(Tổ Quốc) - Chiều nay, Sở GTVT TP HCM phối hợp Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO thông tin về việc tài xế dừng ô tô phản đối trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc 'thu lố' quá 31 tháng.
- 04.12.2018 TP HCM: BOT An Sương – An Lạc xả trạm khi tài xế phản đối thu phí quá hạn 31 tháng
- 20.11.2018 BOT Cai Lậy chuẩn bị thu phí trở lại và sẽ giảm tối đa cho người dân địa phương
- 08.11.2018 Thủ tướng: Phải lắng nghe xử lý, giải quyết đến nơi đến chốn vướng mắc đối với các trạm BOT
- 07.11.2018 Hạ tầng giao thông Quảng Ninh phát triển bứt phá nhờ BOT
- 20.10.2018 Nhiều dự án BOT vào tầm ngắm Kiểm toán Nhà nước
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Ninh – Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO cho biết, dự án BOT đầu tư Quốc lộ 1 đoạn từ An Sương đến An Lạc được Chính phủ chấp thuận năm 2000, sau đó có điều chỉnh và bổ sung vào năm 2003 theo quyết định của Bộ GTVT.
Với dự án ban đầu là cải tạo, nâng cấp đoạn Quốc lộ 1 từ An Sương đến An Lạc có chiều dài 14 km, mở rộng 6 nút đồng mức và xây dựng bổ sung 6 cây cầu trên tuyến với tổng mức đầu tư là 831,639 tỉ đồng.
Dự án này hoàn thành và đưa vào sử dụng vào ngày 31/12/2004, thời gian thu phí 145 tháng, đến ngày 31/1/2017 hết thời hạn.
Trạm thu phí An Sương - An Lạc
Theo ông Ninh, do áp lực giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua khu vực trên liên tục gia tăng nên trước khi kết thúc thời gian thu phí dự án ban đầu, đơn vị này được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước cho phép tiếp tục đầu tư bổ sung vào hợp đồng BOT thêm 4 hạng mục thu phí là 2 nhánh cầu vượt Tỉnh lộ 10 - quốc lộ 1; cầu vượt Hương lộ 2 - quốc lộ 1; cầu vượt Lê Trọng Tấn - quốc lộ 1.
Kinh phí nâng cấp đoạn đường 12 km quốc lộ 1 và 4 cây cầu trên gần 2.500 tỷ đồng. Thời gian thu phí được tiếp tục thực hiện từ 2/1/2017 đến 31/1/2033.
Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO nói rằng lúc 17h chiều 3/12, một số tài xế qua trạm thu phí An Sương – An Lạc không đồng ý mua vé. Nhiều tài xế viện dẫn văn bản cho rằng chủ đầu tư đã thu phí quá thời hạn 31 tháng, yêu cầu trạm BOT dừng hoạt động.
Chủ đầu tư đã cử nhân viên giải thích việc thu phí là đúng, kéo dài đến năm 2033 nhưng nhiều tài xế không chấp nhận. Có ô tô dừng ở trạm hơn 1 tiếng, 4 trường hợp mua vé bằng tiền lẻ, khiến giao thông trên quốc lộ 1 ùn tắc nghiêm trọng, buộc chủ đầu tư mở barie xả trạm lúc 18h30.
Biển báo cấm dừng, đậu ôtô quá 5 phút được lắp ngay trong đêm ở BOT An Sương - An Lạc
Đến 23h, trạm thu phí mới bắt đầu hoạt động trở lại. Chủ đầu tư đã xin ý kiến cơ quan chức năng lắp biển báo cấm dừng, đậu ôtô ngay trong đêm và phối hợp CSGT điều tiết tránh ùn ứ trên quốc lộ 1.
Theo ông Nguyễn Hồng Ninh tài xế dừng ôtô phản đối thu phí quá thời hạn là sự hiểu lầm. Sau sự việc, công ty đã chuẩn bị một số biện pháp như in sẵn các hồ sơ, văn bản pháp lý của dự án nhằm cung cấp thông tin cho tài xế.
Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM Nguyễn Văn Tám cung cấp, dự án BOT An Sương - An Lạc trước đây do Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư theo hình thức BOT, sau đó chuyển giao cho TP HCM quản lý.
Trong quá trình dự án ban đầu đang khai thác, áp lực giao thông trên các tuyến đường như Tỉnhh lộ 10, Hương lộ 2, nút giao thông Gò Mây… liên tục gia tăng nên nhà đầu tư đã đề xuất đầu tư bổ sung các công trình vào dự án và đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
"Thời gian thu phí của dự án tính toán đến năm 2033 nhưng đây là dự kiến bởi có thể sẽ có sự điều chỉnh dựa vào doanh thu, kết quả duy tu thực tế. Sở GTVT sẽ điều chỉnh thời gian lại cho phù hợp" – ông Tám nói.