(Tổ Quốc) - Chỉ khi nào tác giả có ý thức bảo vệ tác phẩm của mình thì vấn nạn vi phạm bản quyền mới có thể được hạn chế.
- 13.11.2020 Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn trực tuyến về Bản quyền
- 26.10.2020 Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo vệ bản quyền
- 28.08.2020 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc khi ca khúc của mình đăng trên kênh cá nhân bị đánh bản quyền, Khắc Việt - Nguyễn Trần Trung Quân đồng cảm
- 27.08.2020 Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm việc với Cục Bản quyền tác giả
Ứng phó với nạn vi phạm bản quyền....
Thời gian qua, vấn đề bản quyền đã được nhà nước và các đơn vị quan tâm hơn nhiều. Quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể từng bước được bảo hộ. Nhưng tình trạng vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan hiện nay vẫn diễn ra phổ biến tại Việt Nam mặc dù các chủ thể quyền và cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực.
Điển hình đó là tình trạng vi phạm bản quyền nhạc trên Internet, người dùng Việt Nam có thể tải các tác phẩm âm nhạc không bản quyền trên mạng một cách thoải mái mà không có các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn cũng như biện pháp ngăn chặn từ các cơ quan quản lý Internet.
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc như hiện tượng sao chép, hiện tượng nhạc chế, đạo nhạc vẫn còn diễn ra, gây ảnh hưởng tới ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam.
Theo phản ánh của một số nhạc sĩ là chủ sở hữu tác phẩm chỉ cho phép một số cá nhân là ca sĩ, hoặc đơn vị truyền thông chuyên kinh doanh âm nhạc trên các nền tảng trực tuyến... được phép thu thanh, thu hình và truyền tải lên các trang mạng những tác phẩm của họ với mục đích phổ biến rộng rãi đến người công chúng.
Tuy nhiên các cá nhân hoặc tổ chức này lại lạm dụng những giấy tờ đã ký với tác giả vì mục đích phổ biến tác phẩm để phục vụ triệt để cho việc kinh doanh của họ. Cụ thể, sai phạm ở đây là khai thác, thu tiền trên nền tảng Youtube và lấy trọn phần doanh thu này, đồng thời vô hiệu hóa quyền của chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, khiến tác giả vô cùng thiệt thòi.
Cùng với những hành vi vi phạm bản quyền ở lĩnh vực âm nhạc, gần đây, những vụ "đạo văn" tiếp tục được phanh phui. Khi mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam đã có thông báo thu hồi quyết định kết nạp hội viên đối với bà Dương Thiên Lý (Bình Phước). Nguyên nhân của việc thu hồi này là trong nhiều năm liền bà Dương Thiên Lý đã có 8 lần đạo thơ của các tác giả khác để đăng trên một số báo. Đến nỗi, Chi hội Văn học – Hội VHNT Bình Phước đã tổ chức họp và bỏ phiếu kín đề nghị các hình thức kỷ luật. Kết quả có 16/28 phiếu đề nghị hình thức khai trừ khỏi Hội.
Rồi tình trạng chép tranh, tranh giả, tranh nhái, thậm chí là "đạo tranh" đang là vấn đề nhức nhối nhất trong giới mỹ thuật. Dù vậy, đến nay, gần như các vụ việc vẫn chỉ ở mức "kêu cứu" chứ chưa có một vụ việc được xử lý "ra ngô ra khoai".
Các cơ quan chức năng vẫn thiếu sự giám sát cũng như chưa có các chế tài mạnh mẽ để xử lý nghiêm những vụ vi phạm này. Còn trong lĩnh vực điện ảnh, chỉ riêng việc sao chép, in đĩa lậu, đang trở thành vấn nạn khiến nhiều nhà sản xuất đau đầu, lo lắng.
Điều đáng nói các vụ việc này hầu hết là đều do dư luận xã hội hoặc những người trong cuộc phát giác. Còn với các cơ quan quản lý dường như chỉ khi mọi việc đã an bài, nhận được các khiếu nại mới biết để tiến hành các quy trình xử lý.
...Cần có thói quen khởi kiện
Cho dù Việt Nam đã tham gia các công ước của quốc tế, thậm chí "bắt tay" với các mạng xã hội, kênh truyền thông lớn như Facebook, Youtube… nhưng việc ngăn chặn vi phạm bản quyền đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Ở đó, nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan.
Đơn cử như ở lĩnh vực âm nhạc, hiện nay nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ ngoài công việc sáng tác vẫn chưa biết cách hoặc trao nhầm niềm tin trong việc bảo vệ tác phẩm của mình. Chính "lỗ hổng" này mà nạn xâm phạm quyền tác giả âm nhạc đã diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những "chiêu trò" khó lường.
Nổi cộm cùng với vi phạm trên nền tảng công nghệ số còn là muôn hình vạn trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn. Hầu hết các đơn vị đều tìm cách né tránh, không thực hiện quy định xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, dẫn đến việc quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả bị xâm phạm, thiệt hại và không được tôn trọng, gây nên nhiều bức xúc trong dư luận.
Theo Luật sư Phan Vũ Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM trên Báo Thanh niên, các vụ tranh chấp liên quan đến quyền tác giả nói chung và quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc nói riêng đang ngày càng phổ biến hơn. Ông Tuấn nói: "Hiện nay các cá nhân, tổ chức đã có ý thức hơn về việc bảo vệ quyền tác giả của mình và tôn trọng quyền tác giả của người khác. Tôi không cho rằng việc khởi kiện các đơn vị vi phạm có quy mô lớn, không có trụ sở tại Việt Nam để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình là "con kiến kiện củ khoai", bởi các cá nhân, tổ chức đều bình đẳng với nhau trước pháp luật".
Luật sư Phan Vũ Tuấn cũng thông tin trên tờ Thanh niên: "Thông qua các hiệp định tương trợ tư pháp mà nước ta ký kết với các nước thì bản án, quyết định của tòa án Việt Nam vẫn có thể được công nhận và cho thi hành tại các quốc gia khác trên thế giới. Do đó, việc khởi kiện tại các cơ quan tài phán là một trong những cách thức tối ưu để các đương sự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình".
Còn theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung việc lựa chọn một đơn vị để bảo vệ bản quyền cho tác giả là vô cùng quan trọng. "Với cá nhân tôi, niềm tin đối với Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã có từ rất lâu. Bởi VCPMC đã đòi lại công bằng cho tôi khi tác phẩm "Vầng trăng khóc" lại xuất hiện rất nhiều phiên bản của Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia… Với vụ việc này, VCPMC đã hỗ trợ các giấy tờ, thủ tục pháp lý để chứng minh nguồn gốc tác phẩm, trả lại quyền tác giả cho tôi"- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết.
Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, mỗi tác giả đều có lựa chọn của riêng mình quy quyết định chọn đơn vị bảo vệ quyền tài sản vì đó là những đứa con tinh thần của họ./.