(Tổ Quốc) - Ca sĩ Tân Nhàn sẽ được vinh danh trong số mở màn chuỗi chương trình "Con đường âm nhạc" của năm 2023. Cô sẽ kể lại hành trình âm nhạc gần 20 năm qua của mình.
- 20.01.2021 Hai cuộc hôn nhân kín tiếng của Tân Nhàn
- 07.03.2020 Tân Nhàn khiến người nghe "Chơi vơi"
Chương trình Con đường âm nhạc số đầu của năm 2023 sẽ khắc hoạ sự nghiệp âm nhạc của ca sĩ - Tiến sĩ âm nhạc, Phó Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam - Tân Nhàn.
Đêm nhạc được chia thành 2 phần rõ rệt. Phần đầu chương trình là những ca khúc mang âm hưởng dân gian mà Tân Nhàn hát thành công nhất, đưa tên tuổi cô từ giải Nhất Sao mai đến gần hơn với công chúng. Phần sau đó chính là niềm đam mê của nữ ca sĩ với âm nhạc truyền thống.
Với âm nhạc truyền thống, Tân Nhàn từng gây ấn tượng với album "Yếm đào xuống phố" kết hợp cùng nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đem xẩm, chèo, quan họ phối khí trên nền nhạc Jazz vào năm 2013. Việc khóac lên tấm áo mới cho âm nhạc truyền thống từng khiến Tân Nhàn vấp phải nhiều tranh cãi nhưng không vì thế mà cô dừng bước, từ bỏ việc khám phá và đổi mới.
"Lúc đó nhiều người cho rằng cách làm của Tân Nhàn quá khó nghe, những người thuộc thế hệ cũ và yêu âm nhạc truyền thống không chấp nhận điều ấy. Thế nhưng đĩa đó được đề cử giải Cống hiến, hạng mục Album của năm, như một sự ghi nhận cống hiến, sáng tạo của Tân Nhàn trong nỗ lực vinh danh âm nhạc truyền thống theo cách của mình" - Tân Nhàn chia sẻ.
Sau thành công của album, Tân Nhàn có một sự chuyển mình rất khéo léo, tinh tế khi cô kéo người nghe đã và đang quen tai nghe âm nhạc truyền thống theo cách mới ở "Yếm đào xuống phố" về lại với lối hát hoàn toàn cổ như các nghệ nhân với "Níu dải lụa đào" ra mắt năm 2018.
Album cho thấy sự khắc khoải với âm nhạc truyền thống một cách rõ nét của Tân Nhàn. Cô đã dành nhiều thời gian để lặn lội đi xin học hoặc nghe lại băng tư liệu của các nghệ nhân như nghệ nhân Hà Thị Cầu, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Đình Cương... để có thể hát được lối cổ.
Tân Nhàn cho rằng, âm nhạc truyền thống chính là gốc rễ của văn hóa, là cái nôi của sự phát triển, vì vậy, dù có phát huy, phát triển đến đâu thì cô vẫn muốn người nghe không được quên những câu ca cổ. Đó chính là hồn cốt của dân tộc.
Tròn 1 thập kỷ đeo đuổi, tâm huyết, nỗ lực hết mình, con đường của Tân Nhàn với âm nhạc truyền thống chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng cô luôn kiên trì và xác định đó chính là sứ mệnh, là đóng góp nhỏ bé của người nghệ sĩ đã được Tổ nghiệp yêu thương, cho cô những hào quang của nghề nghiệp, và cô dâng tặng những đóng góp này cho nỗ lực bảo tồn, phát triển âm nhạc truyền thống nói riêng, văn hóa của dân tộc nói chung.
Con đường âm nhạc ấy, con đường sự nghiệp ấy đều là do Tân Nhàn tự định hướng và lựa chọn cho mình bằng tất cả đam mê, nhiệt huyết với nghề. Điều thú vị là Tân Nhàn chưa bao giờ chịu chạy theo thị hiếu.
Ẩn trong vẻ ngoài mong manh liễu yếu đào tơ là cái tôi lớn, mạnh mẽ, quyết đoán, tự tin định hướng khán giả theo hướng đi của mình, đồng thời chấp nhận những khen chê một cách bình thản. Thành công của Tân Nhàn là khán giả nghe và nhớ bài đó do Tân Nhàn hát, không thể lẫn vào ai.
Trên con đường âm nhạc của Tân Nhàn, có một khía cạnh không thể không nhắc đến, và cũng là khía cạnh mà Tân Nhàn đặc biệt coi trọng trong sự nghiệp của mình, đó là sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Không chỉ là nghệ sĩ nổi danh, Tân Nhàn còn là Phó Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cô từng đào tạo ra nhiều tài năng cho âm nhạc Việt Nam, nhiều học sinh của cô đã giành giải âm nhạc lớn trong nước và quốc tế.
Nhiều người từng hỏi Tân Nhàn muốn trở thành NSND hay Nhà giáo Nhân dân, Tân Nhàn bảo, ước muốn của cô là được trở thành Nhà giáo Nhân dân. Với Tân Nhàn, danh hiệu NSND là vinh dự của người nghệ sĩ nhưng Nhà giáo Nhân dân mới thực sự là khát vọng, là đích đến cho sự nghiệp của cô.
Từ khi mới vào nghề, Tân Nhàn đã xây cho mình một nguyện ước sẽ là người truyền kiến thức, truyền tình yêu âm nhạc đến thế hệ kế cận, tìm kiếm và đào tạo nên những tài năng mới để có được lớp lớp tài năng cho nền âm nhạc Việt Nam.
"Làm Nhà giáo Nhân dân với Tân Nhàn quan trọng hơn rất nhiều. Nhiều người nói với tôi là nghệ sĩ nổi tiếng thì đi hát kiếm tiền đi, dạy học làm gì cho vất vả, tiền lương được bao nhiêu đâu. Nhưng tôi muốn được cống hiến cho nghề đào tạo, bởi muốn được định hướng cho sinh viên trên con đường nghệ thuật.
Tôi đặc biệt muốn được truyền đến cho sinh viên cả tình yêu âm nhạc truyền thống luôn cháy như ngọn lửa trong trái tim tôi nữa. Tôi muốn các bạn trẻ hôm nay dù có bay cao, bay xa đến đâu thì cũng phải nhớ đến cội nguồn, gốc gác của mình, đó chính là âm nhạc, là văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó phát huy và gìn giữ nó. Chính vì vậy, tôi luôn phấn đấu nỗ lực hết mình để nghiên cứu, học tập để có thể toại nguyện giấc mơ của mình"- Tân Nhàn chia sẻ.
Năm 2019, Tân Nhàn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đào tạo thanh nhạc, trở thành tiến sĩ âm nhạc trẻ nhất Việt Nam ở thời điểm đó. Gần 20 năm trong nghề nhưng Tân Nhàn mới chỉ thực hiện hai liveshow năm 2013 và năm 2019 vì dành nhiều thời gian cho học tập và đào tạo.
Con đường âm nhạc vinh danh ca sĩ Tân Nhàn sẽ diễn ra vào ngày 2/4 tại Cung Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, tường thuật trực tiếp trên VTV1 Chương trình được thực hiện bởi phòng Ca nhạc ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam, đạo diễn Phạm Thành Long.
Khách mời của chương trình là NSƯT Đình Cương - người thầy dạy hát văn của Tân Nhàn và Tiến sĩ âm nhạc- Sao Mai Thu Hà- người bạn thân thiết đã đồng hành cùng Tân Nhàn từ thuở hàn vi và đã thực hiện cùng Tân Nhàn nhiều sản phẩm âm nhạc. Đảm nhận vai trò MC là Mỹ Vân và Anh Tuấn.