• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần "kích thích và lan tỏa" phong trào đọc sách trong giới trẻ

Văn hoá 20/04/2022 21:14

(Tổ Quốc) - Ngày 20/4, Thư viện tỉnh Quảng Bình đã tổ chức buổi Tọa đàm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022. Buổi tọa đàm nhận được nhiều ý kiến góp ý trong việc làm thế nào để kích thích, lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trong giai đoạn hiện nay của tỉnh Quảng Bình.

Cần "kích thích – lan tỏa" văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Thế Tường đưa ý kiến cần "Kích thích và lan tỏa" phong trào đọc sách trong giới trẻ hiện nay.

Hưởng ứng phong trào này, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực và hiệu quả hướng về cơ sở; phối hợp với các trường học tổ chức cho học sinh các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả văn hóa đọc. 

Ông Hà Quốc Phong, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Bình đánh giá, đây là một hoạt động thiết thực của Thư viện tỉnh Quảng Bình nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trao đổi, chia sẽ và thảo luận những những vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả văn hóa đọc góp phần xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn hiện nay.

Theo đánh giá của ông Phong, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực để xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đổi mới các hoạt động thư viện, lấy bạn đọc làm trung tâm hoạt động; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; xây dựng các tủ sách gia đình, dòng học, tủ sách làng văn hóa để phục vụ nhu cầu đọc sách trong nhân dân. Lồng ghép việc phát triển văn hóa đọc với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" nên đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Cần "kích thích – lan tỏa" văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 2.

Giới trẻ sẽ tìm kiếm được những thông tin hữu ích thông qua việc đọc sách

"Tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh những tổ chức, cá nhân có vai trò tích cực, đóng góp nhiều cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc của cộng đồng. Có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động xây dựng và phát triển văn háo đọc ở địa phương"...
Ông Hà Quốc Phong, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Bình

Tại cơ sở, hệ thống thư viện các cấp đã chủ động đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động thêm nguồn lực đầu tư, phát triển thư viện phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Phát huy vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa đọc, phục vụ người dân học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí và xây dựng xã hội học tập.

Thực tế cho thấy, hệ thống thư viện tại tỉnh Quảng Bình đã được chú trọng và quan tâm hơn cả về công tác cán bộ và bổ sung sách báo, tin học hóa thư viện. Hệ thống tủ sách pháp luật tại cơ sở được phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng; tính xã hội hóa ngày càng được chú trọng .

Nhà Văn Nguyễn Thế Tường, chi hội VHNT tỉnh Quảng Bình bày tỏ băn khoăn về thực trạng người đọc nhất là giới trẻ có xu hướng "lười đọc", đọc ít, đọc nhanh với tâm lý chung là ngại đọc các cuốn sách dày, sách in, sách về vấn đề lý luận...

"Để phát triển văn hóa đọc trong gia đoạn hiện nay cần "Kích thích và lan tỏa" việc đọc sách trong tầng lớp nhân dân đặc biệt là giới trẻ để từ đó đẩy mạnh phong trào đọc sách trong thời gian tới"… nhà văn Nguyễn Thế Tường nêu quan điểm.

Cần "kích thích – lan tỏa" văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 3.

Các sinh viên Đại học Quảng Bình tham gia Ngày hội đọc sách để tìm kiếm những thông tin hữu ích phục vụ việc học tập của mình.

Còn theo ông Hà Quốc Phong: Muốn phát triển văn hóa đọc cần phải gắn liền với việc hình thành chính sách, cơ chế hỗ trợ về các nguồn lực. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các thư viện để đáp ứng các điều kiện căn bản để từng bước đổi mới các hoạt động phục vụ bạn đọc.

Chuyển từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, khai thác tài nguyên và sản phẩm thông tin, tiện ích với các dịch vụ phong phú, sinh động, đáp ứng nhu cầu của mọi người dân trong nền kinh tế số, xã hội số. Phát triển nguồn vốn tri thức, xây dựng thư viện hiện đại, thư viện số góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng.

Đặc biệt ông Phong nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng của văn hóa đọc và việc phát triển văn hóa đọc trong đời sống xã hội. Xây dựng kỹ năng thông tin cho người sử dụng gắn với việc chuyển đổi số; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho phát triển văn hóa đọc...

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc", nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; nâng cao nhận thức người đọc về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là ngày tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc. Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của chức các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ