(Tổ Quốc)- Sau một thời gian dài im lặng, cuối cùng giới nghệ thuật cũng tham gia vào cuộc chiến giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu.
Bản quyền ảnh trong phim Light của Michel Comte: Đoạn cuối sông băng Aialik ở Alaska được bao phủ trong giấy bạc sau khi bị ô nhiễm trong thảm họa tràn dầu của tàu Exxon Valdez ở Mỹ năm 1989.
Năm 1975, nhiếp ảnh gia Michel Comte đã có bài phát biểu trước các nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia tại Câu lạc bộ Rome về thảm họa khí hậu mà ông tin là sắp xảy ra. Hiện nay, các tác phẩm của ông cảnh báo về biến đổi khí hậu, có sử dụng bụi carbon đen thải ra từ máy bay phản lực, đang được trưng bày ở Rome, Milan và Hồng Kông, minh chứng chính xác những điều ông đã dự cảm.
Tuần trước, thông điệp của Comte cũng đã gây tiếng vang lớn ở nước Anh khi hàng nghìn học sinh – được truyền cảm hứng từ nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu 16 tuổi Greta Thunberg – xuống đường gây áp lực yêu cầu chính phủ có hành động để chống biến đổi khí hậu.
Sau một thời gian dài chưa được chú ý thì cho tới nay, đã bắt đầu có một số nghệ sĩ quan tâm đến chống biến đổi khí hậu. Dự án Đồng hồ Băng (Ice Watch Project), đưa các tảng băng lớn đến để nó tan chảy đã được thực hiện tại khu vực trước phòng trưng bày nghệ thuật Tate Mordern. Nếu có nhiều nghệ sĩ tham gia hơn thì thế hệ trẻ sẽ chủ động xuống đường chống biến đổi khí hậu.
Loạt hoạt động nâng cao ý thức về khí hậu
Khi nghệ sĩ Yi Dai tổ chức buổi biểu diễn solo đầu tiên ở Berlin, cô được đón nhận nồng nhiệt và được đánh giá cao về sự thông minh và tế nhị khi đề cập đến các chủ đề môi trường. Buổi biểu diễn với tên gọi "Bị vứt bỏ" … trong suốt tuổi 20 của cô (tại House of Egorn ở Berlin cho đến ngày 23/2) sắp đặt các mô hình mô phỏng cơ thể người như tóc, cắt móng tay, máu – được làm bằng từ các vật liệu xây dựng như thép, bê tông và thủy tinh bao quanh để nói về những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu có thể tác động có hại đến sức khỏe, sự phát triển cơ thể.
Quỹ bước sóng (Wavelength Foundation) đã được thành lập trên một chiếc thuyền buồm vào cuối năm 2017 do một nhóm các nhà báo, nhà văn, nhà môi trường, nhà văn hóa, nghệ sĩ và nhà khoa học quốc tế. Một trong những nguyên tắc cơ bản của Quỹ là gắn kết văn hóa một cách phong phú và có ý nghĩa với thiên nhiên. Trong khi đó, một hoạt động của Quỹ bước sóng sẽ giúp xây dựng một trung tâm văn hóa và nghệ thuật bền vững ở Nam Mỹ, mang lại cơ hội cho cuộc sống của trẻ em và những người trẻ tuổi muốn thoát khỏi vòng nghèo đói.
Nhà nghệ thuật Nadine Rotem-Stibbe tại Paris cũng đang khám phá các vấn đề môi trường với con mắt nhạy bén trong thiết kế. Tác phẩm sắp đặt của cô trong "Ký ức yêu thương, 2018, 0,8°C", hợp tác với Ryan Cherewaty, đang được trưng bày tại một tòa nhà bỏ hoang tại Ebbingekwartier của Groningen, Hà Lan. Dự án phần nào thể hiện cái nhìn chế giễu, u uất về thời đại của chúng ta, trong đó giới thiệu nhiều đồ vật đã được phát hiện ở vùng lũ xuyên châu Âu năm vừa qua. Những đồ vật này mang đến một cái nhìn chưa từng có đối với cuộc sống của con người trước khi một thảm họa xảy ra. Quá nhiều sản phẩm nhựa đã được sử dụng - một ngành công nghiệp là nhân tố chính làm tăng mạnh carbon dioxide trong khí quyển.
Nơi trưng bày tác phẩm sắp đặt của Timo Aho và Pekka Niittyvirta. Ảnh: Timo Aho: Pekka Niityavirta
Trường Nghệ thuật ở bên rìa thế giới
Nằm trên bờ của một biển hồ nhìn ra Minch và những ngọn đồi của Harris và Skye, Lews Castle College ở Outer Hebrides được gọi là ‘trường nghệ thuật ở bên rìa thế giới’. Sự bền vững là yếu tố cốt lõi trong việc dạy các sinh viên phản ứng với môi trường và thiên nhiên. Trường tổ chức các buổi nói chuyện giữa các học viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ các nhà sinh vật học và khảo cổ học đến các nhà sản xuất truyền thống làm việc với các vật liệu tự nhiên. Một phần của giảng đường có lắp đặt thiết bị ánh sáng tương tác với sự thay đổi của thủy triều, nó kích hoạt khi thủy triều lên. Công trình là một tài liệu tham khảo trực quan về mực nước biển dâng trong tương lai và khám phá tác động lâu dài trong mối quan hệ của con người với thiên nhiên.
"Bàn đạp mạnh mẽ" … Reber đến Cannes trong chuyến hành trình Những câu chuyện về sự thay đổi của anh (Tales of Change). Ảnh: Florian Rebert
Đạp xe tìm hiểu về thời tiết cực đoan
Dự án Tales of Change (những câu chuyện về sự thay đổi) tập hợp những câu chuyện về sự thay đổi khí hậu tác động đến các cộng đồng ở một số dãy núi mang tính biểu tượng nhất hành tinh. Nhân vật chính, Florian Reber, đã đạp xe qua dãy Alps, bắt đầu ở Trieste trên bờ biển Adriatic và đến Cannes, trên biển Địa Trung Hải. Trên đường đi, ông đã nói chuyện với nông dân, người đi rừng, nhà bảo tồn, chuyên gia du lịch, người leo núi và vận động viên chuyên nghiệp, nhà tâm lý học, nhà văn và nhà báo về biến đổi khí hậu.
Các hiện tượng thời tiết xấu xuất hiện rõ rệt, bao gồm cả một đợt hạn hán nghiêm trọng khiến nhiều dòng sông và vùng đầu nguồn ở miền Nam Dolomites bị khô cạn. Tiếp theo là những cơn bão lớn, mạnh nhất trong những năm gần đây và nhiệt độ tăng kỷ lục vào tháng 10 năm 2018. Tiếp theo là mưa xối xả, gió mạnh do lốc xoáy Vaia gây ra, nhổ bật hàng ngàn cây và gây thương vong. Trong khi chuyến đi trải nghiệm hành trình đạp xe 1.180 dặm, leo hơn 35.000m dốc thẳng đứng và chinh phục hai chục ngọn núi vào mùa đông, nhà thám hiểm dũng cảm hiện đã sẵn sàng mở rộng hành trình đến dãy núi Rocky và dãy Himalaya. Dự án này đang được giới thiệu ở Thụy Sĩ và Ý.
Bên cạnh đó, nằm trong khu trưng bày tráng lệ, Sant Cosme y Sant Damià của Barcelona, Quo Artis là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên xúc tiến các cuộc đối thoại giữa nghệ thuật, khoa học và công nghệ. Hoạt động gần đây bao gồm thực hiện Glacoder, một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ở Nam Cực với các robot năng lượng mặt trời giúp thu gọn, kết tinh tuyết và biến nó thành băng, sau đó gắn nó vào các tảng băng hà. Vì sự tan chảy của băng hà là một trong những tác động đáng báo động nhất của sự nóng lên toàn cầu, nhiệm vụ của những robot này là đẩy nhanh quá trình hình thành băng, cho phép các sông băng lấy lại khối lượng băng đã tan.
Biến đổi ngoạn mục xưởng sản xuất đồ nội thất lâu năm
Nhà máy sản xuất đồ nội thất những năm 1930, ở miền nam Thụy Điển.Ảnh: David Risley
Nhà máy sản xuất đồ nội thất những năm 1930, ở miền nam Thụy Điển đang trở thành một trong những nơi thú vị nhất để nghiên cứu liên ngành và đổi mới về tính bền vững. Dự án Funkisfabriken là sản phẩm trí tuệ của cựu chuyên gia biên kịch David Risley, người kết hợp văn hóa với khoa học, triết học, tư duy tự do và kinh doanh. Ông dự kiến khai trương vào mùa hè năm 2020. Với diện tích hơn 12.000 m2 không gian thiết kế mở trên nhiều tầng, Funkisfabriken có thể trở thành cái nôi thử nghiệm các phương pháp bền vững mới.