• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội huy động một loạt cơ quan vào cuộc triển khai Chương trình Sữa học đường

Giáo dục 20/12/2018 14:14

(Tổ Quốc) - Đó là nội dung công văn số 9935/VP-KGVX của UBND Thành phố Hà Nội ban hành ngày 18/12/2018 gửi các cơ quan liên quan trong việc thực hiện triển khai chương trình Sữa học đường.

Theo đó, thực hiện văn bản số 7162/BYT-BM-TE ngày 26/11/2018 của Bộ Y tế về tăng cường triển khai Chương trình Sữa học đường. Trong đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tại địa phương do Lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố là Trưởng ban, Phó trưởng ban thường trực là Lãnh đạo Sở Y tế, Ủy viên là các sở, ngành, đơn vị liên quan; khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Chương trình Sữa học đường tại địa phương và ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai Kế hoạch hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.

Hà Nội huy động một loạt cơ quan vào cuộc triển khai Chương trình Sữa học đường - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Giao Sở Y tế làm đầu mối phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ tỉnh/thành phố xây dựng và triển khai "Kế hoạch hành động thực hiện chương trình sữa học đường" của địa phương để thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường. Kế hoạch hành động cần cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của tỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn của người dân, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương cũng như các nội dung cần ưu tiên trong lĩnh vực dinh dưỡng. Tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể triển khai thí điểm hoặc toàn tỉnh; chú ý ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các khu vực có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng.

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục, vận động, phổ biến rộng rãi Chương trình Sữa học đường bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của Chương trình Sữa học đường trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần cải thiện tầm vóc và thể lực người Việt Nam. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp để thực hiện Chương trình Sữa học đường theo các mục tiêu, nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Sản phẩm dùng trong Chương trình sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sữa tươi nguyên liệu góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiêu học đến năm 2020. Các địa phương cần tổ chức đấu thầu lựa chọn sản phẩm phục vụ Chương trình công khai, minh bạch theo đúng các quy định; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo sự an toàn và tính hiệu quả của sản phẩm tham gia Chương trình Sữa học đường.

Phó Chủ tịch UBND TP. Ngô Văn Quý giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các đơn vị liên quan triển khai, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại văn bản trên.

Trước đó, ngày 23/11/2018 Sở GDĐT Hà Nội đã có quyết định số 2484/QĐ-SGDĐT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Mua Sữa thuộc đề án Thực hiện chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em Mẫu giáo và học sinh Tiểu học trên địa bàn, đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk. Theo đó, thông tin sản phẩm sữa học đường Vinamilk là sữa tươi tiệt trùng, có nhãn hiệu và bao bì có biểu tượng chương trình sữa học đường. Về cơ chế tài chính và nguồn kinh phí thực hiện chương trình sữa học đường: Ngân sách hỗ trợ 30% (tương đương 1.886 đồng/hộp sữa), phụ huynh đóng góp 47% (tương đương 2.954 đồng/hộp sữa), phần còn lại doanh nghiệp sữa hỗ trợ.

Cũng theo kế hoạch chương trình, học sinh sẽ được uống sữa 5 buổi/tuần tại trường trong 9 tháng của năm học, bắt đầu từ tháng 01/2019.

Minh Vy

NỔI BẬT TRANG CHỦ