(Tổ Quốc) - Hiện nay, tình trạng nhắn tin, gọi điện đe đọa, đòi nợ đã quấy rối nhiều chủ thuê bao điện thoại trong khi họ không hề liên quan, khiến nhiều người lo lắng, bất bình. Mọi người có thể làm theo các bước dưới đây để giải quyết tình trạng này.
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (viết tắt là VNCERT/CC) khuyến nghị người dân ngay khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn đe dọa đòi nợ làm phiền dù không liên quan, người dân nên thực hiện ngay một số các biện pháp sau để hạn chế tình trạng làm phiền:
– Bước 1: Kiểm tra thông tin cá nhân của thuê bao đang sử dụng, đảm bảo thuê bao sử dụng được đăng ký chính chủ.
– Bước 2: Liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng hoặc cơ quan tín dụng để khiếu nại, yêu cầu hỗ trợ.
– Bước 3: Trong trường hợp vẫn bị đe dọa, người bị quấy rối nên thực hiện ngay việc khai báo với cơ quan Công an địa phương để xử lý đối tượng vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, người dân có thể liên hệ với Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước để đề nghị xem xét xử lý những dấu hiệu vi phạm liên quan đến công tác đôn đốc, thu hồi nợ.
Nên kiểm tra các thông tin nào nếu bị quấy rối đòi nợ liên tục?
Mọi người cần kiểm tra thông tin tài khoản cùng các khoản vay của bản thân vì có thể kẻ xấu có thể đã lấy được thông tin cá nhân của chủ thẻ và thực hiện các hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản, trong đó phổ biến là hành vi vay tiền qua các app với thủ tục vay đơn giản.
Bên cạnh đó, mọi người cũng cần kiểm tra thông tin số điện thoại trả sau và thông tin thuế. Để kiểm tra xem số CMND/CCCD đã đăng ký bao nhiêu sim chính chủ, chủ thẻ soạn tin nhắn theo cú pháp TTTB gửi 1414. Trường hợp phát hiện một số điện thoại khác mà không phải do mình đăng ký cần nhanh chóng liên hệ đến nhà mạng để phản ánh kịp thời.
Còn để kiểm tra thông tin thuế khi nghi ngờ bị lợi dụng lấy số CNMD/CCCD để đăng ký mã số thuế ảo, có thể truy cập vào địa chỉ https://canhan.gdt.gov.vn/, sau đó nhập thông tin để kiểm tra.
Nhắn tin đe dọa đòi nợ sẽ bị xử lý ra sao?
Khoản 1a điều 156 Bộ luật Hình sự có quy định về về tội vu khống, người nào thực hiện hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác,.
Theo đó, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự có quy định về tội đe dọa giết người, người nào đe dọa giết người. Nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì người thực hiện bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Luật pháp Việt Nam không cho phép dùng cách thức khủng bố, đe dọa để đòi nợ. Nhưng hiện nay, hàng loạt những vụ việc liên quan đến quấy rối, đe dọa bằng hình thức nhắn tin, gọi điện vẫn xảy ra thường xuyên.
Có thể tố cáo đến công an nơi cư trú về việc bị làm phiền
Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài thậm chí đến mức bị khủng bố điện thoại, nạn nhân có thể trình báo cơ quan công an nơi cư trú về việc bị làm phiền, khủng bố điện thoại đòi nợ dù không vay tiền. Nạn nhân bị các tổ chức tín dụng, app vay tiền khủng bố điện thoại dù không vay tiền cần chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ sau đây:
- Đơn tố cáo. Trong đơn cần nêu rõ các thông tin: Ngày tháng năm tố cáo; họ tên và địa chỉ cũng như cách thức liên hệ của người tố cáo; nội dung tố cáo (hành vi khủng bố điện thoại của các app cho vay tiền...).
- Các giấy tờ, chứng cứ chứng minh việc bản thân không vay tiền và bị làm phiền, khủng bố điện thoại: Ghi âm cuộc gọi, tin nhắn đe doạ, thông tin về các app cho vay tiền kèm các số điện thoại gọi điện khủng bố... Khi thấy có dấu hiệu tội phạm, cơ quan công an có thẩm quyền sẽ tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm minh.