• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam học hỏi từ thành công lớn của cầu lông Malaysia

Thế giới 27/05/2023 08:02

(Tổ Quốc) - Không chỉ tại châu Á, cầu lông Malaysia luôn là một thế lực đáng gờm. Việt Nam có thể rút ra kinh nghiệm gì từ một môn thể thao được toàn dân Malaysia yêu thích, tham gia và đạt được nhiều thành công lớn trên toàn cầu.

Tại SEA Games 32 vừa qua, cầu lông Việt Nam không giành được huy chương nào trong khi các cường quốc cầu lông ở Đông Nam Á và châu Á như Indonesia, Malaysia và Thái Lan không cử các VĐV xuất sắc nhất dự giải.

Trong đó, Malaysia từ lâu đã có nhiều tên tuổi danh tiếng trong cầu lông. Trong khi tay vợt Lee Chong Wei nước này đã Giành huy chương bạc tại ba kì Thế vận hội Mùa hè 2008, 2012, 2016 và trở thành người Malaysia thứ 6 giành được huy chương tại Thế vận hội thì ngôi sao Lee Zi Jia, hạng 7 cầu lông đơn nam thế giới năm 2022, cũng đang nhận được nhiều sự chú ý.

Cầu lông bắt nguồn và phổ biến ở Malaysia như thế nào?

Theo trang Badmintonworldtour, cầu lông cực kỳ phổ biến ở Malaysia và giữ một vị trí đặc biệt trong văn hóa thể thao của đất nước này. Đây là một trong những môn thể thao phổ thông nhất ở Malaysia, cả về số người tham gia và khán giả theo dõi. Môn thể thao này có lượng người xem lớn ở mọi lứa tuổi và lượng được chơi rộng rãi ở nhiều cấp độ khác nhau, từ giải trí đến chuyên nghiệp. Theo trang Sporting blog, có 12,19% người dân Malaysia chơi môn thể thao này.

Việt Nam nhìn thấy gì từ sự thành công toàn cầu của cầu lông Malaysia - Ảnh 1.

Thành công của những ngôi sao như Lee Chong Wei càng thôi thúc tinh thần tham gia và thi đấu của người Malaysia. Ảnh: Reuters.

Về sự phát triển của cầu lông, lịch sử của môn thể thao này có thể bắt nguồn từ đầu thế kỷ 20 khi người Anh đưa môn thể thao này tới đây. Sự phổ biến của cầu lông nhanh chóng lan rộng trong người Malaysia, và cầu lông bắt đầu bén rễ như một môn thể thao giải trí cũng như thi đấu.

Vào ngày 11 tháng 11 năm 1934, Hiệp hội Cầu lông Malaysia (BAM) được thành lập trực thuộc Hiệp hội Cầu lông Malaya, đánh dấu sự ra đời chính thức của môn thể thao này tại Malaysia. BAM đã liên tục thúc đẩy và tổ chức các hoạt động cầu lông trong nước, tạo điều kiện cho sự phát triển của môn thể thao này, tổ chức các giải đấu và cung cấp nền tảng để người chơi phát triển kỹ năng của họ.

Trong những năm đầu phát triển cầu lông, các tay vợt Malaysia bắt đầu đạt được thành công ở cấp độ quốc tế. Trong những năm 1950 và 1960, những tay vợt như Wong Peng Soon và Eddy Choong đã mang về vô số danh hiệu, giúp Malaysia nổi tiếng là một quốc gia mạnh về cầu lông. Tại Olympic mùa hè 1992, anh em nhà Sidek đã mang về huy chương đồng cho cầu lông Malaysia và đưa môn thể thao này trở thành niềm tự hào quốc gia.

Do đó, Malaysia đã đầu tư rất nhiều cho môn thể thao này và tích cực đưa vận động viên đi tranh tài tại các giải đấu quốc tế. Đội tuyển cầu lông quốc gia Malaysia trở thành một thế lực đáng gờm, giành chiến thắng trong các sự kiện danh giá như Thomas Cup (giải vô địch đồng đội nam cầu lông danh giá). Đặc biệt, Thomas Cup có tầm quan trọng đặc biệt đối với người Malaysia vì nước này đã nổi lên như một trong những quốc gia thịnh vượng nhất trong lịch sử giải đấu với nhiều chiến thắng tại đây.

Sự phổ biến của cầu lông ở Malaysia cũng được thể hiện qua lượng người hâm mộ vững chắc và sự ủng hộ rộng rãi dành cho môn thể thao này. Các trận đấu và giải đấu cầu lông của Malaysia thu hút rất đông người xem, đồng thời các vận động viên được tôn sùng như anh hùng dân tộc. Một bộ phim năm 2018 dựa trên cuộc đời của Lee Chong Wei đã trụ vững hơn sáu tuần trong top 10 phim hàng đầu của Malaysia.

Cầu lông ở Malaysia ngày nay

Cho tới nay, Malaysia đã sản sinh ra nhiều vận động viên cầu lông đẳng cấp thế giới, những người đã đạt được sự ca ngợi của quốc tế và mang lại thành công đáng kể cho đất nước. Những tay vợt như Lee Chong Wei, Tan Boon Heong, Koo Kien Keat và Goh Liu Ying đã đạt được thứ hạng cao và vô địch các giải đấu lớn và điều này càng thúc đẩy sự phổ biến của cầu lông ở Malaysia.

Sự quan tâm đến cầu lông không chỉ tập trung trong những người chơi chuyên nghiệp. Nhiều người Malaysia tích cực tham gia môn thể thao này như một hoạt động giải trí và các sân cầu lông thường được tìm thấy ở các khu dân cư, trường học và khu liên hợp thể thao trên khắp đất nước.

Theo một cuộc khảo sát năm 2018 do BAM thực hiện, cứ 8 người Malaysia thì có một người chơi cầu lông - nhiều hơn bóng đá, môn thể thao được yêu thích tại Malaysia. Michelle Chai – cựu lãnh đạo BAM cho biết: "Đây là môn thể thao có nhiều người chơi nhất tại Malaysia. Đó là nhờ thành công của chúng tôi và sự dễ dàng khi trò chơi."

Haresh Deol, đồng sáng lập của Twentytwo13, một trang tin tức có trụ sở tại Kuala Lumpur, cho biết: "Cầu lông cần ít không gian và là môn thể thao thân thiện với kinh tế. Tất cả những gì bạn cần là một cây vợt và một quả cầu lông, thậm chí không có lưới, hai người chơi đã có thể chơi phiên bản đơn giản hóa của môn thể thao này".

Hơn nữa, các giải đấu và sự kiện cầu lông, cả trong nước và quốc tế, đều thu hút một lượng lớn khán giả ở Malaysia. Các giải đấu lớn như Malaysia Open và Thomas Cup rất được mong đợi và thu hút sự chú ý đáng kể từ người hâm mộ cùng giới truyền thông.

Sự phổ biến của cầu lông ở Malaysia cũng được phản ánh trong sự hỗ trợ, đầu tư của chính phủ và các tổ chức khác nhau. Malaysia đã thành lập các trung tâm, chương trình đào tạo chuyên biệt nhằm nuôi dưỡng các tài năng trẻ và phát triển đội tuyển cầu lông quốc gia vững mạnh.

Gần đây, Malaysia đã cùng 3 cường quốc cầu lông châu Á khác là Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc ký Biên bản ghi nhớ để phát triển cầu lông cho mọi độ tuổi, từ các đội U15, U17, U19 Quốc gia cho đến đội dự bị Quốc gia. Các quốc gia này sẽ thường xuyên tổ chức hội trại chung để tiến hành tập huấn và thi đấu luân phiên, tăng cường trao đổi về chuyên môn, kỹ thuật và huấn luyện.

Xét về triển vọng tương lai của môn cầu lông ở Malaysia, trang Metroleague đánh giá cả các cơ quan chính phủ (đặc biệt là các cơ quan thể thao) cũng như các tổ chức phi chính phủ vẫn cần tiếp tục thúc đẩy người dân xây dựng thói quen sống lành mạnh thông qua các hoạt động thể thao khác nhau, trong đó có môn cầu lông. Đồng thời cũng cần tăng tỷ lệ tham gia và hướng tới chuyên nghiệp của các vận động viên nam để huấn luyện các thế hệ vận động viên tiếp theo.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ