• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ Y tế nói gì về thông tin chậm trễ ban hành Quy chuẩn sản phẩm sữa tươi cho chương trình Sữa học đường?

Sức khỏe 15/08/2019 11:57

(Tổ Quốc) - Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế đã trả lời phỏng vấn báo chí sáng 15/8 về Quy định của Bộ Y tế đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường hiện nay.

- Thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đề cập việc Bộ Y tế chậm trễ trong ban hành Quy chuẩn sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường (SHĐ) gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân băn khoăn lựa chọn sản phẩm cho học sinh sử dụng khi năm học mới sắp bắt đầu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào thưa ông?

+ Trước hết Bộ Y tế xin trân trọng cám ơn các cơ quan truyền thông cũng như toàn thể cộng đồng đã quan tâm tới công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung cũng như công tác chăm sóc dinh dưỡng, đặc biệt là Chương trình SHĐ nhằm góp phần nâng cao tầm vóc thể lực của người Việt Nam.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt Chương trình SHĐ năm 2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450 về Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình SHĐ và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình SHĐ tại địa phương. Cá nhân Bộ trưởng Bộ Y tế ký không dưới 3 công văn đề nghị các tỉnh triển khai.

Trong đó Bộ Y tế nhấn mạnh, về nguyên liệu phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29 năm 2017 của Bộ NNPTNT. Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450 của Bộ Y tế.

1_74863

Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế. Ảnh: Zing.vn

Việc tổ chức đấu thầu lựa chọn sản phẩm phục vụ chương trình thuộc về các địa phương, tuy nhiên cần công khai, minh bạch theo đúng các quy định trên.

Bộ Y tế cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo sự an toàn và tính hiệu quả của sản phẩm tham gia chương trình SHĐ.

Và tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể triển khai thí điểm hoặc toàn tỉnh; chú ý ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các khu vực có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng.

Tới thời điểm này, qua công tác giám sát của Bộ Y tế và báo cáo của các địa phương đã có 15 tỉnh đã và đang triển khai Chương trình. Đặc biệt có tỉnh rất khó khăn như Sơn La vẫn dành kinh phí của địa phương ưu tiên triển khai.

Như vậy có thể khẳng định với việc ban hành Quyết định 5450 và các hướng dẫn của Bộ Y tế gửi địa phương triển khai cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các tỉnh/TP, sự vào cuộc và ủng hộ của các doanh nghiệp cũng như người dân, nhiều địa phương đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai chương trình hiệu quả.

Trong khi Bộ Y tế chưa ban hành quy định mới, đề nghị các địa phương vẫn tiếp tục triển khai thực hiện theo đúng các quy định hiện hành như trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra tôi cũng xin khẳng định lại, Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình không phải ban hành quy chuẩn. Thế giới và Việt Nam đều không có quy chuẩn sữa tươi. Việt Nam đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1: 2010/BYT) và Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5450 như đã đề cập.

- Hiện doanh nghiệp và người dân còn băn khoăn về việc bổ sung các loại vi chất trong sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình SHĐ. Xin ông cho biết ý kiến của Bộ Y tế về vấn đề này?

+ Việc bổ sung vi chất cần có cơ sở khoa học, đảm bảo tính thực tiễn, tính khả thi, phù hợp thông lệ quốc tế và quan trọng hơn cả phải hướng tới thực hiện chỉ tiêu trong Quyết định 1340 của Thủ tướng trong đó có yêu cầu đáp ứng nhu cầu sắt, vitamin D, Canxi của trẻ em mẫu giáo, tiểu học thêm 30% vào năm 2020.

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét lựa chọn phương án giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm chi phí người dân và đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp tham gia cung cấp sản phẩm phục vụ chương trình.

Mục đích cao nhất mà Bộ Y tế hướng tới là các cháu được sử dụng sản phẩm tốt nhất, tình trạng dinh dưỡng cũng như tầm vóc thể lực của các cháu được cải thiện theo đúng Quyết định của Thủ tướng.

- Xin ông cho biết thêm về chủ trương của Bộ Y tế trong việc duy trì, mở rộng và đảm bảo hiệu quả của một chương trình có ý nghĩa nhân văn, cao cả như chương trình SHĐ?

+ Bộ Y tế cho rằng đây là chương trình rất có hiệu quả cả về an sinh xã hội cũng như cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị Quyết 20, 21 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chaps hành Trung ương Khóa XII về nâng cao tầm vóc thể lực người Việt Nam; đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính vì vậy khi kết thúc chương trình, Bộ Y tế dự kiến sẽ đề xuất Chính phủ giao UBND các tỉnh/TP tiếp tục triển khai Chương trình như là nhiệm vụ thường xuyên. Bộ Y tế cũng mong muốn các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông và toàn thể cộng đồng tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế trong chương trình nhân văn cao cả này vì trẻ em Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Thái Linh (lược ghi)

NỔI BẬT TRANG CHỦ