• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các nhà bán lẻ quốc tế bắt kịp xu hướng sống lành mạnh và bền vững tại Việt Nam

Kinh tế 18/08/2023 09:57

(Tổ Quốc) - Theo Vietnam Briefing, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang giảm tần suất ăn ngoài, tăng tần suất nấu ăn tại nhà và cẩn thận hơn khi lựa chọn thực phẩm tươi sống nhằm hướng đến ăn uống lành mạnh hơn.

Tại Việt Nam, một quốc gia năng động giàu văn hóa và truyền thống, đang có nhiều làn sóng thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng. Khách hàng Việt đang ngày càng hướng tới lối sống lành mạnh và bền vững hơn, ưu tiên các lựa chọn thân thiện với môi trường và tiêu dùng có trách nhiệm.

Với tầng lớp người tiêu dùng ngày càng tăng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, tiềm năng thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ bền vững đang rất hứa hẹn hơn ở Việt Nam.

Lý giải về xu hướng sống khỏe của Việt Nam

Theo khảo sát do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện, người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố cơ bản như chất lượng, độ bền, giá thành, độ an toàn của sản phẩm với môi trường, độ tươi ngon của sản phẩm, dinh dưỡng và nguồn gốc xuất xứ.

Khách hàng sẵn sàng chi nhiều tiền cho những hàng hóa được coi là "xanh" và "sạch", được làm từ các nguồn tài nguyên bền vững. Nhiều người tiêu dùng cho biết họ thích mua hàng hữu cơ, sinh học và không biến đổi gen.

Các nhà bán lẻ quốc tế bắt kịp xu hướng sống lành mạnh và bền vững tại Việt Nam - Ảnh 1.

Người tiêu dùng Việt đang có nhu cầu tiêu dùng lành mạnh hơn. Ảnh: VNN.

Người tiêu dùng cũng rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo khảo sát, 43% số người được hỏi cho biết họ lo lắng rằng các công ty có thể sử dụng hóa chất bất hợp pháp trong sản xuất và bảo quản thực phẩm hoặc nguyên liệu thô.

Các yếu tố thúc đẩy xu hướng này

Đầu tiên là nhận thức của khách hàng đối với ô nhiễm môi trường và các sản phẩm bền vững. Gần đây, khách hàng Việt Nam đã nhận thức rõ hơn về vấn đề ô nhiễm môi trường và các sản phẩm bền vững. Theo khảo sát của PwC, hơn 90% người được hỏi sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và các sản phẩm sử dụng nguyên liệu bền vững.

Các công ty đang điều chỉnh chiến lược của mình để đáp ứng nhu cầu này, nhấn mạnh tính minh bạch, dán nhãn sinh thái và thực hành bền vững để thu hút người tiêu dùng quan tâm tại Việt Nam.

Yếu tố thứ hai là đời sống của người dân Việt đang được nâng cao. Theo Mckinsey & Company, trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm 37 triệu người gia nhập tầng lớp tiêu dùng (chi tiêu ít nhất 11 USD/ngày). Cũng theo cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Đông Á. Tính đến tháng 9 năm 2022, ước tính có 888 khu đô thị trên cả nước, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 41,5%.

Tầng lớp người tiêu dùng ngày càng tăng của Việt Nam và quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm và thực phẩm chất lượng cao. Khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng cũng muốn tiếp cận các sản phẩm và thực phẩm chất lượng tốt hơn và an toàn hơn. Họ ưu tiên những sản phẩm giàu dinh dưỡng, hợp vệ sinh và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Xu hướng này cũng dẫn đến sự ưa thích ngày càng tăng đối với các mặt hàng thực phẩm hữu cơ, tự nhiên và cao cấp.

Chiến lược cho các nhà bán lẻ nước ngoài

Để đáp ứng được những nhu cầu mới của thị trường Việt Nam, các nhà bán lẻ nước ngoài cũng cần có các chiến lược phù hợp. Đầu tiên là quảng bá các sản phẩm địa phương và bền vững. Họ có thể bố trí các khu vực trong cửa hàng của mình hoặc thiết kế nhãn nổi bật cho các mặt hàng có nguồn gốc địa phương, tập trung về nguồn gốc xuất xứ và tác động tích cực đến môi trường của chúng.

Tiếp đó là hợp tác với nông dân và nhà sản xuất địa phương để củng cố chuỗi cung ứng và hỗ trợ cộng đồng. Các nhà bán lẻ cũng có thể kết nối với các tổ chức chứng nhận tính bền vững của sản phẩm để nâng cao uy tín và độ tin cậy, và từ đó thúc đẩy trải nghiệm mua sắm thân thiện với môi trường của khách hàng.

Một yếu tố nữa là nhấn mạnh vào yếu tố sức khỏe của sản phẩm bằng cách hiển thị rõ ràng các nhãn, chứng nhận sức khỏe trên bao bì sản phẩm và trưng bày trong cửa hàng. Việc cộng tác với các chuyên gia y tế để tổ chức các hội thảo hoặc sự kiện cung cấp thông tin sẽ giúp khách hàng nâng cao nhận thức về sức khỏe và lựa chọn các sản phẩm có ý thức hơn.

Bằng cách ưu tiên tính minh bạch và phổ biến thông tin, các nhà bán lẻ có thể trao quyền cho khách hàng đưa ra quyết định tốt hơn.

Các nhà bán lẻ cũng có thể bắt kịp xu hướng sống lành mạnh bằng cách áp dụng các chiến lược lựa chọn nhà cung cấp hiệu quả. Xác định rõ ràng các tiêu chí về sức khỏe và tính bền vững, đồng thời đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn này của các nhà cung cấp tiềm năng. Ưu tiên các chuỗi cung ứng có chứng nhận minh bạch, hợp tác với các nhà cung cấp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đáp ứng các sở thích đang thay đổi của người tiêu dùng. Xem xét tìm nguồn cung ứng tại địa phương, đàm phán giá cả hợp lý và các điều khoản; thúc đẩy giao tiếp cởi mở và đánh giá liên tục để duy trì chuỗi cung ứng năng động phù hợp với xu hướng sống lành mạnh.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ