• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bơi an toàn và phòng chống đuối nước ở trẻ em: Kỳ 1: Thực trạng đau lòng bao giờ chấm dứt?

Thời sự 28/05/2018 06:15

(Tổ Quốc) -Đuối nước ở trẻ em luôn là một vấn đề nhức nhối, đang từng ngày, từng giờ rình rập cướp đi sinh mạng của những đưa trẻ nhưng vẫn chưa có cách giải quyết triệt để.

Những con số đáng sợ…

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2010 đến 2013, trung bình có khoảng 3.000 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi bị tử vong do đuối nước mỗi năm. Năm 2016, số lượng tuy có giảm nhưng con số trẻ em tử vong do đuối nước  theo ghi nhận ở 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn ở mức khá cao 1.900 trẻ.

Năm 2018, ngay khi vừa bước vào thời gian cao điểm đầu tháng 5, đã có hàng loạt vụ đuối nước liên hoàn đặc biệt nguy hiểm mà nạn nhân chính là các em học sinh đã xảy ra trên địa bàn các tỉnh.

Trẻ em, học sinh thiếu những kĩ năng bơi an toàn khi chơi đùa cạnh khu vực sông, hồ, bể bơi (Ảnh: Nam Nguyễn)

Cụ thể, vào khoảng 16h30 ngày 06/05, tại Bản Chuồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, 6 cháu nhỏ xuống ngầm tràn Bản Chuồng chơi đùa nhưng do chưa biết bơi, hai cháu Hoàng Quang Huy (5 tuổi) và cháu Hoàng Vân Phi (4 tuổi) không may tử nạn.

Đầu giờ chiều ngày 7/5, khi một nhóm 8 học sinh trường THCS Long Phước ra khu vực bờ sông Đồng Nai nằm trên đường số 5 (thuộc phường Long Phước, quận 9, Tp. Hồ Chí Minh) để chơi thì cũng hai em trượt chân, đuối nước, tử vong.

Tiếp đó, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 07/05, tại ao nhà anh Hà Văn Hà ở thôn Cầu Trong, xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), hai cháu Hà Văn Mạnh (SN 2006, con trai anh Hà) và Hà Văn Tuyến (SN 2006, nhà ở thôn Cầu Trong, xã Mỹ Thái) và một số bạn học rủ nhau xuống ao tắm. Hai cháu Hà và Mạnh không may trượt chân, đuối nước dẫn đến tử vong.

Tính đến gần cuối tháng 5, đã có trên 10 vụ trẻ em tử vong vì đuối nước ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Long An, Bắc Giang, TP.HCM... Đây thực sự là một con số đáng báo động khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi giật mình về mối nguy hiểm luôn rình rập con em mình.

Nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm

Theo ông Nguyễn Việt Tiến, Phó Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia, Phụ trách Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình Hà Nội, một trong những nguyên nhân tử vong do đuối nước đó là tình trạng trẻ em không biết bơi, thiếu những kỹ năng cần thiết về bơi lội để ứng phó, thoát hiểm trong những tình huống gặp nguy hiểm .

“Không những vậy, nhiều trường hợp một số em học sinh dù biết bơi nhưng thiếu đi kĩ năng cứu đuối căn bản nên đã không may tử vong trong lúc cố gắng cứu bạn”- ông Nguyễn Việt Tiến cho biết.

Theo ông Nguyễn Việt Tiến, ngay cả những em biết bơi cũng thiếu những kĩ năng cứu đuối cần thiết dẫn đến tai nạn thương tâm (Ảnh: Nam Nguyễn)

Theo báo cáo sơ bộ từ các tỉnh/thành trong cả nước, tỉ lệ trẻ em Việt Nam biết bơi chiếm dưới 30%. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em về các nguy cơ gây đuối nước còn hạn chế, chưa quan tâm đến công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, Nhiều gia đình giám sát, trông giữ trẻ nhỏ còn chưa tốt, nhiều thanh thiếu niên chưa biết bơi và chưa có kỹ năng an toàn trong môi trường nước trong khi môi trường xung quanh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến đuối nước. 

Trong khi đó, việc thiếu cơ sở vật chất, phương tiện, hướng dẫn viên dạy bơi cho trẻ em; ý thức chấp hành các quy định về giao thông đường thủy chưa đầy đủ trong thanh thiếu nhi cũng là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn ngoài ý muốn.

Con số dưới 30% trẻ em biết bơi là một con số quá nhỏ trong bối cảnh các cấp ngành, cộng đồng liên tục hưởng ứng sự kiện dạy bơi an toàn, phòng - chống đuối nước trong những năm trở lại đây. Chính vì vậy việc phổ cập bơi và các kỹ năng phòng - chống đuối nước trong lứa tuổi học đường là giải pháp hết sức cấp thiết.

Ngay từ đầu tháng 5/2018, Tổng cục TDTT đã phát động chương trình "Bơi an toàn, Phòng chống đuối nước trẻ em" với nhiều hoạt động, được triển khai tại khắp 63 tỉnh thành nhằmmục tiêu tạo sự đột phá trong năm 2018. Các hoạt động chính của chương trình bao gồm: tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền xây dựng, xuất bản tài liệu chuyên môn, kỹ thuật về bơi an toàn, phòng chống đuối nước.

Tuy nhiên, chương trình "Bơi an toàn, Phòng chống đuối nước trẻ em"  cũng vấp phải một số khó khăn nhất định khi cơ sở hạ tầng kém, số lượng bể bơi còn hạn chế, nhất là ở vùng nông thôn, khu vực xảy ra nhiều trường hợp đuối nước nhất. Đây là yếu tố khiến các đại diện của Vụ TDTT quần chúng, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ LĐTBXH gặp nhiều vướng mắc trong việc giải quyết dứt điểm tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Đăng Huy

NỔI BẬT TRANG CHỦ