(Tổ Quốc) - Lee Chong Wei có thể đang là tên tuổi thể thao lớn nhất ở Malaysia, nhưng chính câu chuyện của những vận động viên Malaysia tiên phong mới là điều cần được học hỏi, theo CNA.
Đối với các môn thể thao mà một quốc gia có truyền thống thành công và cơ sở hạ tầng để đào tạo các vận động viên đẳng cấp thế giới, thì con đường trở thành ngôi sao rất thuận lợi. Nhưng nếu nhiều đất nước không có điều kiện như vậy thì sao?
Ví dụ, ở Malaysia, thành công to lớn của Lee Chong Wei trong môn cầu lông là một điều dễ hiểu khi cả đất nước đã dồn rất nhiều công sức cho cầu lông. Thì lúc này, sự thăng hạng nhanh chóng của vận động viên Nicol David trong môn bóng quần (tương tự như quần vợt nhưng chơi trong sân kín) là điều nhận được nhiều sự chú ý hơn.
Mặc dù đến từ một khu vực bóng quần chưa phát triển, David là người châu Á đầu tiên đoạt giải vô địch bóng quần nữ thế giới. New York Times còn từng gọi David là Serena Williams của môn bóng quần.
Vậy đâu là nguyên nhân cho sự tỏa sáng của các ngôi sao thể thao Malaysia trong những môn không quá phổ biến?
Tinh thần quyết tâm thu hút được sự hỗ trợ lớn
Không giống như "môn thể thao quốc gia" cầu lông ở Malaysia, bóng quần không phải là môn thể thao Olympic. Chỉ riêng điều này đã làm giảm đáng kể mọi khoản tài trợ của chính phủ cho những vận động viên này.
Tại Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung Kuala Lumpur 1998, môn bóng quần lần đầu tiên được ra mắt. David khi đó mới 14 tuổi và không giành được huy chương nào. Nhưng đó là thời điểm thể thao Malaysia biết đến David. Vài tháng sau, tại Đại hội thể thao châu Á Bangkok 1998, David đã giành được huy chương vàng lịch sử.
Nhiều điều đặc biệt đã xảy ra. Trong khi sự tài trợ của riêng chính phủ khó có thể đủ để đưa một vận động viên thành công trong khu vực thành một vận động viên nổi tiếng toàn cầu, thì vào ngày 1 tháng 3 năm 2000, khi mới 16 tuổi, David đã giành được hợp đồng tài trợ toàn cầu với khách sạn Equatorial của Malaysia.
Đến năm 2006, khi sự nghiệp của David bắt đầu thăng hoa, Tập đoàn CIMB đã trao cho cô khoản tài trợ trị giá hàng triệu USD. Cả hai nhà tài trợ doanh nghiệp này đều trở thành nhà tài trợ dài hạn cho sự nghiệp lừng lẫy của David, bao gồm cả việc trở thành vận động viên bóng quần số một thế giới trong thời gian dài nhất.
Cũng có sự đóng góp của các cơ quan truyền thông địa phương sôi động của Malaysia và tất cả đã giúp một siêu sao tiên phong ra đời. Ngày nay, Malaysia có rất nhiều tài năng bóng quần và sự cạnh tranh trong nước rất gay gắt. Nhưng hai thập kỷ trước, với tư cách là người tiên phong, David phải nỗ lực rất nhiều.
David thường cho rằng việc cô chuyển đến Amsterdam để tập luyện với Liz Irving vào năm 2003 là bước ngoặt trong sự nghiệp. Đây là điều hợp lý vì Malaysia hồi đó chưa có truyền thống phát triển bóng quần và cũng không có đủ cơ sở hạ tầng để hướng tới thành công.
Công chúng cũng có thế nhìn thấy điều tương tự về sự thành công của các vận động viên đạp xe Malaysia. Vài năm trước đây, Azizul Awang đã vượt qua nhiều thử thách phi thường để giành huy chương vô địch đầu tiên cho Malaysia và Đông Nam Á ở môn đua xe đạp tại Giải vô địch thế giới và Olympic.
Dù có vóc dáng tương đối nhỏ nhưng Awang đã rèn luyện được tốc độ đáng nể. Và việc thiếu cơ sở vật chất cho môn đua xe đạp ở Malaysia khiến Awang và đội đua xe đạp quy mô nhỏ của Malaysia phải chuyển đến Melbourne, Australia, để tập luyện dưới sự huấn luyện của huấn luyện viên trưởng John Beasley vào năm 2007. Ông Beasley từng chia sẻ: "Anh ấy nhỏ con, không tạo ra nhiều uy hiếp nhưng anh ấy có thể lọt qua mọi khe hở còn trống trong đoàn đua". Ông Beasley cũng nói thêm, khi mới đến Australia, Awang cũng không có tiền và còn khó khăn hơn khi gặp phải rào cản ngôn ngữ.
Vượt lên tất cả, Awang và Mohd Rizal Tisin đã giành được chức vô địch thế giới lịch sử vào năm 2009. Và trong cùng năm đó, tập đoàn thương mại lớn nhất Malaysia Sime Darby đã bắt đầu hợp đồng tài trợ lịch sử kéo dài ba năm trị giá 2 triệu RM (485.000 USD) cho các vận động viên xe đạp tham dự Thế vận hội 2012.
Đáng chú ý, một tai nạn có khả năng kết thúc sự nghiệp vào năm 2011 và việc không giành huy chương Olympic vào năm 2012 của Azizul Awang và Fatehah Mustapa không khiến Sime Darby dừng tài trợ. Tập đoàn này thậm chí rót thêm 2,85 triệu RM vào năm 2013 để tài trợ cho hành trình giành huy chương Olympic tại Rio 2016. Cuối cùng, Awang không chỉ giành được huy chương Olympic đã được chờ đợi từ lâu vào năm 2016, mà anh còn tiếp tục để làm nên lịch sử một lần nữa với danh hiệu Vô địch Thế giới mang tên Malaysia vào năm 2017.
CIMB và AirAsia kể từ đó đã đồng hành cùng Awang với tư cách là nhà tài trợ chính trong khi riêng Sime Darby cam kết tài trợ 2,6 triệu RM cho thế hệ vận động viên xe đạp trẻ tiếp theo của Malaysia.
Từ hành trình của Nicol David và Azizul Awang, có thể việc thu hút sự quan tâm đến những môn thể thao còn yếu sẽ cần sự quan tâm của rất nhiều bên.
Phối kết hợp tài trợ công - tư
Trong khi nguồn tài trợ từ chính phủ bị hạn chế, khu vực tư nhân ở Malaysia đã tham gia hỗ trợ. Và khi khu vực tư nhân gặp khó khăn, sự vươn lên của các vận động viên và nguồn tài trợ từ cộng đồng đôi khi có thể thu hẹp khoảng cách tài chính.
Và đây chính là cách vận động viên trượt băng nghệ thuật Olympic đầu tiên của Malaysia, Julian Yee, người vào năm 2016 đã chuyển sang huy động vốn cộng đồng để trở thành người Malaysia đầu tiên đủ điều kiện tham dự Thế vận hội Olympic mùa đông tại PyeongChang 2018.
Julian Yee huy động được gần 17.000 USD trên nền tảng gây quỹ cộng đồng của mình để theo đuổi thành công giấc mơ Thế vận hội mùa đông.
Mặc dù Yee không giành được huy chương Olympic, nhưng việc anh giành được suất tham dự Olympic với sự hỗ trợ tài chính từ cộng đồng khiến câu chuyện làm nên lịch sử của anh không khác mấy so với câu chuyện của Nicol David hay Azizul Awang.
Và cũng không thể không kể đến câu chuyện thể thao Malaysia ấn tượng về vận động viên lặn Pandelela Rinong.
Rinong đã gây chấn động Malaysia và thế giới khi ở tuổi 19, cô trở thành nữ vận động viên Malaysia đầu tiên giành huy chương đồng Olympic cá nhân tại London 2012, và sau đó là huy chương bạc tại Rio 2016 trong nội dung 10m với Cheong Jun Hoong.
Thành tích tiên phong năm 2012 của Rinong là bàn đạp chính cho hàng loạt tài năng lặn của Malaysia sau này. Nhiều vận động viên lặn Malaysia đã giành được huy chương tại các Giải vô địch lặn thế giới kể từ năm 2013. Vào năm 2017, Cheong Jun Hoong cũng đã giành được danh hiệu vô địch lặn thế giới đầu tiên về cho Malaysia.
Giống như bóng quần, lặn chỉ trở thành môn thể thao được người Malaysia biết đến tại Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung Kuala Lumpur 1998. Tuy nhiên, không giống như bóng quần và đạp xe, lặn không thu hút được nhiều sự hỗ trợ của khu vực tư nhân.
Các vận động viên lặn Malaysia, do huấn luyện viên người Trung Quốc Yang Zhuliang dẫn dắt từ năm 2008 đến 2017, đã phải đến Trung Quốc để tập luyện để có thể tiếp cận cơ sở vật chất thích hợp.
Bên cạnh hai huy chương Olympic, năm 2018, Rinong đã tốt nghiệp bằng Cử nhân Quản lý Khoa học Thể thao nhờ được Học bổng Thể thao Olympic của Đại học Malaya tài trợ. Cô cũng là người đầu tiên nhận được học bổng này, bao gồm học phí và chỗ ở cũng như trợ cấp phúc lợi và đào tạo trị giá 30.000 RM một năm. Đến năm 2017, học bổng đã được mở rộng cho 7 vận động viên Olympic khác, ba người trong số họ là vận động viên lặn.
Từ bóng quần, đạp xe đến lặn, đây đều là những môn thể thao mà người Malaysia thiếu cơ sở đào tạo và từng bị loại khỏi đấu trường thể thao toàn cầu. Tuy nhiên, các vận động viên Malaysia đã cùng nhau xoay chuyển tình thế và thu hút sự quan tâm của cả chính phủ và cộng đồng đến thể thao nước nhà.