(Tổ Quốc) - Theo trang Greek Reporter, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng xấu đến các di tích và di sản văn hóa Hy Lạp cổ đại trên khắp thế giới.
Các hiện tượng như cháy rừng, xói mòn bờ biển, lũ lụt và lượng mưa thay đổi ngày càng gia tăng. Biến đổi khí hậu đang tác động đến sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm đối với vật liệu xây dựng tại các di sản văn hóa. Vì vậy, việc bảo tồn và quản lý hầu hết các di tích là nhiệm vụ cần thiết trong tương lai.
Theo Bộ Văn hóa Hy Lạp, nguy cơ tức thì, lan rộng và mang tính hệ thống từ tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới các di tích văn hóa cổ của nước này.
Bộ Văn hóa Hy Lạp cũng thừa nhận rằng "những rủi ro khí hậu hiện hữu, ảnh hưởng đến các khu vực rộng lớn hơn tại các di tích/địa điểm khảo cổ" là do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, hỏa hoạn, mực nước dâng cao và xói mòn ngày càng gia tăng.
Cụ thể trong năm 2021, địa điểm khảo cổ Olympia, quê hương của Thế vận hội Olympic thời cổ đại, bị đe dọa bởi một trận cháy rừng. Hay trong năm 2020, Cổng Sư tử, cổng vòm bằng đá mang tính biểu tượng đóng vai trò là lối vào chính của thành phố cổ đại Mycenae ở Peloponnese, đã bị cháy đen.
Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong những năm gần đây, cũng như ô nhiễm không khí và mưa axit, đã gây ra các vấn đề về cấu trúc trên những bức tường và đền thờ ở thành cổ Acropolis - một trong những địa điểm khảo cổ được bảo tồn tốt nhất ở Hy Lạp.
Những nỗ lực bảo tồn và bảo vệ thành cổ Acropolis cũng như các di tích ở đây đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ. Quá trình này cũng được đẩy nhanh kể từ giữa những năm 1970. Tuy nhiên, Hy Lạp vẫn còn một số lượng lớn các địa điểm khảo cổ khác đang hoàn toàn bị phơi nhiễm trước các yếu tố tự nhiên.
Chẳng hạn như địa điểm khảo cổ ở đảo Delos. Ông Alexandre Farnoux, Giám đốc Trường học Athens của Pháp gần đây đã chỉ ra rằng thiệt hại do biển, gió và mưa đã gia tăng rõ rệt trong mười năm qua.
Theo hãng Reuters, ông Farnous khẳng định đã có "những hư hỏng nghiêm trọng đối với các bức tường, đặc biệt là những bức tường nhạy cảm làm bằng đá vôi, bao gồm cả sự biến mất của các mối nối và sự xâm nhập của nước vào nền móng của các tòa nhà".
Theo ông Farnous, những cơn mưa trong những năm gần đây đã làm mực nước ngầm và nước biển dâng cao, khiến tình trạng nước xâm lấn tàn phá các địa điểm khảo cổ.
Những nỗ lực của Hy Lạp
Hy Lạp, điểm đến có rất nhiều Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đi đầu trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết vấn đề này.
Bộ Văn hóa Hy Lạp đã thành lập một ủy ban liên ngành gồm các chuyên gia chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch hành động quốc gia nhằm giải quyết tác động của biến đổi khí hậu đối với các địa điểm khảo cổ và di tích lịch sử đất nước.
Tuy nhiên, việc bảo tồn các di tích văn hóa không thể được giải quyết bởi một quốc gia duy nhất. Cần có một cách tiếp cận phối hợp giữa nhiều quốc gia.
Alexis Georgoulis, đại diện cho Thành viên Nghị viện Châu Âu (MEP) đã luôn đi đầu trong nỗ lực xây dựng cách tiếp cận chung của EU.
"Rất ít các chương trình giải quyết biến đổi khí hậu quốc gia trên khắp châu Âu bao gồm các biện pháp có mục tiêu tại các địa điểm di sản và điều này khiến những điểm đến này dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là ở Địa Trung Hải", ông Georgoulis nhấn mạnh.
Ông Alexis Georgoulis đã yêu cầu thành lập quỹ đặc biệt để tài trợ cho các dự án nhằm bảo vệ các di sản văn hóa trên bờ biển Địa Trung Hải có nguy cơ lũ lụt và xói mòn do biến đổi khí hậu. Ông cũng yêu cầu Brussels thành lập một nhóm các nhà khoa học chuyên nghiệp để thu thập dữ liệu và phát triển các giải pháp.
"Báo cáo gần đây của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã mô tả Địa Trung Hải là điểm nóng về rủi ro khí hậu, một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, phải đối mặt với những rủi ro ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu", ông Georgoulis nhấn mạnh.
Ông lưu ý rằng mới đây, Đại học Kiel đã thực hiện một cuộc khảo sát liên quan đến Di sản Thế giới của UNESCO ở các khu vực ven biển Địa Trung Hải thấp. Trong những năm tới, các địa điểm này sẽ ngày càng bị đe dọa bởi xói mòn bờ biển do mực nước biển dâng cao.
"Nhiều Di sản Thế giới của UNESCO cũng như Di sản Văn hóa châu Âu đã đóng một vai trò quan trọng về dấu ấn lịch sử và văn hóa trong quá khứ chung của chúng ta. Vì vậy, đây sẽ là tương lai của chúng ta và EU cần phải hành động chung để bảo vệ các di sản văn hóa", ông Georgoulis nói thêm./.