(Tổ Quốc) - Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hồ Chí Minh vừa có hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra định kỳ và tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh năm học 2020-2021. Trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm máy tính.
Theo đó, kiểm tra, đánh giá định kì được thực hiện sau mỗi giai đoạn giáo dục nhằm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục quy định.
Kiểm tra, đánh giá định kì, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kì bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút.
Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định. Đối với bài thực hành, dự án học tập phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá trước khi thực hiện.
Về thời gian kiểm tra đánh giá định kỳ trong năm học 2020-2021 bao gồm, kiểm tra đánh giá giữa kỳ 1: Sau tuần thứ 8, tuần thứ 9 của học kỳ 1; Kiểm tra đánh giá cuối kỳ 1: từ 20/12/2020-05/01/2021; Kiểm tra đánh giá giữa kỳ 2: Sau tuần thứ 7 của học kỳ 2 (tuần 25 của năm học); Kiểm tra đánh giá cuối kỳ 2: từ ngày 3/5-15/5/2021. Riêng học sinh khối 9, khối 12 từ 25/4-08/5/2021.
Theo quy định, kiến thức, kỹ năng trong kiểm tra đánh giá định kỳ bài kiểm tra phải nằm trong các mức độ của "Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông" của Bộ GDĐT năm 2009 và nội dung được điều chỉnh bởi công văn 3280/BGDĐT-GDTrH năm 2020. Ngữ liệu sử dụng trong bài kiểm tra đánh giá phải phục vụ cho chuẩn kiến thức kỹ năng (yêu cầu cần đạt) của bài kiểm tra đánh giá định kỳ.
Nội dung kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện từ tuần đầu học kỳ đến tuần thực hiện bài kiểm tra đánh giá định kỳ của học kỳ đó.
Bài kiểm tra đánh giá định kỳ phải đảm bảo kiểm tra theo diện rộng (ở mức độ nhận biết, và thông hiểu) của kiến thức và kỹ năng, đồng thời phải đảm bảo mức độ sâu, phân hóa (ở mức độ nhận thức vận dụng và vận dụng cao).
Đối với nội dung kiểm tra đánh giá định kỳ bằng hình thức dự án học tập hoặc bài thực hành được thực hiện trong kế hoạch kiểm tra đánh giá của giáo viên được lãnh đạo nhà trường duyệt, được quy định trong quy chế kiểm tra đánh giá của nhà trường.
Việc biên soạn đề kiểm tra cần thực hiện theo quy trình 6 bước gồm, xác định mục đích của đề kiểm tra, xác định hình thức đề kiểm tra, thiết lập ma trận, bản đặc tả đề kiểm tra, biên soạn câu hỏi theo ma trận, bản đặc tả, xây dựng hướng dẫn chấm (đáp án) và thang điểm, và xem xét lại việc biên soạn đề kiểm tra.
Trong đó, cần căn cứ chuẩn kiến thức kỹ năng để xác định các chuẩn cần đánh giá đối với mỗi cấp độ tư duy. Có 4 mức độ gồm, nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Việc tính số điểm cho mỗi chủ đề (nội dung, chương…) tương ứng với tỉ lệ %. Đối với các đề 100% trắc nghiệm khách quan, các câu hỏi có số điểm bằng nhau. Với thời gian kiểm tra 45 phút, số câu tối đa là 45 câu, mỗi câu 0,25 điểm. Đối với đề tự luận 100%, biên soạn câu hỏi theo nhiều ý, mỗi ý 0,25 điểm trong thời gian 45 phút.
Sở yêu cầu, Nhà trường xây dựng quy chế kiểm tra đánh giá học sinh trong trường, điều chỉnh, bổ sung hàng năm. Căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học, Tổ chuyên môn xây dựng bản đặc tả (các yêu cần cần đạt) cho môn/khối cả năm.
Trước thời gian kiểm tra đánh giá định kỳ 10 ngày, trường hoàn chỉnh ma trận kiểm tra đánh giá, hoàn thành bản đặc tả cho đề kiểm tra định kỳ. Xây dựng đề kiểm tra đánh giá (một hoặc nhiều đề) theo ma trận và bản đặc tả.
Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm máy tính trong kiểm tra đánh giá học sinh.