bàn khám, điều tiết nhân lực cho phòng khám vào các giờ cao điểm để bảo đảm bác sĩ có thời gian khám, tư vấn cho người bệnh.

Bên cạnh đó, tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh điều trị nội trú theo đúng quy định, chống nhiễm khuẩn giảm số ngày điều trị nội trú. Thực hiện chỉ định các dịch vụ kỹ thuật theo đúng quy định về chuyên môn y tế.

“Các cơ sở y tế quá tải phải báo cáo UBND cấp tỉnh giao tăng , số lượng người làm việc; thực hiện chuyển người bệnh sang cơ sở y tế khác, chỉ trong trường hợp thực sự quá tải mới được kê thêm giường để không nằm ghép. Cơ sở KCB nào chỉ định điều trị nội trú, chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Nam Liên nói.

Thông tư 15 có hiệu lực từ 15/7 tới. Khi triển khai Thông tư này, BHXH Việt Nam cùng Bộ Y tế sẽ thành lập một số đoàn đi kiểm tra thực hiện. BHXH các địa phương cùng với Sở Y tế cũng thành lập các đoàn giám sát việc thực hiện tại các BV, đặc biệt là vấn đề chỉ định các dịch vụ cần thiết, việc kê thêm giường, chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú như thế nào.

Thế Công

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ