• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Sứ mệnh của những nhà báo vô cùng vinh quang

Văn hoá 21/06/2023 07:36

(Tổ Quốc) - Huỳnh Dũng Nhân (sinh năm 1955) là nhà báo nổi tiếng từng có nhiều năm công tác tại Báo Lao Động, chuyên về thể loại phóng sự. Những tác phẩm báo chí của ông thể hiện trăn trở về xã hội, thân phận con người qua ngòi bút giàu chất trữ tình, hóm hỉnh mà sâu sắc.

Không chỉ được biết đến là một cây bút phóng sự lừng lẫy trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Huỳnh Dũng Nhân còn được biết đến là một nhà văn, giảng viên của nhiều thế hệ sinh viên báo chí. Ông từng là phó ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh, tổng biên tập Tạp chí Nghề báo..

Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có buổi trò chuyện, trao đổi với ông về những vấn đề báo chí hiện nay.

+ Trong suốt 40 năm làm nghề, ông cảm nhận như thế nào về sức mạnh của ngòi bút báo chí, thưa ông?

- Trong thời đại hiện nay, chúng ta phải khẳng định rằng báo chí là một phần của cuộc sống. Nhìn vào đời sống của báo chí thì có thể đoán được mức sống của người dân và sự tiến bộ của xã hội. Báo chí thực sự là sức mạnh tri thức, thông tin muôn mặt đời sống đến mọi người dân; phản ánh mọi hoạt động của xã hội ngày càng đầy đủ, cập nhật toàn diện, phong phú, đa dạng, nhiều chiều. Báo chí trở thành cầu nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, kết nối Trung ương và địa phương, trong nước và quốc tế. Báo chí thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, có công rất lớn trong vai trò phản biện xã hội và được thể hiện ở nhiều khía cạnh.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Sứ mệnh của những nhà báo vô cùng vinh quang - Ảnh 1.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

Đặc biệt, đối với nền kinh tế thị trường hiện nay, thông tin chính xác, kịp thời là sức mạnh tạo nên thắng lợi cạnh tranh. Các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò to lớn trong việc cung cấp những thông tin có giá trị đó. Các lĩnh vực thông tin kinh tế cần như: Thông tin thị trường hàng hóa, thị trường tài chính, thị trường lao động, vật tư, thiết bị, đặc biệt là thị trường công nghệ. Báo chí được xem là kênh chính quảng bá thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp được cộng đồng dân cư chú ý nhất.

Tuy nhiên, đó không phải là mục đích cuối cùng của người làm báo. Làm báo là phải phục vụ cuộc sống, phục vụ nhân dân, làm điều có ích cho nhân dân, cho xã hội và đất nước. Đặc biệt, báo chí cũng phải quan tâm tới vấn đề con người, giúp cuộc đời nhân bản hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ, có một lần tôi biết được việc một em bé bị bệnh tim đang trong tình trạng nguy kịch vì không có tiền để mổ. Tôi viết ngay bài báo và đã có nhiều người giúp em bé mổ tim kịp thời, em được cứu sống. Sức mạnh ngòi bút có thể giúp người là chỗ đó.

+ Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, không thể phủ nhận rằng báo chí của chúng ta hiện nay đang nảy sinh nhiều vấn đề, thậm chí là khuyết điểm, sai sót. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trước hết, phải khẳng định nền báo chí chúng ta có ưu điểm rất rõ và đóng góp rất lớn vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Nói cách khác thì ưu điểm vẫn là chủ đạo. Tuy nhiên thời gian gần đây, đúng là báo chí cũng mắc phải không ít khiếm khuyết, sai sót. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội khiến thị hiếu và cách tiếp cận thông tin của bạn đọc hiện nay cũng thay đổi ít nhiều đã vô tình đẩy báo chí theo hướng "lá cải" giật gân, câu view, câu khách.

Đồng thời, diễn biến phức tạp về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới cũng sẽ tác động vào báo chí gây ra sự phức tạp trong kiểm soát và chọn lọc thông tin; xu hướng viết "đánh đấm, bôi nhọ nhau, vu khống, đánh hội đồng, diệt đối phương theo hợp đồng của đối thủ" trên mạng hội đã ảnh hưởng đến báo chí và lo ngại nhất là ngày càng phát triển. Việc thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu nhạy cảm chính trị, vi phạm bản quyền có chiều hướng gia tăng. Những bất cập trong quy hoạch báo chí dẫn đến trùng lặp về nội dung, phân tán, lãng phí về nhân lực, tài chính, nhất là trong lĩnh vực truyền hình.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Sứ mệnh của những nhà báo vô cùng vinh quang - Ảnh 2.

Một trong những phóng sự làm nên tên tuổi của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

Một thiếu sót lớn nữa tôi muốn nói đến chính là đạo đức làm báo. Nghề nào cũng cần phải có đạo đức, nghề báo lại càng phải đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu. Nhưng nhiều nhà báo vì lý do này, lý do khác vẫn phạm phải những sai phạm rất đáng tiếc. Những sai phạm đó là gì? Tung tin thất thiệt, đưa tin gây ảnh hưởng, phương hại đến tổ chức, cá nhân. Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm này theo tôi là do quá trình toàn cầu hóa thông tin, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông trên Internet khiến cho công tác lãnh đạo, quản lý báo chí gặp nhiều khó khăn, đôi khi còn lúng túng.

+Trước những thách thức đó, những người làm báo phải phải gì để giữ được phẩm chất đạo đức báo chí chân chính, thưa ông?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã từng dạy: "Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Tài và đức ở đây được hiểu là hai mặt bổ sung chặt chẽ cho nhau và chỉ khi có đủ cả đức lẫn tài thì con người mới trở nên hoàn thiện được; trong đó, đức là yếu tố quyết định nhất. Nếu chiếu sang nghề báo, cùng với nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp được khẳng định như xương sống, rường cột bảo đảm cho sự phát triển của một cơ quan báo chí nói riêng của cả một nền báo chí nói chung.

Do đó, người làm báo cần phải có sự say mê nghề nghiệp, cần phải thấu hiểu sự việc, có chính kiến, không bị lung lay, không bị sai đường, lạc lối và luôn có lý tưởng chính trị chân chính trong hoạt động báo chí. Trước những thách thức hiện nay, người làm báo cần phải học tập, rèn luyện để nâng cao về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, với nét đặc trưng là lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng của người làm báo. Bản thân của những người báo cần phải có những ứng xử phù hợp với quy tắc đạo đức nói chung, quy tắc đạo đức người làm báo nói riêng. Và khi căn cứ vào những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, người làm báo phải biết xấu hổ, tự lên án những hành vi trái đạo đức, lạm dụng hoạt động báo chí vì lợi ích riêng.

Bên cạnh đó, đối với các cơ quan báo chí, cần chấn chỉnh, siết chặt công tác quản lý, nhất là chủ trương quy hoạch báo chí; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm trong hoạt động truyền thông, báo chí. Đồng thời, cần phải tổ chức những cuộc trao đổi thường niên về nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo; đặc biệt, là đối với các nhà báo trẻ.

+ Theo ông, trong thời đại truyền thống số triển rất mạnh, báo chí cần phải thay đổi như thế nào để phù hợp với xu thế hiện đại?

- Trong thời đại phát triển ngày nay, báo chí phải thay đổi phương thức tiếp cận thông tin, tiếp cận bạn đọc mới đáp ứng kịp thời, sâu rộng vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Trong nhiệm vụ phản biện xã hội, báo chí cần đi nhiều hơn, sâu hơn, cụ thể hơn vào các chính sách kinh tế xã hội xem nó đã đi vào đời sống như thế nào, được người dân đón nhận ra sao.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Sứ mệnh của những nhà báo vô cùng vinh quang - Ảnh 3.

Huỳnh Dũng Nhân còn được biết đến là một nhà văn, giảng viên của nhiều thế hệ sinh viên báo chí

Năng lực cần thiết của người làm báo trong thời đại truyền thông số đó là khả năng kết nối xã hội, liên kết, huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện công tác báo chí, truyền thông. Người phóng viên phải vào cuộc thực sự, phải hòa nhập vào cuộc sống, xã hội để phát hiện ra những vấn đề mà bạn đọc có nhu cầu thông tin, quan tâm. Đồng thời, người làm báo cần phải luôn tìm kiếm sự thật, tiếp cận chân lý để nói lên chân lý dù khó khăn, gian nan, cần phải không ngừng vươn tới những nấc thang cao hơn của nghề nghiệp, trí tuệ, kỹ năng thể hiện trong mỗi tác phẩm.

Bên cạnh đó, không chỉ phóng viên thay đổi mà chính các cơ quan báo chí cũng nên có trách nhiệm khi đưa thông tin. Đối với vấn đề phản biện xã hội thì lãnh đạo, quản lý báo chí cũng phải "bật đèn xanh" để báo chí mới có thể tiếp cận thông tin chính thống. Đối với tình trạng tin giả xuất hiện tràn lan, các tòa soạn cần phải đầu tư nhiều hơn vào nội dung chất lượng cao, cần có những hành động để đối phó với những nội dung kích động thù hận, phân biệt chủng tộc, hoang tin, thông tin bóp méo sự thật gây phương hại cho các cá nhân, tổ chức, quốc gia.

Ngoài ra, cần dành nhiều nguồn lực hơn cho báo chí điều tra, gắn chặt hơn với những giá trị đạo đức trong việc quản lý và quản trị truyền thông; đồng thời có các biện pháp nâng cao nhận thức cho công chúng nói chung về tin giả. Cần xây dựng những liên minh trách nhiệm để bảo vệ bản quyền báo chí, tìm kiếm những mô hình kinh doanh bền vững để có nền tảng kinh tế báo chí mạnh đủ sức đối phó với tình trạng xuống sức của báo chí hiện nay

+Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có điều gì muốn gửi gắm tới những người làm báo trong dịp này, đặc biệt thế hệ nhà báo trẻ?

- Với tôi, sứ mệnh của những người làm báo vô cùng vinh quang nên tôi mong khi các bạn đã theo đuổi thì phải làm tròn, phải sống thật ý nghĩa, đừng để những năm tháng tuổi trẻ trôi đi một cách lãng phí. Đặc biệt, với các bạn trẻ lại càng không được bỏ phí thời gian trong lúc mình vẫn sung sức, tuổi trẻ phải luôn đặt mục tiêu cao hơn ngưỡng của bản thân để cố gắng, không ngại thử sức và khi chúng ta vượt qua được hết thử thách, vượt qua được chính mình thì đó chính là thành công. Là nhà báo, khi các bạn còn có thể đi nhiều, viết khỏe, các bạn hãy viết đi, hãy viết cho chính mình, viết cho những cái hay, cái tốt trong xã hội!

+Xin cảm ơn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã chia sẻ!

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ