• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cà Mau: Nghề Gác kèo Ong - Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

Văn hoá 18/06/2020 19:40

(Tổ Quốc) - Cà Mau: Nghề Gác kèo Ong - Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia; Sôi nổi hoạt động chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam; Tọa đàm hệ giá trị văn hóa của người nông dân Bến Tre là tin tức văn hóa, gia đình tiêu biểu tại 2 tỉnh mới đây.

Cà Mau: Nghề Gác kèo Ong - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Tối ngày 17/6/2020, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Trần Văn Thời, Uỷ ban nhân dân huyện U Minh tổ chức Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghề Gác kèo Ong và khai mạc Liên hoan "Đờn ca tài tử" huyện Trần Văn Thời (mở rộng) lần thứ V năm 2020.

Việc công nhận Nghề Gác kèo Ong, huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa lớn trong việc tôn vinh giá trị Tri thức dân gian, Nghề thủ công truyền thống của tỉnh Cà Mau. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đối với những nỗ lực đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau nói chung và nhân dân huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh nói riêng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống.

Cà Mau: Nghề Gác kèo Ong - Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Ảnh 1.

Đại diện Lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời và UBND huyện U Minh nhận Chứng nhận của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - Ảnh: Sở VHTTDL Cà Mau

Sau khi công bố Nghề gác kèo ong được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, Ủy ban nhân dân hai huyện U Minh và Trần Văn Thời (Cà Mau) tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân làm Nghề gác kèo ong ở U Minh Hạ bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc trưng của vùng đất rừng tràm Cà Mau; phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm tạo sinh kế bền vững cho cư dân vùng rừng U Minh Hạ.

Nhằm động viên, khuyến khích, ghi nhận công sức của các nghệ nhân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen cho 02 tập thể và 04 cá nhân thuộc hai huyện Trần Văn Thời và U Minh đã có nhiều đóng góp cho việc duy trì, phục hồi và phát triển giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia – Tri thức dân gian, Nghề thủ công truyền thống Nghề Gác kèo Ong.

Được biết, nghề gác kèo ong ở U Minh Hạ chính vụ kéo dài từ đầu đến cuối mùa khô hàng năm, có hộ dân gác đến 300 - 500 kèo ong cho thu hoạch khoảng 600 - 1.000 lít mật/vụ, cá biệt có hộ gác đến 2.000 kèo ong. Mật ong rừng tràm có chất lượng rất tốt, dược tính cao, được dùng nhiều trong các sản phẩm dược đông y và sử dụng để bồi bổ sức khỏe nên rất nổi tiếng trong và ngoài nước. Cuối năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận sản phẩm mật ong U Minh Hạ là nhãn hiệu tập thể.

Bến Tre: Sôi nổi hoạt động chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam

Từ ngày 17 đến 19-6-2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Bến Tre, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức họp mặt kỷ niệm Ngày Gia đình (GĐ) Việt Nam 28-6 và biểu dương các GĐ tiêu biểu năm 2020 với chủ đề "Bữa cơm GĐ ấm áp yêu thương".

Các hoạt động diễn ra trong 3 ngày, dành cho ba cụm: Cụm 1: TP. Bến Tre, Mỏ Cày Nam và Ba Tri (17-6-2020); cụm 2: Châu Thành, Bình Đại và Chợ Lách (18-6-2020); cụm 3: Thạnh Phú, Giồng Trôm và Mỏ Cày Bắc (ngày 19-6-2020). Đến dự có Giám đốc Sở VH,TT&DL Nguyễn Văn Bàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Võ Ái Hòa, Phó bí thư Tỉnh Đoàn Võ Tuấn Thông cùng các hộ GĐ tiêu biểu của các huyện, thành phố.

Trong các ngày tổ chức hoạt động, đại biểu được xem các phóng sự về xây dựng GĐ hạnh phúc, tiến bộ, tham gia trò chơi "GĐ hiểu ý nhau", trình diễn trang phục áo dài và áo bà ba; nhận quà từ ban tổ chức, nhà tài trợ. Đặc biệt, dịp này có 20 GĐ tiêu biểu của các huyện, thành phố và Hội Phụ nữ Quân sự, Công an được Ban Thường vụ Hội LHPN khen thưởng với thành tích GĐ tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động xây dựng "GĐ 5 không, 3 sạch".

Tọa đàm hệ giá trị văn hóa của người nông dân Bến Tre

Mới đây, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bến Tre phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre tổ chức tọa đàm hệ giá trị văn hóa của người nông dân Bến Tre.

Buổi tọa đàm được nghe 12 ý kiến phát biểu tham luận và thảo luận, xoay quanh các nội dung: Xây dựng và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam nói chung; truyền thống văn hóa và con người Bến Tre nói riêng, trong đó có sự đóng góp tích cực của người nông dân; Thực trạng và giải pháp xây dựng hệ giá trị văn hóa của người nông dân cần tập trung xây dựng. Đào tạo nghề cho nông dân; Giải pháp đột phá nâng cao hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm nông nghiệp. Trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa …

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa của người nông dân là một nhiệm vụ quan trọng luôn đặt lên hàng đầu cần có sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, Hội Nông dân sẽ là đơn vị chủ trì phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.

Hướng tới, các cấp hội sẽ tiếp tục quan tâm củng cố xây dựng bộ máy tổ chức và phát triển hội viên Hội Nông dân Bến Tre tăng số lượng, hoạt động có chất lượng. Vận động nông dân nghiên cứu học tập nâng cao trình độ như: Kiến thức về kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội, pháp luật, thị trường và hội nhập, kể cả ngoại ngữ, có kỹ năng sử dụng máy móc, tin học và dịch vụ công tốt; hiểu biết và liên kết hợp tác chặt chẽ trong sản xuất, kinh doanh không chỉ nông dân với nông dân mà cả nhà nước, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tuyên truyền, giáo dục cho hội viên nông dân nhận thức sâu sắc hơn về vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới để tạo ra những giá trị mới về vật chất và tinh thần với một nông thôn văn minh, hiện đại.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ