Cận cảnh công đoạn sản xuất cặp bánh cưới kỷ lục Việt Nam
Thực hiện: Nam Nguyễn | 15/10/2022
(Tổ Quốc) - Cặp bánh cưới kỷ lục sẽ xuất hiện trong chương trình “Tinh hoa Việt Nam” - vinh danh cặp bánh Cốm - Phu thê “Bảo vật tinh hoa làng nghề Việt Nam” và “Đám cưới tập thể theo nếp sống mới” tổ chức tại Hà Nội.
Cặp bánh cưới kỷ lục sẽ xuất hiện trong chương trình “Tinh hoa Việt Nam” - vinh danh cặp bánh Cốm - Phu thê “Bảo vật tinh hoa làng nghề Việt Nam” và “Đám cưới tập thể theo nếp sống mới” tổ chức tại Hà Nội.
Để thực hiện cặp bánh cưới này, đòi hỏi người thợ có tay nghề cao, sản phẩm được lựa chọn kỹ lưỡng, chất lượng tốt từ khâu nguyên liệu đầu vào.
Nghệ nhân Mai Đình Lục (Giám đốc sản xuất) cho biết: "Chúng tôi đã trực tiếp tham gia sản xuất cặp bánh Trung thu kỷ lục lớn nhất Việt Nam. Tuy đã có kinh nghiệm trước đó nhưng cặp bánh Cốm - Phu thê này vẫn là một thử thách với đội ngũ nghệ nhân và thợ làm bánh".
Theo nghệ nhân Mai Đình Lục, khó khăn lớn nhất gặp phải khi làm nên cặp bánh cưới kỷ lục Việt Nam này là ở khâu tạo hình. Sự khác biệt về nguyên liệu khiến việc tạo hình bánh không hề dễ dàng.
"Nếu như bánh dẻo hay bánh Trung thu có nhân dày, vỏ mỏng, không khó để định hình thì bánh Cốm - Phu thê rất khác. Bởi lẽ đặc thù của loại bánh này đó là rất dẻo và dính, vì thế nên chúng tôi phải thử nghiệm nhiều lần để ra được phương pháp làm đúng nhất" - nghệ nhân Mai Đình Lục chia sẻ.
Nguyên liệu đầu vào được kiểm soát chặt chẽ, ví dụ như cốm là cốm nếp cái hoa vàng, đậu xanh chất lượng cao nhập từ vùng nguyên liệu tại Nghệ An, đường kính...
Cặp bánh được thực hiện theo từng công đoạn riêng biệt. Chỉ riêng việc nhào nhuyễn cốm cũng được kiểm tra nghiêm ngặt, được thực hiện bởi máy móc hiện đại.
"Để thực hiện cặp bánh này, gần 20 nghệ nhân, thợ bánh đã phải đến xưởng từ 4h30 để bắt đầu từ công đoạn lên lò, sơ chế và chế biến nguyên liệu trước khi đi vào tạo hình bánh" - nghệ nhân Mai Đình Lục chia sẻ thêm.
Trước đó, các nghệ nhân đã thử cách định hình, tạo hình bánh bằng các lớp màng bọc mỏng. Việc này tạo ra được độ kết dính và giúp định hình bánh nhưng thành phẩm không đạt yêu cầu về thẩm mỹ.
Vì đặc thù nguyên liệu và đặc tính của bánh là rất dẻo, các nghệ nhân phải thực hiện làm riêng biệt theo từng lớp rồi mới gắn kết lại với nhau.
Những lớp vỏ bánh và nhân đậu xanh vừa được dàn xong sẽ đặt riêng trên từng lớp giấy bóng kính để chống dính.
Những người nghệ nhân sẽ bao một lớp giấy chống dính xung quanh thành trong của khuôn rồi lần lượt đặt từng lớp bánh, nhân vào và dàn thật đều sao cho nhân nằm vừa khít trong vỏ bánh. Một chiếc bánh sẽ bao gồm 12 lớp nhân và vỏ.
Nghệ nhân Ngô Thị Tính (Tổng giám đốc Công ty cổ phần bánh kẹo Bảo Minh - đơn vị thực hiện cặp bánh cưới lớn nhất Việt Nam) chia sẻ: "Xuất phát từ tình yêu với ẩm thực nói chung và với bánh kẹo truyền thống của dân tộc nói riêng, chúng tôi đã cùng chung tay để làm nên cặp bánh này như là một biểu tượng cho tinh hoa làng nghề truyền thống Việt Nam và là cầu nối hạnh phúc cho các cặp vợ chồng sẽ cùng xuất hiện trong đám cưới tập thể tổ chức ngày 15/10 tới đây".
Theo nghệ nhân Ngô Thị Tính, bánh Cốm - Phu thê từ lâu vốn đã là một lễ vật không thể thiếu đối với các lễ cưới truyền thống của Việt Nam. Sắp tới đây, cặp bánh kỷ lục này sẽ được 15 cặp vợ chồng trực tiếp dâng lên tiên tổ. Nghệ nhân Ngô Thị Tính cũng hi vọng truyền tới thế hệ trẻ thông điệp về trân trọng, tôn vinh những giá trị truyền thống của dân tộc.
Thành phẩm cặp bánh Cốm - Phu thê lớn nhất Việt Nam có đường kính 70cm, cao 25cm và nặng tới 130kg.
Ông Thao Văn Phúc (Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam) chia sẻ: "Hôm nay, chúng tôi tới đây và được tận mắt chứng kiến công đoạn làm nên cặp bánh cưới đặc biệt này. Cặp bánh có kích thước và trọng lượng lớn đã xác lập kỷ lục là cặp bánh Cốm - Phu thê lớn nhất Việt Nam và sẽ nhận bằng chứng nhận vinh danh vào ngày 15/10. Đây không đơn giản chỉ là một cặp bánh mà còn là kết tinh của những giá trị văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc và những tinh hoa làng nghề thủ công Việt Nam".