(Tổ Quốc) - "Sóng gió riêng tư ảnh hưởng đến sự nghiệp của Tú. Tuy nhiên, Tú không hối tiếc. Vốn dĩ, sóng gió mới là cuộc đời, và chính những sóng gió đó mới tôi luyện mình như ngày hôm nay", ca sĩ Mars Anh Tú nói.
Sau bao nhiêu thăng trầm về cả sự nghiệp lẫn đời sống riêng, Tú Dưa mà bây giờ đã đổi nghệ danh Mars Anh Tú... dường như khác rất nhiều. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chàng ca sĩ của nhóm Quả Dưa Hấu năm nào có cái nhìn rất nhẹ nhàng về những ngày đã qua.
Quá khứ ấy có thể từng khiến anh đau rất nhiều nhưng cũng chính nó đã tôi luyện để Tú Dưa trưởng thành, chín chắn, vững vàng và hạnh phúc hơn trên mỗi bước chân tiến về phía trước.
Từng buồn khi "chìm" nhất nhóm Quả Dưa Hấu
Trong các thành viên của nhóm Quả Dưa Hấu năm nào, dường như cái tên Tú Dưa bị chìm nhất. Anh nghĩ gì trước nhận xét này?
Hồi trẻ, nghe thế Tú có chạnh lòng vì cùng một cái nôi ra mà anh Bằng Kiều, Tuấn Hưng nổi tiếng trong lĩnh vực ca hát hơn. Nhưng sau này, Tú nghĩ khác.
Bản thân Tú trải qua nhiều chuyện trong cuộc sống và thời trẻ cũng không sẵn sàng theo đuổi tận cùng con đường ca hát, mà ham chơi nên chưa đạt được những thành quả như ý ở vai trò ca sĩ.
Tuy nhiên, Tú hiểu là do mình chưa thật sự cố gắng, hoặc chưa thật sự may mắn. Sau đó, Tú có chút thành công ở vai trò nhạc sĩ sáng tác, đóng góp phần nào đó cho sự thành công của Tuấn Hưng trong chặng đường 10 năm qua nên, Tú hoàn toàn cảm thấy hài lòng.
Ngày xưa, Tú buồn lắm vì nhóm 4 người mà 3 người đều có giải Làn Sóng Xanh, chỉ mình Tú là không. Nhưng khi làm nhạc sĩ sáng tác thì Tú lại 3 lần liên tiếp nhận giải Làn Sóng Xanh. Tú không còn gì nuối tiếc cả, mình bằng anh bằng em rồi, hoàn toàn tự hào.
Nếu đánh giá người này nổi tiếng hơn người kia thì đó không phải là thước đo chuẩn mực trong nghệ thuật. Thước đo nghệ thuật là thành quả bạn đóng góp cho âm nhạc như thế nào.
Đóng góp của anh Bằng Kiều và Tuấn Hưng cho âm nhạc, ai cũng thấy vì họ là nghệ sĩ trình diễn. Còn Tú đóng góp cho âm nhạc bằng những ca khúc do mình sáng tác và chắc chắn sẽ in đậm trong lòng khán giả.
Chỉ khi nào mình không đóng góp được gì cho âm nhạc thì mới đáng tiếc. Giờ Tú đi hát trở lại thì càng không bận tâm những lời so sánh kia. Tú chỉ nghĩ, làm sao để tiếng hát của mình đến với nhiều người nhất. Ngoài ra, Tú còn tự hào ở chỗ, không phải ai cũng tự sáng tác và tự hát được như Tú.
Vậy khi quyết định trở lại con đường ca hát, anh đầu tư bao nhiêu để cho thấy là mình thật sự không "mải chơi" nữa?
Tốn kém nhất là thời gian đầu tiên khi mình chưa đi diễn hoặc chưa thu được tiền từ những nguồn khác. Điều này còn tùy thuộc vào cách làm của mỗi người.
Tú từng làm sản xuất nên mọi chi phí đều có được ở giá thấp nhất. Anh em trong nghề làm cho Tú với cái giá hỗ trợ, hợp lý. Đó là lợi thế của Tú. Ví dụ, người ta làm live show 5 tỉ thì Tú chỉ tốn 2,5 tỉ thôi.
Đầu tư ban đầu đương nhiên là tốn, sau khi mọi thứ vào guồng quay thì sẽ khác. Tú có hoạch định cụ thể cho lộ trình mình đi trong 1 năm tới.
"Sóng gió tôi luyện nên tôi ngày hôm nay"
12 năm rút khỏi sân khấu để chuyên tâm sáng tác, sản xuất. Không phải là một nhạc sĩ có quá nhiều ca khúc hot thì tác quyền chắc chắn không nhiều. Vậy anh lấy tiền đâu để đầu tư cho lần trở lại này?
Trong số những nhạc sĩ miền Bắc khoảng chục năm qua thì Tú nằm trong top những người bán bài hát khá cao và có tác quyền tương đối tốt, 1 năm vài trăm triệu. Nhưng nó chỉ đủ đảm bảo cho mình sinh sống, đầu tư lại cho nghệ thuật. Tuy nhiên, để làm những điều to tát hơn thì khác.
Với lứa tuổi của Tú, bạn bè và người hâm mộ giờ đây đã thành danh rồi nên đôi khi, họ giúp mình về kinh phí khi làm chương trình, dự án. Hoặc có tài trợ từ nhãn hàng mà bạn bè mình làm chủ.
Để nhìn lại, anh có nghĩ rằng, con đường âm nhạc của mình bị trúc trắc, phần lớn đến từ sự trắc trở về đời sống riêng?
Có, chắc chắn là sóng gió riêng tư ảnh hưởng đến sự nghiệp. Tuy nhiên, Tú không hối tiếc. Vốn dĩ, sóng gió mới là cuộc đời, và chính những sóng gió đó mới tôi luyện mình như ngày hôm nay.
Mỗi người một cuộc đời, không ai áp đặt được. Vấp ngã của người này là bài học của người kia, chứ không áp đặt được. Tú cũng không áp đặt các con phải sống theo mình. Mỗi thời mỗi khác, sự va vấp cũng khác. Kể cả đau khổ cũng phải tự trải nghiệm thì mới thấm.
Ngày xưa, mọi người thường ưu tiên sự nghiệp trước rồi mới lập gia đình nhưng điều đó cũng đúng với tùy người, tùy hoàn cảnh.
Bố mẹ Tú chia tay nhau năm Tú 12 tuổi. Tú tự lập từ đó. 16 tuổi đã biết đi làm, kiếm tiền tự lo cho mình. Vì tự lập như thế nên mình nghĩ cái gì mình cũng làm được, cái gì mình cũng làm đúng mà thật ra mình làm sai 7 phần, chỉ 3 phần đúng thôi.
"Các con sẽ chỉ trách khi bố mẹ không nuôi dạy nó lên người thôi"
Bản thân anh phải tự lập từ nhỏ khi bố mẹ chia tay. Vậy khi hôn nhân của anh đổ vỡ, các con anh thế nào?
Ngày trẻ, Tú trăn trở, dằn vặt về con nhưng quan trọng là, mình chăm sóc con cái thế nào. Khi các con khôn lớn, các con chưa bao giờ trách là tại sao bố mẹ lại không sống với nhau. Tú tin rằng, các con sẽ chỉ trách khi bố mẹ không nuôi dạy nó lên người thôi.
Hôn nhân mà hai người sống với nhau như hai người xa lạ, không quan tâm đến nhau, không đồng hành được cùng nhau về nhận thức, văn hóa... thì rất khó. Bố mẹ sống ly thân nhưng vì con mà cố gắng thì đó không phải là gia đình hạnh phúc.
Cho nên, khi đóng cánh cửa này, mở ra một cánh cửa khác, không phải là điều gì quá tồi tệ, thậm chí là làm cho tất cả chúng ta đều tốt lên. Chúng ta phải biết yêu thương bản thân mình thì mới yêu thương được người bên cạnh. Tú không cổ súy ly hôn nhưng vợ chồng ở với nhau mà không hạnh phúc thì có nên ở không?
Với Tú, vợ cũ như bạn, cùng nhau chăm lo con cái, dành cho nhau sự tôn trọng. Tú vẫn nuôi các con đàng hoàng. Các con yêu thương và tôn trọng bố, đó mới là giá trị. Còn cố giữ cho con một gia đình mà bố không lo nổi cho con về đời sống tinh thần, đời sống vật chất thì có đúng không?
Khi gia đình chỉ là cái vỏ bọc, bố mẹ bằng mặt không bằng lòng thì con có hạnh phúc không? Gia đình Tú, con cái vẫn hòa thuận, các con tôn trọng cả bố và mẹ.
Cuộc sống hôn nhân hiện tại của anh thì sao?
Tú đang rất hạnh phúc. Cuộc hôn nhân này hơn 10 năm rồi. Vợ Tú cũng là ca sĩ nhưng lùi lại phía sau để chăm sóc cho gia đình. Ca sĩ như chim, chim phải hót, ca sĩ có nhiệm vụ đem lời ca tiếng hát làm đẹp cho đời. Khi các con lớn, cô ấy muốn đi hát thì Tú sẽ quay về làm sản xuất. Vì nghề này đôi khi còn là nghiệp.
Nói chung, lấy người trong nghề, có cái hay, cũng có cái dở. Quan trọng là hiểu và thông cảm cho nhau.
Sau 2 lần đổ vỡ, anh có bí quyết để giữ gìn sự hòa hợp trong đời sống hôn nhân?
Trong gia đình, phụ nữ là người giữ lửa. Lạt mềm buộc chặt, già néo đứt dây. Đàn ông như con diều vậy, diều thích bay cao, bay xa, mình muốn kéo lại gần thì phải có cách, không thể giằng về thì đứt dây ngay.
Tú luôn chia sẻ với vợ như vậy. Không phải nói thế để bao biện cho đàn ông. Đàn ông đàn bà khác nhau cách suy nghĩ. Người vợ cần là chỗ dựa tinh thần, mềm mỏng để người chồng đi đâu cũng quay về.
Vậy anh nghĩ gì về vai trò của người chồng?
Chồng phải là chỗ dựa vững chắc cho người vợ, che chở được cho gia đình của mình. Tú nói trên khía cạnh gia đình của Tú thôi. Còn xã hội muôn màu mà. Mỗi nhà mỗi kiểu. Mỗi người mỗi cách nghĩ, đó mới là xã hội. Quan trọng là làm sao, làm cách nào để vợ chồng yêu thương nhau, anh chị em yêu thương nhau, đó là nghệ thuật của người bố.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!