• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các tổ chức đa phương hàng đầu thế giới sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam theo các đề nghị của Thủ tướng Chính phủ

Thời sự 17/05/2022 09:43

(Tổ Quốc) - Tiếp tục chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ, thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc (LHQ), sáng ngày 16/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Antoinette Monsio Sayeh, gặp Tổng Giám đốc UNDP và Giám đốc điều hành UNICEF, có gặp với Phó Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, tham quan Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và dự tọa đàm bàn tròn với CEO của một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang niêm yết tại NYSE.

Sáng ngày 16/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Antoinette Monsio Sayeh.

Phó Tổng Giám đốc IMF: Việt Nam đi đúng hướng trong phục hồi và phát triển sau đại dịch - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ điện đàm với Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Antoinette Monsio Sayeh. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đánh giá cao IMF đã hỗ trợ tiếp cận vaccine, tài chính, tư vấn chính sách cho Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19, sự đồng hành, hỗ trợ của IMF đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô; khẳng định Việt Nam đang phát huy sự hỗ trợ này một cách hiệu quả, đúng mục đích.

Trước mắt, Thủ tướng đề nghị IMF hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam trong đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển thị trường vốn minh bạch, bền vững; kiểm soát lạm phát; phát triển logistics, giảm phí vận tải; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số; đa dạng hóa chuỗi cung ứng; chống biến đổi khí hậu; chuyển đổi năng lượng...

Trao đổi về những khó khăn, thách thức mà các nước đang phải đối mặt trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế đầy rủi ro và biến động do tình hình dịch bệnh và xung đột làm trầm trọng thêm việc đứt gãy chuỗi cung ứng, Phó Tổng giám đốc IMF đưa ra một số khuyến nghị, khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác tốt và IMF sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam theo các đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Tại trụ sở LHQ thành phố New York, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp Tổng Giám đốc UNDP và Giám đốc điều hành UNICEF.

Tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Achim Steiner, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò quan trọng, định hướng chiến lược và dẫn dắt hiện nay của UNDP trong hệ thống phát triển LHQ trong thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì Phát triển bền vững và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG); đồng thời cảm ơn UNDP đã luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tái thiết, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trong gần 50 năm qua.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đã thông qua Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và hiện đang triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 trở thành nước phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; tiến tới đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là những mục tiêu rất lớn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Mặt khác, Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức khi đại dịch COVID-19 đang gia tăng bất bình đẳng và trầm trọng hóa nhiều vấn đề hiện hữu.

Các tổ chức đa phương hàng đầu thế giới sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam theo các đề nghị của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Achim Steiner - Ảnh: VGP.

Thủ tướng đề nghị UNDP tiếp tục tư vấn kỹ thuật, chuyên môn cho Việt Nam để đạt thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng với các nước G7; đồng thời hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược huy động tài chính khí hậu từ các đối tác phát triển khi các biện pháp giảm phát thải trong các lĩnh vực từ nay đến năm 2050 ở Việt Nam đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, ước từ 350-400 tỷ đô la.

Thủ tướng đánh giá cao việc UNDP và các đối tác quốc tế khác đã tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai nhiều chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn trong nước và mong muốn UNDP sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật, nâng cao năng lực, nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Về phần mình, ông Achim Steiner chúc mừng những thành tựu to lớn Việt Nam đã được trong thời gian qua nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn, khẳng định UNDP luôn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn chính sách và vận động nguồn lực cho giai đoạn phát triển mới của Việt Nam, đặc biệt đối với xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh, bền vững và bao trùm, thu hút các nguồn đầu tư, tài chính, công nghệ xanh vào Việt Nam để hỗ trợ nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn. Ông cũng mong Việt Nam là hình mẫu châu Á-Thái Bình Dương, giúp các nước cần đầu tư, chuyển đổi năng lượng, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Tại buổi tiếp Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Catherine Russell, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác với UNICEF và đánh giá cao các đóng góp quan trọng hàng đầu của UNICEF trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên thế giới; cho biết Chính phủ Việt Nam rất cảm kích và tri ân những hỗ trợ thiết thực của UNICEF đối với Việt Nam trong hơn 40 năm qua.

Các tổ chức đa phương hàng đầu thế giới sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam theo các đề nghị của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Catherine Russel - Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn UNICEF đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc, toàn diện đối với mọi mặt phát triển kinh tế-xã hội toàn cầu và ở Việt Nam, đặc biệt đối với trẻ em, trong đó có việc vận chuyển hàng chục triệu liều vaccine phòng chống COVID-19 thông qua Cơ chế COVAX và hỗ trợ hàng chục triệu trang thiết bị, bảo hộ y tế và nâng cao năng lực tiêm chủng quốc gia.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã thông báo Việt Nam sẽ đóng góp 100.000 đô la cho nỗ lực cứu trợ nhân đạo của UNICEF tại Ukraine. Khoản tiền này nằm trong tổng số 500.000 đô la mà Việt Nam sẽ đóng góp cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Ukraine.

Về phần mình, bà Catherine Russell bày tỏ vui mừng trước quan hệ hợp tác hiệu quả, gắn bó giữa UNICEF và Việt Nam hơn 4 thập kỷ qua, đánh giá cao các thành tựu kinh tế-xã hội và hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam trong bối cảnh đầy thách thức của đại dịch COVID-19, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; khẳng định những kinh nghiệm thành công này là rất có giá trị đối với LHQ và cộng đồng quốc tế.

Bà Catherine Russell khẳng định UNICEF sẽ tiếp tục tích cực triển khai Chương trình quốc gia Việt Nam-UNICEF giai đoạn 2022-2026 đáp ứng các ưu tiên của Việt Nam, đồng thời UNICEF sẽ đồng hành cùng các tổ chức trong Cơ chế COVAX hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, nhất là cung cấp vaccine và sản xuất vaccine trong nước, góp phần bảo vệ, đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân Việt Nam, nhất là trẻ em trước dịch bệnh.

Tiếp đó, tại cuộc gặp Phó Tổng Thư ký LHQ, bà Amina Mohammed, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ – Đối tác tin cậy hàng đầu vì hòa bình, hợp tác phát triển trên thế giới và Người bạn tin cậy, gắn bó lâu dài của Việt Nam trong mọi chặng đường phát triển đất nước. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực và xây dựng hơn nữa vào công việc chung của LHQ ở cả 3 trụ cột an ninh – chính trị, phát triển và quyền con người.

Các tổ chức đa phương hàng đầu thế giới sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam theo các đề nghị của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed - Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương và một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quản trị toàn cầu, cho rằng cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện để xử lý các thách thức chung như dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng ủng hộ tăng cường quan hệ giữa LHQ, nghị viện các quốc gia thành viên và Liên minh Nghị viện thế giới để tranh thủ được sự ủng hộ của kênh lập pháp đối với chương trình nghị sự của LHQ.

Trao đổi về ứng phó với đại dịch COVID-19, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã nỗ lực và triển khai thành công chiến lược tiêm chủng, kịp thời chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để mở cửa nền kinh tế, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng đề nghị LHQ tiếp tục quan tâm hỗ trợ các nước đang phát triển trong ứng phó với đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội và tư vấn chính sách, phục hồi theo hướng xanh, bền vững, tự cường hơn.

Thủ tướng đề nghị LHQ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), trong đó có các mục tiêu như bình đẳng giới, năng lượng sạch, tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia trao đổi, tham vấn rộng rãi tại LHQ để xem xét việc triển khai các đề xuất trong Báo cáo của Tổng Thư ký LHQ về Chương trình Nghị sự chung của Chúng ta, qua đó thúc đẩy các thỏa thuận quốc tế lớn hiện nay.

Về phần mình, Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng và là người bạn của LHQ và mong muốn hai bên tiếp tục phát triển quan hệ một cách toàn diện, hiệu quả hơn nữa. Bà Phó Tổng thư ký khẳng định LHQ sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam theo hướng xanh, bền vững và tự cường hơn; bày tỏ chia sẻ quan điểm của Việt Nam về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, đồng thời mong muốn quan hệ đối tác ASEAN-LHQ sẽ tiếp tục được củng cố vì lợi ích hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, bảy tỏ kỳ vọng Việt Nam phát huy mạnh mẽ vai trò đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu tương xứng với năng lực vị trí của mình.

Tại cuộc gặp với Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Abdulla Shahid, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ưu tiên của Đại Hội đồng LHQ Khóa 76 trong lĩnh vực phát triển bền vững, phục hồi sau đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải cách LHQ.

Các tổ chức đa phương hàng đầu thế giới sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam theo các đề nghị của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Abdulla Shahid. Ảnh: VGP.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam rất coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ trong quản trị toàn cầu, điều phối và dẫn dắt các nỗ lực đa phương, khởi xướng và đề xuất các giải pháp toàn cầu để ứng phó với các thách thức chung của cộng đồng quốc tế như dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào công việc chung của LHQ, trong đó có việc vừa hoàn thành trọng trách Uỷ viên Không thường trực Hội đồng Bảo an và đang tiếp tục ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 và một số cơ quan quan trọng khác của LHQ thời gian tới.

Việt Nam ủng hộ quá trình cải tổ LHQ để tổ chức này hoạt động dân chủ, minh bạch hơn và ứng phó tốt hơn trước các thách thức toàn cầu, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đa số thành viên là các nước đang phát triển; ủng hộ nâng cao vai trò quan trọng của Đại Hội đồng và tăng cường quan hệ của các cơ quan khác với Đại Hội đồng.

Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Abdulla Shahid bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu kinh tế-xã hội vượt bậc của Việt Nam và thành công trong lĩnh vực phòng chống đại dịch COVID-19 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, nhất là chiến lược thích ứng an toàn, phục hồi và phát triển theo hướng xanh, bền vững và bao trùm.

Chủ tịch Đại Hội đồng cũng đặc biệt đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về Ngày Quốc tế về Phòng chống Dịch bệnh 27/12; khẳng định quan tâm thúc đẩy triển khai hợp tác ASEAN-LHQ đáp ứng mong muốn, lợi ích chung; có nhiều đóng góp quan trọng củng cố chủ nghĩa đa phương và tham gia công việc của LHQ.

Chiều ngày 16/5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới tham quan Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), dự tọa đàm bàn tròn với CEO của một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang niêm yết tại NYSE.

Các tổ chức đa phương hàng đầu thế giới sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam theo các đề nghị của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 6.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gõ búa kết thúc phiên giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ngày 16/5 theo giờ địa phương - Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ niềm vui được tới thăm NYSE, sở giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa thị trường và bấm nút rung chuông kết thúc phiên giao dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan, làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới tại New York  - Ảnh 2.

Thủ tướng dự tọa đàm bàn tròn với CEO một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang niêm yết tại NYSE - Ảnh: VGP.

Thủ tướng trân trọng cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, trọng thị của ban lãnh đạo NYSE, mong NYSE quan tâm hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán hiệu quả, bền vững ở Việt Nam, xây dựng thành công trung tâm tài chính quy mô khu vực; đồng thời hướng đến quan hệ đối tác bền vững, đôi bên cùng có lợi giữa NYSE và các đối tác Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng thực chất, hiệu quả.

Cũng nhân dịp này, Thủ tướng sẽ chứng kiến lễ trao hai văn kiện hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư giữa các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong đó, có văn bản hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam với NYSE về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán.

An Bình (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ