(Tổ Quốc)- Hơn một thập kỷ qua, trong giới sử học và dư luận xã hội xuất hiện các tranh cãi về việc có hay không nhân vật Trần Hoằng Nghị (còn gọi là Hoằng Nghị đại vương) trong lịch sử Việt Nam? Trần Hoằng Nghị có phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ hay không?
Sáng 26/8, tại Hà Nội, Hội đồng dòng họ Trần Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm khoa học về nhân vật Trần Hoằng Nghị nhằm góp tiếng nói làm rõ hơn về sự mập mờ của nhân vật này trong lịch sử.
Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử
Từ căn nguyên ấy, các nhà khoa học và con cháu hậu duệ họ Trần đã tập trung phân tích nhiều căn cứ và kết luận khoa học về nơi phát tích họ Trần, sự phát triển của dòng họ, làm sáng tỏ các vấn đề xung quanh nhân vật này.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã ghi chép, triều đại nhà Trần được đánh giá là một trong những triều đại hiển hách với 3 lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông trong thế kỷ XIII, bảo vệ vững chắc giang sơn, bờ cõi. Hiện nay, nơi phát tích nhà Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Thái Bình) có lăng mộ các vua, hoàng hậu và các danh nhân nhà Trần đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, ghi nhận công lao và những đóng góp to lớn của một triều đại đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành nơi hội tụ của con cháu hậu duệ họ Trần và du khách thập phương hàng năm về đây dâng hương, lễ tổ.
Hơn 800 năm qua, lịch sử vương triều Trần cũng đã được nhiều sử gia của các triều đại nghiên cứu, khai thác tương đối đầy đủ, thể hiện qua các tư liệu khảo cổ học, văn bia, sắc phong, thần tích, thần sắc, thần phả… Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định, trong số danh nhân nhà Trần, có những trường hợp như Thái sư Trần Thủ Độ cho đến nay, cũng chỉ đề cập về sự nghiệp, các bộ sử xưa cũng như các công trình nghiên cứu trong mấy thập niên gần đây chưa giới thiệu đầy đủ nguồn gốc, thân thế, thân phụ, thân mẫu của Trần Thủ Độ, đã tạo ra những khoảng trống về lịch sử.
GS.TSKH Vũ Minh Giang phát biểu tại Tọa đàm
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, có thể hình dung rằng, trong quá trình nghiên cứu về các nhân vật lịch sử thì tư liệu thành văn (thư tịch cổ, sử sách, văn bia, thần tích, thần sắc, thần phả, câu đối…) rất quan trọng và cần thiết. Qua lăng kính của các nhà nghiên cứu để khám phá, sáng tạo, đưa ra kết luận một cách trung thực, khách quan, khoa học, không tô hồng hay bóp méo sự thật. “Lịch sử là chân lý, gắn liền với hoàn cảnh thực tiễn vốn có, không thể đưa ra kết luận một cách đúng đắn, khoa học, nếu chỉ dựa vào tư liệu khảo sát điền dã, kể cả các tài liệu thứ cấp xuất bản những năm gần đây. Cũng cần phải có phương pháp xử lý khoa học khi xuất hiện ý kiến khác nhau về một sự kiện hoặc nhân vật lịch sử”- GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết.
Trước các nghi vấn: Nhân vật Trần Hoằng Nghị có liên quan đến vương triều Trần hay không; nhân vật này có phải là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ như một số người đã nói trên các phương tiện truyền thông thời gian qua hay không, GS Sử học Lê Văn Lan khẳng định, nhân vật Trần Hoằng Nghị không phải là nhân vật có thật trong lịch sử và càng không liên quan đến Thái sư Trần Thủ Độ.
Ông Đặng Hùng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: “Thực tế, không hề có nhân vật Trần Hoằng Nghị tồn tại cuối thời Lý, đầu thời Trần và càng không phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ, vì Trần Hoằng Nghị chỉ do một số nhà nghiên cứu dựng lên từ sự hư cấu Trang Nghị đại vương (thần Sấm được thờ ở làng Xuân La, xã Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình), dựa theo tư liệu điền dã và truyền khẩu, chưa được kiểm chứng bằng các văn bản khoa học”./.