• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần hoàn thiện pháp luật để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Thời sự 31/05/2023 19:24

(Tổ Quốc) - Ngày 31/5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Vấn đề cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm làm "nóng" nghị trường khi được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập.

Cần bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Cùng quan điểm với nhiều đại biểu Quốc hội, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) nhất trí rằng đang có một nhóm cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm. Đại biểu Trần Hữu Hậu đưa ra những phân tích sâu về nguyên nhân dẫn tới tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm như thế.

Cần sửa luật để cán bộ không cần dám nghĩ, dám làm   - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu cho rằng, nếu trong thực thi công vụ, để làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình mà có các quy định, hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì chắc chắn rằng phần đông công chức, viên chức sẽ chỉ cần nỗ lực, sáng tạo, tìm ra cách làm hiệu quả hơn, không có gì phải sợ.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trong không ít việc, nếu quyết định thực hiện để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, để đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì phải vi phạm các quy định hiện hành, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, những người thấy làm sai quy đinh, sai luật, dù vì lợi ích chung mà không biết sợ thì có lẽ là “điếc không sợ súng” hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật. 

Từ đó, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm có vẻ bất khả thi, bởi trong nhiều trường hợp như vậy là bảo vệ việc làm sai quy định, trái pháp luật. Khi ấy lại cần có việc bảo vệ người bảo vệ người dám nghĩ dám làm. Cứ theo bậc thang thì có thể phải lên đến Quốc hội, vì cái vướng mắc làm cho họ không dám nghĩ, dám làm nằm trong sự chưa phù hợp, sự mâu thuẫn của các luật hiện hành. 

Cũng theo đại biểu Trần Hữu Hậu, nhìn lại việc xây dựng, ban hành chính nghị định về khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm dường như cũng gần như vậy. Về vấn đề này, Bộ Chính trị đã có Kết luận 14, Hội nghị Trung ương 6 đã có Nghị quyết 28, Quốc hội đã giao nhiệm vụ trong Nghị quyết 75 năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 2 năm 2023 và Công điện 280 đã giao Bộ Nội vụ khẩn trương thực hiện dự thảo nghị định báo cáo Chính phủ trong tháng 6.

“Việc định hướng và chỉ đạo là rất rõ ràng. Nhưng sau 3 lần chỉnh sửa dự thảo và lấy ý kiến, Bộ Nội vụ thấy vướng rất nhiều quy định của pháp luật nên đang tham mưu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có nghị quyết thí điểm khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Sau đó, Chính phủ mới ban hành nghị định”, đại biểu Trần Hữu Hậu nói.

Cái đúng đi với cái đúng không thể dẫn tới sự trì trệ

Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, cần làm sao để cán bộ, công chức, viên chức các cấp không phải dám nghĩ, dám làm, không cần cấp trên phải khuyến khích, bảo vệ. 

Cần sửa luật để cán bộ không cần dám nghĩ, dám làm   - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp.

Cán bộ, công chức, viên chức các cấp cần tập trung công sức và trí tuệ để năng động, sáng tạo thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Muốn như vậy, khi phát hiện luật, quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ, nhưng đơn giản, ngắn gọn.

Đại biểu Trần Hữu Hậu cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã từng trả lời chất vấn với câu hỏi của chính đại biểu: “Luật là do chúng ta. Trong thực tiễn đang vướng, mà vướng là do chúng ta đặt ra. Vậy thì chúng ta phải sửa”.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh, để sửa những bất hợp lý do chính chúng ta đặt ra lại quá khó khăn. Có không ít những vấn đề khi đưa ra bàn, mỗi cán bộ, mỗi cơ quan liên quan đều có lý lẽ của mình và dường như đều đúng. 

Đáng tiếc là trong không ít trường hợp, khi hầu hết các cá nhân, đơn vị liên quan đều đúng, đều cố gắng thực hiện tốt nhất, đúng nhất theo chức năng, quyền hạn của mình thì có những việc nóng hổi của dân, của nước bị đóng băng.

"Chúng ta không thể chấp nhận những hiện tượng phi logic, ngược quy luật như vậy. Cái đúng đi với cái đúng phải mang đến sự thông thoáng, phải giúp đất nước phát triển, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân. Cái đúng đi với cái đúng không thể dẫn tới sự trì trệ, đến việc làm nghèo đất nước", đại biểu Trần Hữu Hậu nói.

Chúng ta đã đưa ra được giải pháp đúng là ban hành nghị quyết của Quốc hội nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, hay một luật sửa nhiều luật. Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị Quốc hội xem xét để có cách làm, trình tự, thủ tục phù hợp hơn nữa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. 

Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức bớt phải dám nghĩ, dám làm, tập trung sức lực, trí tuệ để năng động, sáng tạo làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình trong sự thông thoáng của các quy định của pháp luật./.

Khó tham mưu khi vừa phải đúng quy định của pháp luật vừa đúng chỉ đạo

Liên quan đến câu chuyện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm được nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) nêu rõ, vấn đề đặt ra là làm sao bắt cho đúng bệnh.

Dẫn chứng từ câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Tạ Văn Hạ chỉ rõ nhiều năm đặt ra vấn đề này nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Trong khi nếu như càng về các năm cuối khi các thủ tục đã hoàn thành thì càng dễ giải ngân, tỉ lệ giải ngân phải cao hơn như thực tế vẫn còn rất thấp.

Cùng với đó, Quốc hội đã rất tích cực đồng hành với Chính phủ tháo gỡ khó khăn về thể chế, bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, nhiều nghị quyết được ban hành nhằm tháo gỡ vướng mắc. Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Như vậy, trong cùng một hệ thống chính sách, thể chế nhiều địa phương giải ngân vẫn rất tốt, nhưng nhiều nơi vẫn chậm.

Đại biểu Tạ Văn Hạ chia sẻ, qua trao đổi với cơ sở cho thấy nhiều cán bộ trực tiếp làm việc gặp khó trong tham mưu vừa phải đúng quy định của pháp luật vừa đúng chỉ đạo. Điều này cũng gây khó trong xử lý trách nhiệm, cán bộ không chịu tham mưu cũng không xử lý được.

"Ở đây có trách nhiệm của người đứng đầu" - đại biểu nhấn mạnh và cho rằng phải quyết tâm, quyết liệt xử lý những người không làm được việc.

Thế Công - Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ