(Tổ Quốc) - Đây là yêu cầu của Bộ Y tế tại buổi làm việc khẩn với các đơn vị liên quan về tiến độ và kế hoạch mở rộng địa điểm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax.
Sáng 25/6, lãnh đạo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế và Hội đồng Đạo đức nghiên cứu y sinh học quốc gia chủ trì cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan về tiến độ và kế hoạch mở rộng địa điểm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax.
Các thành viên của tiểu ban vaccine và chuyên gia, thành viên nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y, Viện Pasteur TP.HCM, Công ty Nanogen tham dự. Điểm Viện Pasteur TP.HCM và Công ty Nanogen tham gia họp trực tuyến.
Nhiều ý kiến của Hội đồng Đạo đức quốc gia đánh giá vaccine Nano Covax an toàn, bước đầu có tính sinh miễn dịch, tuy nhiên, để đánh giá hiệu lực bảo vệ cần thêm thời gian và số lượng mẫu nghiên cứu, đặc biệt cần có thêm kết quả đánh giá trong phòng thí nghiệm.
Tại cuộc họp, Bộ Y tế thống nhất với Học viện Quân y và Viện Pasteur TP.HCM về việc tăng tốc độ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine COVID-19 Nano Covax. Với quyết định này, 13.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm dự kiến tiêm xong mũi 1 trước 15/7 và mũi 2 trước 15/8.
"Toàn bộ quá trình này phải hoàn thành trong tháng 8, sau đó báo cáo gửi Bộ Y tế" - Bộ Y tế yêu cầu.
Được biết, số lượng 13.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Nano Covax đã được chọn xong. Trong đó, Tiền Giang 6.000 người, Hưng Yên 4.000, Long An 2.000, còn 1.000 người còn lại tiêm mũi 1 trước đó tại Học viện Quân Y và Long An.
Trước đó, Công ty Nanogen đã có kiến nghị gửi Thủ tướng mong muốn sớm cấp phép khẩn cấp có điều kiện cho vaccine Nano Covax.
Nanogen cho biết dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vaccine Nano Covax đạt 99,4%, tương đương các vaccine khác trên thế giới và có phần cao hơn. Giá bán dự kiến của Nano Covax chỉ khoảng 120.000 đồng/liều.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế lại cho rằng kiến nghị của Nanogen là "nóng vội". Số lượng 1.000 mẫu thử nghiệm giai đoạn 3 chưa nói lên được gì nhiều, các dữ liệu cần tiếp tục thu thập, nghiên cứu.
Bộ Y tế khẳng định việc đưa một vaccine tiêm rộng rãi cho người dân cần phải rất cẩn trọng, phải có đữ dữ liệu khoa học. Việc phê duyệt cấp phép thận trọng không phải để làm khó doanh nghiệp.
Đồng quan điểm với Bộ Y tế, GS.TSKH Phùng Đắc Cam, chuyên gia đầu ngành vi sinh lâm sàng Việt Nam, thành viên của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học của Bộ Y tế cho rằng, việc Nanogen đề nghị Thủ tướng cấp phép sớm vaccine COVID-19 Nano Covax là nóng vội. Bởi vaccine muốn được thông qua thì phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, có hiệu lực bảo vệ.
"Đến nay, Nano Covax vẫn chưa tìm ra được hiệu lực bảo vệ cũng chưa báo cáo nghiên cứu giai đoạn 2 và mới chỉ bắt đầu nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 thì chưa thể cấp phép khẩn cấp được" - GS.TSKH Phùng Đắc Cam bày tỏ quan điểm.