(Tổ Quốc) - “Đề xuất ưu tiên học sinh tỉnh lẻ có môi trường học tập thiếu thốn khi xét tuyển” – bức thư nhìn qua tưởng như lời “xin xỏ” của một ứng viên yếu thế, nhưng thực tế lại gây ấn tượng mạnh bởi “khát vọng, sự kiên trì theo đuổi ước mơ và có khả năng làm chủ vận mệnh của mình”, như đánh giá của các giáo sư VinUni dành cho cậu học trò cao nguyên Trần Phước Lâm Duy.
Ước mơ ra biển lớn của nam sinh cao nguyên
Trong danh sách chờ của vòng tuyển sinh sớm vào VinUni, giữa một rừng hồ sơ sáng láng, Trần Phước Lâm Duy có vẻ "chìm" giữa các ứng viên khác. Song ở vòng tuyển sinh thứ hai, nam sinh trường THPT chuyên Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã tỏa sáng và chinh phục Hội đồng tuyển sinh. Duy giành tấm vé vàng trị giá 3,2 tỷ đồng để vào trường đại học tinh hoa của Việt Nam nhờ một… bức tâm thư, thay vì một bài luận như thông thường.
Sách với Lâm Duy là kho kiến thức vô tận. Hai năm qua, Duy đã đọc hơn 30 đầu sách và mục tiêu của năm 2020 là 24 cuốn
"Đề xuất ưu tiên học sinh tỉnh lẻ có môi trường học tập thiếu thốn khi xét tuyển" – bức thư nêu rõ chủ đề. Bức thư dài hơn 2.500 chữ khiến người đọc bất ngờ bởi tinh thần tự tin, khát vọng thay đổi và tư duy vượt tuổi của một nam sinh còn chưa tốt nghiệp cấp 3.
"Em đã phải tự viết thư giới thiệu cho bản thân rồi xin thầy cô góp ý và ký tên", chủ nhân của học bổng toàn phần VinUni thật thà viết. Theo lời kể của Lâm Duy, ở Bảo Lộc không có trung tâm chuyên luyện thi IELTS. SAT cũng còn xa lạ với nhiều người. Không có người định hướng và hướng dẫn nhưng với quyết tâm "không ra biển rộng sao bắt được cá lớn", Duy đã tự lên mạng tìm tài liệu, học hỏi kinh nghiệm và xây dựng chiến lược ôn luyện cho bản thân.
"Số điểm IELTS 7.5 và SAT 1.410 dù không cao so với các bạn ở Hà Nội hay TP.HCM nhưng em đã phải nỗ lực 110% khả năng của bản thân", Lâm Duy tâm sự trong thư.
Riêng trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid, Duy đã hoàn thành 5 khóa học trên Udemy - nền tảng học trực tuyến với hơn 20 triệu người dùng trên toàn thế giới. Cũng nhờ những nỗ lực phi thường đó mà Lâm Duy được Đại học Aalto, Phần Lan (hạng 127 thế giới theo QS Ranking 2021) trao học bổng toàn phần và Đại học KU Leuven, Bỉ (hạng 84 thế giới theo QS Ranking 2021) nhận vào học. Nhưng chàng trai phố núi vẫn quyết tâm chinh phục VinUni, dù phải vào danh sách chờ.
Hoạt động ngoại khóa tại Bảo Lộc khá hạn chế nên CLB tình nguyện tại trường mà Duy tham gia và điều hành có thể xem là "của hiếm"
Tự nhận mình chỉ là một trong hàng nghìn người trẻ ở các tỉnh lẻ có hoài bão lớn và đang cần một môi trường phù hợp, một bàn đạp vững chắc để phát triển bản thân, cống hiến tốt hơn cho xã hội, Lâm Duy tha thiết đề xuất không nên xem điểm số là tiêu chí duy nhất để xét tuyển hay đánh giá học sinh. Theo Duy, với nỗ lực như nhau, các học sinh ở thành phố lớn với điều kiện và môi trường học tập tốt hơn, sẽ có điểm số cao hơn. Ngay cả các kỳ thi học sinh giỏi, từ cấp tỉnh tới cấp quốc gia, cũng ít trao cơ hội cho các trường thường ở các huyện, thị xã nhỏ. Chưa kể, ở những nơi này, hoạt động ngoại khóa cho học sinh còn rất hạn chế.
"Để cân bằng giữa thành tích học tập, tham gia các kỳ thi chuẩn hóa, chưa nói đến đạt điểm cao và tham gia các hoạt động ngoại khóa, chưa nói đến đứng lên tổ chức, học sinh tỉnh lẻ sẽ phải cố gắng hơn rất nhiều và rất ít người có thể làm được", Lâm Duy viết trong thư.
Trao cơ hội cho người có tài năng và khát vọng
Lâm Duy nhận thấy rõ thực tế không cân đối trong giáo dục ở các vùng miền, lo lắng cho những bạn đồng cảnh ngộ, những học sinh có năng lực nhưng chưa có môi trường để phát huy, có khát vọng nhưng chưa hiểu được sứ mệnh của bản thân, có ước mơ nhưng chưa có người chắp cánh.
Theo chàng trai Tây Nguyên, khi chưa thấy ai ở xung quanh ước mơ lớn, các học sinh này sẽ không dám nghĩ lớn; khi chưa thấy ai xung quanh thành công, họ sẽ không tin mình có thể. Khoảng cách giữa học sinh tỉnh lẻ và thành phố, vì thế, sẽ ngày càng lớn hơn.
"Nhiều tài năng có thể sẽ mất đi, trong khi đáng lẽ họ đã có thể trở thành những bác sĩ, nhà hoạt động xã hội, doanh nhân giỏi tầm cỡ quốc tế nếu được trao cơ hội", nam sinh 18 tuổi bày tỏ đồng thời đề xuất. "Ưu tiên cho học sinh tỉnh lẻ, có môi trường học tập thiếu thốn, nhưng không làm ảnh hưởng tới cơ hội dành cho ứng viên từ các thành phố lớn".
Theo Hội đồng tuyển sinh trường Đại học VinUni, bức thư của Lâm Duy cho thấy rõ thực tế khó khăn của giáo dục địa phương. Tuy nhiên, vượt trên tất cả, đằng sau bức thư đó là chân dung một con người hành động, với những suy nghĩ, trăn trở vượt tuổi cho thấy nam sinh Tây Nguyên là người có tố chất đặc biệt, có khát vọng thay đổi, dám nói lên ước mơ của mình, không từ bỏ khi gặp khó khăn và nỗ lực hành động để hiện thực hóa ước mơ. Đó mới chính là phẩm chất "tinh hoa" mà VinUni tìm kiếm.
Giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn là một niềm hạnh phúc của nam sinh phố núi
Tại VinUni, điểm số hay thành tích "khủng" được trân trọng, nhưng không phải là thước đo duy nhất. Trường theo mô hình đánh giá toàn diện, theo đó điểm số chỉ là một trong các tiêu chí để đánh giá ứng viên. Quy trình "đãi cát tìm vàng" của một Đại học tinh hoa khác biệt bởi vòng phỏng vấn trực tiếp, cũng là khâu giúp bộc lộ rõ nhất phẩm chất, hoài bão và nỗ lực của từng ứng viên, không phân biệt xuất phát điểm là học sinh thành phố hay tỉnh lẻ. Với Lâm Duy, "tình thế nguy hiểm" khi phải vào danh sách chờ giống như mồi lửa kích hoạt giúp tài năng của em thực sự tỏa sáng.
GS.TS Rohit Verma, Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni tiết lộ, thực tế, tỷ lệ học sinh tỉnh lẻ/thành phố của VinUni đang là 50/50. Nhiều học sinh thành phố học giỏi, học bạ toàn điểm khủng nhưng thiếu động lực vươn lên, thiếu khát vọng thay đổi thì cũng không được VinUni tuyển chọn.
"Bản thân tôi cũng từng là học sinh ở thành phố nhỏ lên học đại học ở một thành phố lớn. Rồi sau đó lại là một du học sinh Ấn Độ, từ một quốc gia đang phát triển sang học tại Cornell, một trong các đại học Ivy League nổi tiếng ở Mỹ. Tôi rất thấu hiểu các thách thức của ứng viên tỉnh lẻ và trân trọng sự nỗ lực, kiên cường của các em. Các em xứng đáng có cơ hội đạt được các hoài bão của mình ", ông nói.
Theo mô hình Đại học tinh hoa, VinUni thu hút và là nơi hội tụ của những người học tài năng và có khát vọng từ mọi miền Việt Nam và trên thế giới. Đặc biệt, thành công tại VinUni của những học sinh ở nông thôn hay miền núi cao nguyên như Lâm Duy chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác, nhờ đó sẽ không bỏ phí nhân tài cho đất nước.
"Những ứng viên như Lâm Duy được chọn vì phẩm chất cá nhân và tiềm năng vượt trội. Chúng tôi tin rằng thế hệ trẻ với những con người như vậy sẽ là nhân tố góp phần thay đổi đất nước trong tương lai", Tiến sĩ Trần Phương Lan, Viện phó Viện Quản trị Kinh doanh, chia sẻ.