Cần bổ sung quy định cụ thể hơn đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam
(Tổ Quốc) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo vừa được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, dự kiến sẽ thông qua vào Kỳ họp thứ 9. Sau khi được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu nhằm rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật.
Bổ sung quy định cụ thể hơn đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam
Tại phiên thảo luận hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo hiện hành. Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu cho rằng cần cân nhắc quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Đại biểu bày tỏ tán thành chủ trương quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, tuy nhiên, điểm c, khoản 5 Điều 15a của luật hiện hành quy định: Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm. Đại biểu cho rằng, quy định này có ảnh hưởng rất lớn đến ngành quảng cáo, do đó, cần cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn.
Đồng thời, đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung như: việc đăng tải ý kiến, cảm nhận được thực hiện bằng hình thức nào. Hiện nay, có rất nhiều hình thức đăng tải như video clip, phát trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến, người chuyển tải đăng video clip, bài viết trên mạng xã hội của mình, người chuyển tải bình luận trên các trang thông tin điện tử, trang cá nhân của người khác. Cùng với đó, cần làm rõ cơ chế xác nhận người chuyển tải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm, chế tài đối với trường hợp trực tiếp phát hiện người chuyển tải chưa trực tiếp sử dụng sản phẩm quảng cáo, hoặc quy đã sử dụng nhưng kết quả thực tế không đúng như người chuyển tải sản phẩm đã quảng cáo.
Về quảng cáo trên mạng, đại biểu tán thành bổ sung quy định cụ thể những yêu cầu mà hoạt động quảng cáo trên mạng và người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ. Đại biểu cho rằng, những quy định này sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng thời gian qua.
Đại biểu cho biết, thực tế hiện nay có không ít quảng cáo có chứa đường dẫn đến trang thông tin cá nhân như trang cá nhân trên mạng xã hội, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định về nội dung của trang thông tin cá nhân, ứng dụng trên thiết bị di động phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định về kiểm tra, giám sát đối với nội dung này.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Theo đại biểu, việc quảng cáo xuyên biên giới có tính đặc thù, đòi hỏi phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhất là với quảng cáo về thực phẩm dược, hóa chất, đặc biệt là hóa chất độc hại, nguy hiểm.
Ngoài ra, đại biểu cho biết, một số nền tảng xem video trực tuyến như YouTube, Facebook đang chèn quảng cáo một hoặc nhiều lần trong quá trình xem video, nhưng người xem không thể tắt quảng cáo nếu chưa hết thời lượng video quảng cáo được chèn. Đại biểu đề nghị nghiên cứu để có quy định điều chỉnh trường hợp này, không tạo lỗ hổng pháp lý đối với hoạt động quảng cáo trên nền tảng xem video trực tuyến, tạo sự bất bình đẳng giữa hoạt động quảng cáo trên các nền tảng này với các hoạt động quảng cáo trên các kênh khác.
Cần thống nhất định nghĩa “trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”
Nêu quan điểm về việc quảng cáo trái với văn hóa, thuần phong mỹ tục, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể về việc này như thế nào. Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu, đưa ra quy định rõ hơn về việc quảng cáo trên mạng xã hội...
Thực tế cho thấy, nhiều quảng cáo xuất hiện với tần suất quá nhiều và đôi khi phát lại khung giờ không phù hợp trên truyền hình, ngôn ngữ có khi gây hiểu nhầm, tạo ra hiệu ứng ngược. Trong khi đó, một số nội dung quy định vẫn mang tính chung chung như cấm quảng cáo sản phẩm trái với văn hóa. Trong khoản ba, Điều 8 của Luật Quảng cáo chưa quy định rõ cụ thể thế nào được gọi là trái với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, chưa định hướng cho Đài Truyền hình thực hiện hoạt động quảng cáo hiệu quả.
Do đó, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này phải có quy định hoặc giao Chính phủ hướng dẫn thống nhất định nghĩa “trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam” là như thế nào?
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) thì cho biết, dự thảo Luật lần này sửa đến 20 điều, chiếm gần 50% tổng số điều với 15 trang so với 21 trang của Luật hiện hành. Theo đó, tập trung bổ sung trách nhiệm quản lý về các hoạt động quảng cáo như trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y Tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các UBND cấp tỉnh. Các hoạt động quảng cáo chặt chẽ và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Đồng tình với các nội dung sửa đổi như Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, trách nhiệm quản lý nhà nước đã được quy định về các bộ ngành chuyên môn, tuy nhiên, có nhiều quy định liên quan đến các chế độ, chính sách tài chính, các hoạt động thu chi ở các văn bản dưới luật… cũng chưa được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Và mỗi dự án Luật điều chỉnh là tổng hòa các mối quan hệ quy phạm pháp luật, không chỉ riêng một bộ ngành quản lý nào. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét, chỉ đạo Cơ quan soạn thảo trình Luật Quảng cáo (sửa đổi) chứ không phải Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo như hiện nay, vì có quá nhiều nội dung sửa đổi.
Đồng thời cần rà soát, bổ sung các nội dung như trách nhiệm của các cơ quan quản lý, bộ ngành, vấn đề quản lý về tài chính, chế độ thu chi, chế tài xử phạt vi phạm các quy định pháp luật về quảng cáo; rà soát, bổ sung thêm các hình thức quảng cáo mới. Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ mong muốn Chính phủ rà soát một cách tổng thể và sửa đổi một cách toàn diện hơn Luật này./.