• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ca sĩ Ngọc Anh: Người đàn bà kể chuyện bằng âm nhạc với giọng hát nội lực, điêu luyện

Giải trí 28/11/2022 09:37

(Tổ Quốc) - Ngọc Anh là một viên ngọc quý trong nền nhạc Việt, với giọng hát nội lực nhưng đầy cảm xúc, tự sự và sang trọng, đam mê cháy bỏng.

Những kỹ thuật nhạc nhẹ vững chắc được đào tạo từ nền móng cổ điển

Nhắc tới diva số 1 Việt Nam, không thể không kể tới cố NSND Lê Dung – Người đàn bà hát với kĩ thuật bậc thầy, cánh chim đầu đàn của nền nhạc cổ điển, cách mạng Việt Nam, đúng như lời Mỹ Linh từng nói: "Nếu Việt Nam có diva thì chỉ có thể là Lê Dung và Thanh Lam".

Là một người giỏi chuyên môn, ở vị trí cao cả về danh tiếng lẫn chuyên ngành giảng dạy nên NSND Lê Dung rất kén học trò.

Vậy mà, Ngọc Anh lại là một trong những học trò được NSND Lê Dung yêu quý và đánh giá cao về năng lực. Ngọc Anh kể lại với chúng tôi:

Ca sĩ Ngọc Anh: Người đàn bà kể chuyện bằng âm nhạc với giọng hát nội lực, điêu luyện - Ảnh 1.

"Khi cô Lê Dung về Nhạc viện, các sinh viên đã học sẵn trong những lớp cố định. Để có được sinh viên cho mình, cô Lê Dung phải xin với Khoa Thanh nhạc lấy những sinh viên cô muốn dạy. Bản thân tôi cũng được cô Lê Dung nhắm trước rồi xin từ cô Mỹ Bình ra để dạy.

Lúc đó tôi và cô chưa thân quen, tôi nghĩ cô chọn tôi vì cá tính trong giọng hát và chắc cô biết tôi là đứa khá đặc biệt lúc bấy giờ".

Đương thời, Lê Dung từng muốn hướng Ngọc Anh theo con đường opera chuyên nghiệp vì nhận thấy tố chất lớn ở cô ca sĩ này, cả về nội lực giọng hát lẫn sự cảm nhạc. Bà rất kì vọng ở Ngọc Anh và muốn truyền đạt thanh nhạc cổ điển cho cô.

Tuy nhiên, với bản năng nghệ sĩ cá tính, Ngọc Anh đã từ chối học nhạc cổ điển để theo đuổi nhạc nhẹ và rock. Nhưng cô vẫn học trọn vẹn các giáo trình thanh nhạc cũng như lĩnh hội đầy đủ kiến thức trường lớp. Ngọc Anh tâm sự:

"Nếu chọn theo cổ điển, tôi không hát nhạc nhẹ được vì phải thay đổi giọng hát, vị trí âm thanh. Tôi đã chọn nhạc nhẹ thì phải theo nó đến cùng.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, tôi nhận ra nhạc nhẹ hay cổ điển thì cũng giống nhau ở chỗ phải có kỹ thuật tốt. Cái nền kỹ thuật cơ bản thì cả nhạc nhẹ lẫn cổ điển đều phải có, ví dụ như cột hơi, khẩu hình…

Chỉ có điều, hát cổ điển thì nâng cầu nối của vòm trên lên để phát huy hết sức mạnh, độ cộng hưởng trong giọng hát".

Bởi vậy, Ngọc Anh có nền tảng chuyên môn khá vững chắc. Thẳng thắn mà nói, chuyên môn và năng lực của cô không thua kém bất cứ diva nào ở Việt Nam. Đặc biệt, Ngọc Anh được NSND Lê Dung truyền dạy cách cộng hưởng độ vang ở xoang mặt nên khi hát quãng trung phát huy nội lực rất lớn, vang dội, chắc chắn. Cô nói:

"Bản thân tôi khi hát cũng luôn nhớ tới bài học khẩu hình của cô nên có vẻ giống cô về mặt âm thanh, phần vang hốc xoang của cô để lại cho tôi như một báu vật trong sự nghiệp".

Cô từng đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan Hà Nội - ASEAN năm 1996 với bài Đêm ả đào của nhạc sĩ Phú Quang, tham dự Festival 14 tổ chức tại Cuba năm 1997...

Hiện nay, ngoài thời gian đi hát, Ngọc Anh vẫn đảm nhận việc giảng dạy thanh nhạc. Trên cương vị giáo viên, Ngọc Anh có chuyên môn vững vàng và nghiêm túc trong công việc. Cô chia sẻ:

"Tôi lấy tiền học không rẻ. Dù so với tiền đi hát, học phí đó chẳng thấm vào đâu nhưng tôi phải làm vậy để người học thấy được giá trị trong những giáo trình, bài giảng của tôi, từ đó học tới nơi tới chốn. Học với tôi là nghiêm túc chứ không phải chuyện đùa.

Những bài giảng tôi xây dựng đều là những kiến thức quý giá tôi tích lũy được từ các thầy cô năm xưa, chưa kể tôi tự khám phá thêm qua nhiều năm ca hát, tập luyện".

Ca sĩ Ngọc Anh: Người đàn bà kể chuyện bằng âm nhạc với giọng hát nội lực, điêu luyện - Ảnh 2.

Người đàn bà kể chuyện bằng âm nhạc với giọng hát ngậm lửa đầy nội lực, khắc khoải

Ngọc Anh thuộc loại giọng mezzo alto (nữ trung trầm). Xét theo ngũ cung, cô sở hữu giọng hỏa pha mộc – chất giọng khá đặc biệt và hiếm thấy.

Vì cùng thuộc type giọng hỏa nên Ngọc Anh có nhiều điểm tương đồng với Hồ Ngọc Hà. Cả hai cùng nổi bật ở độ khàn, chất smoky và husky, tạo nên âm sắc vô cùng lạ, hòa trộn giữa phiêu lãng và mê đắm, nhưng lại rất sang trọng.

Nói cách khác, tiếng hát Ngọc Anh giống như ly cà phê đen đặc được phả vào mùi khói thuốc, rất hợp để thể hiện dòng ballad trữ tình đòi hỏi sự lắng đọng, đào sâu nội tâm đến tận cùng.

Mỗi khi hát nhạc trữ tình, Ngọc Anh như tạo ra được cả một không gian thưởng thức riêng cho người nghe, với tràn ngập sự khắc khoải và đam mê.

Một trong những đặc trưng của giọng hỏa là sự linh hoạt, nên tiếng hát Ngọc Anh cũng đa màu sắc và nhiều thanh âm. Quãng giọng của cô khá rộng, xuống trầm tận C3, trụ vững ở F3 và belt cao tới C#5, D5, giả thanh tới G5, G#5. Ngọc Anh tiết lộ với chúng tôi:

"Thực ra, bản thân cô Lê Dung khi ấy cũng không biết tôi là giọng gì. Khi luyện thanh cho tôi, cô còn hỏi:

"Thế giọng Ngọc Anh là giọng gì? Cô không hiểu giọng em là giọng gì luôn. Giọng em vừa có trung vừa có cao, xuống thấp cũng được, lên cao cũng được, quãng rất rộng, hát được cả hai loại giọng nữ trung lẫn nữ cao. Vì thế, cô không thể khẳng định về loại giọng của em".

Chính tôi cũng thấy lời cô nói là đúng. Thời còn ở tam ca 3A, tôi đảm nhiệm hết phần bè trầm nhưng hát cao cũng được. Trong lúc thi vào Nhạc viện, NSND Trần Hiếu trực tiếp lên đệm đàn cho tôi thử giọng và một phát lên được tới tận G5 (note rất cao) bằng giọng thật, khiến thầy cô chấm thi ai cũng ngạc nhiên".

Thông thường, với một nữ trung trầm (như Thanh Lam, Thu Phương), sẽ rất khó để vươn giọng thật tới quãng 5, nhưng Ngọc Anh lại thoải mái hát ở C5, C#5 một cách căng tràn.

Lợi thế đa sắc thái giúp Ngọc Anh có thể xuống trầm rất tối, hát quãng trung đầy đặn nhưng belt cao thì lại sáng đẹp, chứ không chỉ cố định trong một màu sắc. Nhiều khi, khán giả thấy cô hát thật u sầu, lắng đọng, nhưng lên cao cũng đầy dữ dội và cháy bỏng.

Không những vậy, màu giọng của Ngọc Anh còn phù hợp với nhiều thể loại nhạc, đặc biệt là ballad và rock (hai dòng đối lập nhau).

Sở hữu những đặc tính của giọng hỏa loại mezzo alto giống Hồ Ngọc Hà, nhưng Ngọc Anh lại có nền tảng kĩ thuật bài bản nên ít bị strain, bóp nghẹt giọng như đàn em.

Ngược lại, cô có được cột hơi vững và trường lực lớn giống như Thanh Lam, nên có thể hát cao trào rất khỏe khoắn, nội lực. Quãng trung của cô cũng khá dày và nặng.

Như vậy, có thể thấy, Ngọc Anh là sự kết hợp hoàn hảo giữa chất ưu tư, phiêu lãng và nội lực căng tràn. Nói cách khác, khán giả tìm đến Ngọc Anh để thấy được một giọng hát dễ nghe, dễ cảm, nhưng đủ đầy kĩ thuật, chắc chắn và có gì đó sang trọng, cao cấp.

Ca sĩ Ngọc Anh: Người đàn bà kể chuyện bằng âm nhạc với giọng hát nội lực, điêu luyện - Ảnh 3.

Riêng về dòng nhạc trữ tình, thật khó có thể bỏ qua Ngọc Anh. Ở cô là một thứ rượu ngọt lịm nhưng thấm đẫm vị chát và cay của đời, của tình, của người. Nó rất thích hợp để khơi gợi những tâm sự, ái tình đang chất chứa trong lòng khán giả.

Ngọc Anh không đẩy mọi thứ tới cùng cực, đỉnh điểm, nhưng vẫn bùng nổ được cảm xúc. Cô cũng không sến súa, quằn quại quá mức, nhưng vẫn chất chứa được nhiều tâm sự.

Người ta nói, cứ nghe Ngọc Anh là cảm thấy lâng lâng và bùng lên chất men say trong người, như thiêu như đốt để dậy lên cảm xúc vỡ òa. Đó mới đúng là giọng hát ngậm lửa, lúc nào cũng hừng hực đam mê và khát khao cháy bỏng.

Ngọc Anh không phải kiểu ca sĩ thích phô diễn kĩ thuật khó, cô chỉ làm vừa đủ nhưng trọn vẹn và ổn định, đúng chất được học hành bài bản.

Một trong những kĩ thuật đặc trưng Ngọc Anh hay dùng là airy voice. Nó phát huy toàn bộ lợi thế giọng hỏa của cô, tạo nên những quãng âm ấm áp, nhẹ như hơi thở, phớt như khói thuốc đang phiêu du vào không gian. Airy voice của Ngọc Anh còn được kết hợp cùng legato, nên rất mềm mượt, nghe dễ chịu.

Ngọc Anh có khả năng hát treo cao bằng chest voice rất tốt. Cô thường xuyên nhả chữ với đầy đủ ngân rung trên B4, C5 và belt dài thoải mái ở quãng cận cao này.

Đặc biệt, khi belt cao, Ngọc Anh chọn cách "nổ" âm thanh ở vùng xoanh mặt, tạo nên sự căng tràn và vỡ òa, rất thích hợp để biểu đạt cảm xúc, mà nghe vẫn đã tai.

Ngọc Anh cũng biết cách tích hợp âm lượng và cộng hưởng trên quãng cận cao, tạo nên chuỗi trường độ lớn. Chỉ cần nhìn khẩu hình của Ngọc Anh mỗi lúc hát cao trào là đủ biết cô đã được đào tạo bài bản, vì nó mở rất tròn trịa và đẹp.

Giả thanh của Ngọc Anh không quá cao, nhưng cũng vươn tới G5, G#5 và được luyến láy đầy ngẫu hứng.

Cột hơi khỏe khoắn cho phép Ngọc Anh belt dài hơn ở quãng cao nhưng bỏ nhỏ cũng thật chắc chắn. Cô có thể kéo dài chuỗi bỏ nhỏ âm lượng li ti tới hàng chục giây.

Ngọc Anh sử dụng vị trí âm thanh cho phần hạ âm rất đẹp. Cô thường đẩy giả thanh lên đỉnh trán khi kéo dài vibrato – piano trên G#4, tạo nên chuỗi thanh âm mềm mại và trôi chảy như một dòng suối của hơi thở. Cách Ngọc Anh ngân rung khi kéo dài giả thanh khá giống với NSND Lê Dung lúc đương thời.

Ca sĩ Ngọc Anh: Người đàn bà kể chuyện bằng âm nhạc với giọng hát nội lực, điêu luyện - Ảnh 4.

Ngọc Anh hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa với những ngân rung giả thanh phần hạ âm đẹp lung linh

Nhưng kĩ thuật chỉ là một phần, quan trọng hơn cả vẫn là cách xử lí của Ngọc Anh. Nó rất tinh tế, thể hiện sự thông minh và cảm nhạc tốt. Cô biết cách phiêu và bùng cháy theo nhạc rất đúng lúc, đúng chỗ, tạo nên những cơn cao trào cảm xúc đầy thăng hoa.

Ngọc Anh không "điên" quá mức, cũng không hời hợt hay bi lụy, quằn quại, cô nhấn sâu vào từng chữ, tìm đến điểm tận cùng của tâm sự, để đốt nó lên bằng chất giọng ngậm lửa của mình.

Bởi thế, Ngọc Anh xử lí rất thành công nhiều ca khúc "khó nhằn" của các nhạc sĩ danh tiếng như Phạm Duy, Vũ Thành An, Nguyễn Ánh 9, Lam Phương, Hoàng Thi Thơ…

Riêng về nhạc Phú Quang, đã từ lâu được in bóng với tiếng hát Ngọc Anh rồi. Một số ca khúc của anh như Đâu phải bởi mùa thu, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Đêm ả đào…, phải qua Ngọc Anh mới trở nên thăng hoa được đến như vậy.

Chỉ có cô mới biết cách đốt lửa cảm xúc và giãi bày hết linh hồn của ca khúc cho khán giả. Thiếu Ngọc Anh, nhạc Phú Quang sẽ mất đi một mảnh ghép lớn.

Long Phạm

NỔI BẬT TRANG CHỦ