• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bơi an toàn và phòng chống đuối nước ở trẻ em: Kỳ 2: Bắt tay tuyên chiến với đuối nước

Giáo dục 01/06/2018 07:26

(Tổ Quốc) -Nhiều chiến lược đã được Tổng cục TDTT cùng các cơ quan liên quan đề ra ngay từ thời điểm đầu mùa hè nhằm giải quyết triệt để tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Từ những suy nghĩ tích cực của người trong cuộc

Trong nhiều năm trở lại đây, Tổng cục TDTT cùng các cơ quan liên quan luôn xem đuối nước là một trong những nguyên nhân nguy hiểm cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Các chương trình lớn, hoạt động thiết thực được đặt ra nhằm mục tiêu giảm thiểu tối đa những trường hợp tử vong do đuối nước ở trẻ nhỏ.

Cụ thể, ngay từ đầu tháng 5, Tổng cục TDTT đã phát động Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em năm 2018 gồm nhiều hoạt động được triển khai tại khắp 63 tỉnh thành từ tháng 5 tới tháng 8 trong năm, với các hoạt động chính gồm: Truyền thông, tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, xây dựng, xuất bản tài liệu chuyên môn, kỹ thuật về bơi an toàn, phòng chống đuối nước. Tổ chức lễ phát động học bơi, giải bơi, lặn tại các tỉnh thành gồm Ninh Bình, Đà Nẵng, Đồng Tháp.

Nhiều chương trình bơi an toàn, phòng chống cứu nước đã được triển khai (Ảnh: Nam Nguyễn)

Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho khoảng 600 cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên của 63 tỉnh/thành tại Hà Nam, Khánh Hòa, An Giang trong tháng 5 và khoảng 300 tuyên truyền viên là cán bộ Đoàn, Đội phổ biến, tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em.

Đồng thời, đưa ra các chương trình, giáo án tập huấn được đổi mới giúp cho cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên có phương án tổ chức hiệu quả, thiết thực, phù hợp với đối tượng là trẻ em và đặc thù, điều kiện của từng đơn vị, địa phương.

Quyết tâm tuyên chiến với đuối nước của Tổng cục TDTT cùng các cơ quan liên quan đã góp phần thay đổi nhận thức của chính những người trong cuộc, cụ thể là phụ huynh và chính các em học sinh.

Theo em Hải Vân (lớp 6 trường THCS Đoàn Thị Điểm, Hà Nội),  việc tập bơi, cứu đuối không những giúp bản thân tránh được nhiều trường hợp rủi ro, chết đuối mà còn có thể cứu được người khác.

“Theo em, việc tập bơi, cứu đuối rất quan trọng bởi nếu có kĩ năng thì sẽ có thể phản ứng kịp thời với những trường hợp đuối nước”- Hải Vân chia sẻ.

Đồng quan điểm với Hải Vân, cô Trần Thị Hồng Phúc (Mễ Trì, Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những trường hợp tử vọng do đuối nước ở trẻ em một phần là do cha mẹ chưa trang bị những kĩ năng cần thiết cho con khi còn nhỏ, bên cạnh đó, xã hội vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

“Mọi người cứ cho rằng đây là chuyện bình thường nhưng các cháu bắt đầu đi học, có sinh hoạt cộng đồng thì cần phải trang bị những kiến thức cần có như bơi lội để lỡ may có chuyện gì xảy ra thì còn có thể tự cứu mình được. Nói chung ai cũng bận rộn nhưng hãy cố gắng dành thời gian cho con đi học bơi càng sớm càng tốt. Dù bận mấy thì bận cũng nên giành thời gian để sau này không ân hận”- cô Hồng Phúc chia sẻ.

Đến những cái bắt tay tuyên chiến với đuối nước

Bên cạnh các chiến lược tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bơi an toàn, phòng chống đuối nước ở trẻ em, Tổng cục TDTT cũng các cơ quan liên quan đã có nhiều hành động cụ thể nhằm nâng cao kĩ năng bơi và phòng chống đuối nước được triển khai trên 100% tình, thành phố.

Các hoạt động thiết thực dạy bơi, phòng chống đuối nước đã được triển khai (Ảnh: Nam Nguyễn)

Theo ông Nguyễn Việt Tiến, Phó Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia, Phụ trách Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình Hà Nội cho biết, nhu cầu học bơi trong những đợt hè của học sinh, trẻ em đều tăng cao. Do vậy, ngay từ tháng 4, Khu LHTTQG đã lên kế hoạch xây dựng tổ chức khoảng 250 lớp dạy bơi phổ cập với số lượng khoảng 7000 trẻ và dự kiến sẽ đồng loạt triển khai trong tháng 6, tháng cao điểm nhất.

“Bên cạnh đó, trong năm 2018, Khu LHTTQG đã thực hiện các chương trình tuyên truyền học bơi đến các trường trong quận Nam Từ Liêm cùng các quận lân cận, phối hợp với nhà trường tổ chức các lớp dạy bơi. Cho đến nay, trọng điểm tập trung vào một số trường học hàng năm vẫn phối hợp liên kết dạy bơi cho các em học sinh giảm thiểu tai nạn đuối nước”- Ông Nguyễn Việt Tiến cho biết.

Song song với công tác dạy bơi, phòng chống cứu đuối, đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất phục vụ cũng được chú trọng. Theo đó, trong những năm vừa qua, Khu LHTTQG đã nghiên cứu đưa vào sử dụng các bể bơi thích hợp cho việc tập luyện đối với các lứa đối tượng khác nhau gồm từ 7-8 tuổi và 15-16 tuổi.

Về đội ngũ giáo viên dạy bơi cũng được tuyển chọn khắt khe, có chất lượng chuyên môn tốt, tốt nghiệp các trường thể thao chuyên ngành, có những kĩ năng, phương pháp dạy cháu nhỏ đạt yêu cầu. Hàng năm Khu LHTTQG đề có kế hoạch tập huấn cho đội ngũ giáo viên bơi trước khi đứng lớp.

Cùng với các kế hoạch phối hợp giữa các trường học và bể bơi tổ chức lớp học bơi an toàn, nhiều phương án hữu hiệu khác cũng được triển khai nhằm đạt được hiệu quả tối đa trong công tác dạy bơi, phòng chống cứu đuối.

Cụ thể, tại Lễ phát động bơi an toàn, phòng chống cứu đuối 2018 diễn ra tại Ninh Bình vào ngày 20/05 vừa qua, một mô hình bể bơi di động đã được đưa ra nhằm giải bài toán khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường học hiện nay. Theo đó, việc sử dụng hồ bơi di động sẽ làm giảm chi phí đầu tư xây dựng bể bơi cho các trường, đồng thời đáp ứng được nhu cầu triển khai các lớp học bơi, chống cứu đuối trong dịp cao điểm.

Hy vọng với sự quyết tâm cùng hành động trên,  mục tiêu giảm thiểu, loại bỏ những tai nạn đuối nước ở trẻ em sẽ dần được thực hiện

Đăng Huy

NỔI BẬT TRANG CHỦ