(Tổ Quốc) - Ngày 9/8, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã diễn ra lễ ra mắt chiếu phim, trưng bày chuyên đề và tọa đàm "Thái Duy – sống và viết".
Sự kiện được tổ chức nhằm hướng đến kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2023) và Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2023); hướng tới 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết: Nhà báo Thái Duy, sinh năm 1926, xấp xỉ tuổi ra đời của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Suốt sự nghiệp báo chí của mình, nhà báo Thái Duy luôn chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và vì sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Ông bước vào làm báo Cứu Quốc từ năm 1949. Đầu năm 1964, ông cùng lãnh đạo báo Cứu Quốc vào miền Nam xây dựng Báo Giải phóng (thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam). Trong giai đoạn này, ông hoàn thành một số tác phẩm đỉnh cao "Sống như Anh", "Người tử tù Khám lớn", "Những đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi"…
Sau giải phóng, nhà báo Thái Duy công tác tại báo Đại đoàn kết, bước vào mặt trận nông nghiệp, thông qua ngòi bút của mình đã tiếp tục mạnh mẽ chiến đấu trong sự nghiệp khoán mới. "Khoán chui hay là chết" là câu nói, là quyết tâm Thái Duy nghe thấy, nhìn thấy từ người nông dân Việt Nam. Chính thực tiễn sinh động đã góp phần đổi mới tư duy, khuyến khích cách làm hiệu quả giúp người dân vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên. Từ ngày là phóng viên báo Cứu Quốc trong kháng chiến chống Pháp đến khi nghỉ hưu năm 1995, nhà báo Thái Duy chỉ làm ở một tờ báo của Mặt trận. Mặc dù rất nổi tiếng và có nhiều thành tích, ông chỉ có một chức danh là phóng viên; chỉ trung thành với sự thật và lợi ích của nhân dân. Ông là người từ rất sớm và trong mọi trường hợp, đều viết hoa chữ "Dân".
Năm 2020, nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tại Hà Nội diễn ra hội nghị "Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu". Trong đó có bảy nhà báo được tôn vinh gồm Thái Duy, Phan Quang, Hà Đăng, Phạm Khắc Lãm, Hồ Tiến Nghị, Hồng Vinh, Nguyễn Thị Kim Cúc. Trong số ấy, hầu hết là lãnh đạo của những cơ quan báo chí lớn, chỉ riêng nhà báo Thái Duy là "phóng viên trơn" - như cách nói của ông và ông vẫn tự hào về điều đó, không hề băn khoăn về sự thiệt thòi như người khác nhìn vào. Đó là bản lĩnh, là đạo đức của người làm báo chân chính.
Chia sẻ về nghề, nhà báo Thái Duy quan niệm, muốn viết báo tốt đầu tiên là phải trung thực, nhìn rõ sự thật, muốn chỉ ra cái sai thì mình phải đúng. Cả cuộc đời ông chỉ làm "phóng viên". Sống và viết như nhà báo Thái Duy là cuộc đời của một con người phấn đấu không mệt mỏi, không chùn bước để "chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tươi tốt" như lời Bác Hồ căn dặn trong di chúc. Vinh quang của ông không thuộc về những phần thưởng, những chức vụ mà là tất cả những gì mới mẻ, tốt tươi không ngừng nẩy nở cho cuộc đời này.
Tại sự kiện đã cho ra mắt bộ phim tài liệu đầu tiên về nhà báo Thái Duy: "Thái Duy – Sống và viết". Phim do Bảo tàng Báo chí Việt Nam sản xuất, thời lượng 30 phút, với nhiều tư liệu, hình ảnh, câu chuyện thú vị về một nhà báo đi qua ba cuộc kháng chiến và tiếp tục có những cống hiến xuất sắc trong thời bình. Phim lần đầu tiên ra mắt công chúng, tập trung phác họa những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy đồng thời tri ân những đóng góp của ông, với ngòi bút sắc bén chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và vì sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.
Đánh giá về bộ phim, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi chia sẻ: "Khi xem xong bộ phim tôi đã rất xúc động. Bộ phim không chỉ ghi được những hình ảnh xúc động về cuộc đời, sự nghiệp của chính nhà báo Thái Duy mà còn góp phần làm phong phú hơn di sản văn hóa báo chí và làm đẹp hơn nữa, sáng hơn nữa truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. Nhà báo Thái Duy là minh chứng sống động điển hình cho điều này. Qua đó, tôi mong muốn bộ phim cũng như hình ảnh về cuộc đời đáng ngưỡng mộ của ông, không chỉ được chiếu và lưu trữ trong bảo tàng mà sẽ được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng xã hội, trước hết trong ngành báo chí, các cơ quan báo chí,.. để thế hệ trẻ học tập, noi gương theo và phát triển ngành báo chí Việt Nam ngày càng vững mạnh hơn".
Bên cạnh đó, bảo tàng còn tổ chức trưng bày 38 hiện vật, tư liệu gắn với sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy. Gồm 3 backdrop và 17 vách kể về con đường nhà báo Thái Duy đến với báo chí cách mạng Việt Nam và cống hiến cho báo Cứu Quốc, Giải phóng, Đại đoàn kết qua các thời kỳ; Hai lần vào miền Nam chiến đấu để lại dấu ấn sâu sắc qua các tác phẩm Sống như Anh, Những đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi…; Các cuốn sách, bài viết thể hiện tinh thần đổi mới, chống tham nhũng, tiêu cực… Một số hình ảnh và bài viết nổi bật của nhà báo Thái Duy gắn quá trình hoạt động báo chí…
Ngoài ra, còn có 7 tủ trưng bày tài liệu, hiện vật gồm bản thảo đánh máy, một số bài viết trên báo Cứu Quốc, Giải phóng, Đại đoàn kết, sách Sống như Anh, Khoán "chui" hay là chết, thư các tử tù gửi nhà báo Thái Duy, đồ dùng trong quá trình công tác của nhà báo Thái Duy…
Buổi tọa đàm với sự tham gia của các nhà báo lão thành, các chuyên gia báo chí, các đồng nghiệp làm báo các thời kỳ cùng thời với nhà báo Thái Duy, đại diện gia đình và đoàn làm phim… đã giúp người tham dự chương trình hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp của nhà báo Thái Duy./.