• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nói về Chương trình sữa học đường

Giáo dục 03/04/2019 08:08

(Tổ Quốc) - Tối 2/4, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đã trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ về Chương trình sữa học đường.

Tại cuộc họp, phóng viên đặt câu hỏi: theo Quyết định 1340 của Thủ tướng, sữa học đường là sữa tươi, tuy nhiên nhiều địa phương như Thái Nguyên, Hà Nam cho phép đưa sữa bột pha lại vào trường học.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Chính phủ có đề án sữa học đường, Đề án 1340 phục vụ nâng cao thể chất từ học sinh mầm non đến học sinh tiểu học. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án 641 – phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp nâng cao giáo dục thể chất trong độ tuổi từ 0-3 tuổi và đến 18 tuổi.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nói về Chương trình sữa học đường - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: Nam Nguyễn

Về công văn do Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GDĐT Vũ Duy Anh ký cho phép giới thiệu một số sản phẩm sữa vào các trường học, trong khi sữa dùng cho chương trình được quy định là sữa tươi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói, công văn này giới thiệu sản phẩm không phải là tham gia chương trình sữa học đường.

"Sữa học đường là sữa tươi, thực hiện cho các cháu ở bậc mầm non và tiểu học, để nâng cao tầm vóc cho các cháu. Hai loại hoàn toàn khác nhau, không phải tất cả đều trong chương trình sữa học đường"- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Được biết, tháng 7/2016 Thủ tướng phê duyệt Chương trình sữa học đường trong đó quy định sữa sử dụng trong chương trình là sữa tươi.

Tháng 9/2016, Bộ Y tế ban hành quy định tạm thời đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình sữa học đường và tới năm 2020 sẽ kết thúc thí điểm chương trình, tiến hành triển khai đồng bộ cả nước.

Trong suốt quá trình triển khai Chương trình sữa học đường, nhiều ý kiến yêu cầu cho sử dụng nhiều loại sữa khác như sữa bột, sữa pha lại, sữa chua, phomai... với lý do là năng lực các doanh nghiệp Việt Nam không đủ cung cấp sữa tươi.

Tuy nhiên, trong các văn bản của mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục có các công văn trả lời các bộ liên quan và Chính phủ về việc đến năm 2020 sản lượng sữa tươi trong nước đạt tới 1 tỷ lít trong khi nhu cầu của học sinh mẫu giáo và tiểu học của cả nước là 587 triệu lít.

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, việc sử dụng các sản phẩm từ sữa đưa vào Chương trình sữa học đường không đúng tinh thần của chương trình như Chính phủ mong muốn bởi chương trình yêu cầu là sữa tươi./.


Thái Tùng

NỔI BẬT TRANG CHỦ