(Tổ Quốc)-Tại hội thảo Phát triển hàng không chắp cánh du lịch Việt Nam chiều 26/7 tại Thanh Hóa, các chuyên gia cho hay, hiện có nhiều nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng bỏ vốn đầu tư hạ tầng hàng không.
- 09.07.2018 Phát triển du lịch Việt từ hàng không: Cơ hội nhiều, thực tế chưa được bao nhiêu
- 10.07.2018 Bài 2: Cạnh tranh hàng không ở Việt Nam thấp hơn Thái Lan
- 11.07.2018 Bài 3: Kêu gọi mạnh xã hội hóa đầu tư, vận hành sân bay cho tự do hóa vận tải hàng không
- 12.07.2018 Bài 4: Du lịch hưởng lợi như thế nào với tự do hóa vận tải hàng không?
Đã có những tín hiệu tốt từ hàng không tư nhân
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hiện có 5 dự án hạ tầng cảng hàng không có vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân được triển khai và đang xin chủ trương đầu tư, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; Cảng hàng không quốc tế Phan Thiết, Cát Bi và Chu Lai…
Hiện Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã được vận hành và được đánh giá như một bài học thành công về “tư nhân hóa”.
Cơ hội cho các hãng hàng không tư nhân Việt Nam. |
Một trong những nội dung được đánh giá cao là thời gian làm sân bay Vân Đồn rất nhanh. Không chỉ quản lý, tổ chức hoạt động tại cảng hàng không một cách chuyên nghiệp, doanh nghiệp tư nhân còn luôn đổi mới, sáng tạo, cải tiến trong tất cả các mặt hoạt động. Bên cạnh đó, DN tư nhân cũng đóng góp cho Nhà nước một khoản tiền lớn khi chuyển nhượng, khi mua lại các cảng hàng không và góp phần giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Mới đây nhất, Tập đoàn FLC vừa đầu tư thành lập hãng hàng không mới, Bamboo Airways, cũng thể hiện quyết tâm tham gia đầu tư vào hạ tầng hàng không. Tập đoàn FLC và Bamboo Airways cũng đã liên tiếp ký hai thỏa thuận mua 24 chiếc máy bay A321NEO từ Airbus và 20 máy bay Boeing B787-9 Dreamliner từ Boeing, bên cạnh việc thuê máy bay. Tổng giá trị hai hợp đồng lên đến 8,6 tỷ USD.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Chính phủ đã phê duyệt sẽ có 26 sân bay với tổng mức đầu tư 10,5 tỉ đô la Mỹ. Việt Nam hiện đang triển khai 11 dự án, trong đó bảy dự án sẽ hoàn tất trong ba năm tới.
Du khách đưa ra những điểm trừ với hàng không Việt Nam
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ 5 trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển.
Còn trong nước, tỉ lệ người dân đi máy bay đang tăng nhanh. Với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa của Việt Nam sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng Cục Du lịch cho hay: hàng không và du lịch đều cần đến nhau để phát triển, vận tải hàng không là một trong những lĩnh vực vận chuyển nhiều khách du lịch nhất.
Trong khi đó, hạ tầng hàng không Việt Nam đang quá tải. Thống kê từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho thấy, các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Cam Ranh (Khánh Hòa), Cát Bi (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang), Liên Khương (Lâm Đồng)… đều đang hoạt động vượt công suất thiết kế.
Việt Nam hiện có 21 sân bay đang hoạt động, với tổng công suất khoảng hơn 70 triệu khách/năm.
Tuy nhiên, nhiều du khách phàn nàn về giá vé máy bay tại Việt Nam quá đắt vào mùa hè. Chẳng hạn bay Hà Nội - Quy Nhơn, mức giá có thể lên tới 3,6 triệu/chặng (chưa kể thuế, phí), đắt không kém bay Hà Nội- TP. HCM, dù quãng đường ngắn hơn.
Nhiều vị khách du lịch nước ngoài thì than phiền, muốn đến như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Phú Quốc... để nghỉ ngơi, thường phải bay ít nhất là 2 chặng. Chặng đầu sẽ đến những sân bay lớn tại Hà Nội và TP. HCM, sau đó là chuyển tiếp. Nhiều khi khách bay đến Nội Bài (Hà Nội) hay Tân Sơn Nhất (TP. HCM) từ sáng, nhưng lại phải chờ tới chiều, mới có thể bay tiếp đến Quy Nhơn, Quảng Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc...
Không những thế, quá tải tại các sân bay trung chuyển lớn, khiến hành khách chờ đợi làm thủ tục trong thời gian quá dài, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và kinh tế đất nước nói chung…
Dự báo, tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng trung bình 16%/năm giai đoạn đến năm 2020 và sản lượng vận chuyển đạt 74 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020 và 131 triệu lượt hành khách vào năm 2030./.
Thái Linh