• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần đổi mới cách dạy và học chứ không nên để Lịch sử là môn học tự chọn

Thời sự 11/05/2022 21:00

(Tổ Quốc) - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng cần đổi mới cách dạy và học để nâng cao chất lượng, chứ không nên để môn Lịch sử là môn học tự chọn.

Chiều 11/5, phiên họp thứ 11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc với nội dung tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cử tri và nhân dân bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động hiệu quả của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận... chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực, với quyết tâm chính trị cao về xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội...

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc kịp thời ban hành các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạo hành lang pháp lý, phối hợp chặt chẽ cùng với Chính phủ, Thủ tướng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Kịp thời tháo gỡ các "nút thắt", "điểm nghẽn" để thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.

Cần đổi mới cách dạy và học chứ không nên để Lịch sử là môn học tự chọn - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến - Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân trăn trở và lo lắng về những khó khăn, thách thức nhiều mặt do dịch COVID-19 gây ra. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm. Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.

Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự bất bình, lên án mạnh mẽ, phẫn nộ đối với những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên, làm giảm lòng tin của nhân dân.

Cử tri và nhân dân mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, bị can bỏ trốn. Công khai, minh bạch kết quả điều tra, xét xử để nhân dân giám sát.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về hoạt động của thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, thị trường bất động sản… còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai đã tồn tại nhiều năm, lãng phí tài nguyên đất đai, khoáng sản.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nêu rõ dư luận xã hội còn băn khoăn, có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường. 

Thực tế, có một số nước phát triển, nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã đưa trở lại hoặc vẫn duy trì môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn lịch sử ở bậc Trung học phổ thông là môn học tự chọn.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng cần đổi mới cách dạy và học để nâng cao chất lượng, chứ không nên để môn Lịch sử là môn học tự chọn.

Nêu ý kiến trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, đối với vấn đề môn Lịch sử là môn lựa chọn ở cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, qua tham khảo các chuyên gia cho rằng cần thiết xem xét Lịch sử trở thành môn học đặc thù, trở thành môn học tự chọn bắt buộc trong chương trình. 

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ