• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vì sao Nanogen khẳng định không "nóng vội" khi kiến nghị Thủ tướng cấp phép vaccine Nano Covax?

Thời sự 24/06/2021 09:31

(Tổ Quốc) - Đại diện Nanogen cho rằng, các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vaccine Nano Covax đạt 99,4%. Nếu so sánh với các loại vaccine khác trên thế giới là không hề thua kém, thậm chí có phần cao hơn, chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều lần.

Vì sao Nanogen khẳng định không "nóng vội" khi kiến nghị Thủ tướng cấp phép vaccine Nano Covax? - Ảnh 1.

Tình nguyên viên được tiêm vaccine Nano Covax.

Mới đây, Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen đã trình Thủ tướng Chính phủ xin cấp phép khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 có tên Nano Covax do đơn vị này sản xuất. Đây là vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (pha 3) và được các chuyên gia đánh giá rất tiềm năng.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế lên tiếng trước báo chí rằng, việc Nanogen xin cấp phép khẩn cấp vaccine Nano Covax là "nóng vội" khi chưa đầy đủ các dữ liệu về mặt khoa học.

Phản biện lại nhận định cho rằng đơn vị của mình "nóng vội", một lãnh đạo của Nanogen cho biết, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam đã vượt mốc hơn 10.000, việc xin cấp phép vaccine không có gì là nóng vội.

"Chúng tôi đang làm mọi thứ đúng khoa học, không hề nóng vội và cũng không tự nhiên mà chúng tôi trình lên Thủ tướng để xin cấp phép" - đại diện Nanogen cho biết.

Cũng theo đại diện Nanogen, việc cấp phép khẩn cấp vaccine là vấn đề của quốc gia, đơn vị chuyên môn sẽ không thể quyết định. Sau khi cân nhắc lợi ích quốc gia và rủi ro nguy cơ dịch bệnh thì Thủ tướng sẽ quyết định.

Đại diện Nanogen cũng thông tin thêm, kiến nghị trên xuất phát từ cơ sở khoa học là đánh giá từ Học viện Quân y và Viện Pasteur TP.HCM, hai đơn vị độc lập được Bộ Y tế chỉ định trực tiếp thử nghiệm.

"Các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy khả năng sinh miễn dịch của Nano Covax đạt 99,4%. Nếu so sánh với các loại vaccine khác trên thế giới là không hề thua kém, thậm chí có phần cao hơn, trong khi giá bán lại rẻ hơn nhiều lần" - phía Nanogen cho hay.

Đến nay quá trình thử nghiệm vaccine Nano Covax đang bước vào giai đoạn 3 với quy mô thử nghiệm trên 13.000 người (hiện đã có 1.000 người tiêm thử nghiệm và đến nay sức khỏe những người này đều ổn định).

Ngoài ra, đại diện Nanogen còn khẳng định trong quá trình thử nghiệm đều có báo cáo hằng ngày về Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo của Bộ Y tế.

Nói thêm về tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin cấp phép khẩn cấp vaccine Nano Covax, đại diện Nanogen cho biết, phía đơn vị đã nêu rõ là hiện nay một số loại vaccine tại các quốc gia như Ấn Độ, Nga, Trung Quốc mới chỉ thử ở giai đoạn 2 với khoảng 300-500 người đã xin cấp phép khẩn cấp. Trong khi đó Nano Covax đã thực hiện nghiên cứu lâm sàng trên số lượng nghìn người.

Cuối cùng, về tính sinh miễn dịch và hiệu quả của vaccine, theo thông tư mới của WHO, khi các quốc gia đang nghiên cứu vaccine không có dịch bệnh để so sánh hiệu quả, họ sẽ lấy tiêu chuẩn "vàng" để đo hiệu quả bằng cách lấy máu của tình nguyện viên sau đó thả virus vào để theo dõi hiệu quả bảo vệ của vaccine đối với chủng virus biến thể. Nanogen đã làm đầy đủ việc này ở cả 3 giai đoạn.

"Thế nhưng, không hiểu sao đại diện Bộ Y tế lại trả lời khả năng sinh miễn dịch trong các thử nghiệm chưa nói nên điều gì?" - đại diện Nanogen bày tỏ thắc mắc./.

Bộ Y tế phải giải trình với người dân vì sao lại đồng ý cấp phép?

Theo ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, việc ra quyết định cấp phép khẩn cấp một loại vaccine phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Bộ Y tế cần có các dữ liệu khoa học để cấp phép cho một loại vaccine. Đặc biệt là phải trả lời được 3 câu hỏi lớn đó là: "Có an toàn không? Có sinh miễn dịch không? Điều quan trọng đó là có hiệu lực bảo vệ không?".

"Trước khi một loại vaccine đưa ra tiêm rộng rãi cho người dân, về nguyên tắc Bộ Y tế phải có các dữ liệu về an toàn, tính sinh miễn dịch và đặc biệt là hiệu lực bảo vệ" - ông Nguyễn Ngô Quang nói và cho biết, Bộ Y tế phải giải trình với xã hội, với người dân về loại vaccine này có hiệu quả hay không, căn cứ vào đâu để nói là hiệu quả và tại sao đồng ý cấp phép.

Tính mạng người dân lên trên hết

Một thành viên trong Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế khi trả lời Báo Tuổi trẻ cho biết, Hội đồng đã hướng dẫn rất cặn kẽ cho phía Nanogen là phải hoàn thành thử nghiệm Nano Covax ở giai đoạn 3 trên quy mô 13.000 người. Sau đó, tất cả các mẫu lấy được phải chuyển cho một phòng thí nghiệm độc lập không có "xung đột" về lợi ích (ngoài Học viện Quân Y, Viện Pasteur) để thực hiện việc đánh giá.

Sau khi có kết quả (an toàn, sinh miễn dịch, hiệu lực bảo vệ) mới thông qua hội đồng đạo đức của Bộ Y tế xem xét, nếu đủ điều kiện hội đồng sẽ tư vấn cấp phép. Bất kỳ một loại vaccine nào trên thế giới cũng đều phải tuân thủ nguyên tắc đó. Hội đồng đạo đức phải phản biện và đặt tính mạng người dân lên trên hết.

Trong cấp phép khẩn cấp mỗi quốc gia có quy định riêng

Ông Trịnh Thanh Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết việc xem xét cấp phép cho vaccine là thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế nhưng trong cấp phép khẩn cấp, mỗi quốc gia có quy định riêng. Như ở Nga, Ấn Độ hay Trung Quốc thì những thông tin ban đầu là căn cứ dữ liệu khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, cơ quan chức năng nước bạn đã cấp phép khẩn cấp và sau đó tiếp tục cho thử nghiệm giai đoạn 3 và theo dõi./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ