• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần "lên tiếng" trước các hành vi bạo lực gia đình

Văn hoá 16/08/2023 21:08

(Tổ Quốc) - Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình nhưng thực tế là vấn nạn bạo lực gia đình vẫn diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp, không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tâm lý cho nạn nhân là thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng đến các quyền của con người.

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, trong các vụ bạo lực gia đình thì phụ nữ và trẻ em vẫn luôn là các đối tượng chiếm phần lớn các vụ bạo hành. Mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi năm 2022, có hiệu lực từ 01/7/2023) đã bổ sung những quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong việc ngăn ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình như: thông tin, truyền thông, giáo dục, tư vấn hòa giải, các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình, quy định về báo tin, tố giác và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, các biện pháp để ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình… Tuy nhiên, để Luật mới có thể triển khai và đi vào đời sống xã hội, tới từng gia đình thì cần phải có một cơ chế phù hợp để đảm bảo thực hiện.

Cần "lên tiếng" trước các hành vi bạo lực gia đình - Ảnh 1.

ảnh minh họa

Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, các hành vi bạo lực gia đình có thể chia thành 4 nhóm gồm: hành vi bạo lực về thể chất, hành vi bạo lực về tinh thần, hành vi bạo lực tình dục, hành vi bạo lực về kinh tế. Trong 4 nhóm này, theo thống kê thì, nhóm hành vi bạo lực về thể xác chiếm số đông các vụ việc bạo lực so với các nhóm bạo lực về tinh thần, về tình dục, về kinh tế; về tỉ lệ, số vụ bạo lực thể xác chiếm trên 50%, còn lại là các vụ bạo lực ở 3 nhóm còn lại. Tuy vậy nhìn chung, các vụ bạo lực đều để lại hậu quả nặng nề.

Tại Việt Nam, trong thực tế, các đối tượng bị bạo lực gia đình tương đối rộng, họ không chỉ là phụ nữ ở nông thôn, vùng núi hay ở thành thị hoặc trình độ cao/thấp, điều kiện kinh tế… mà trẻ em cũng là đối tượng phải gánh chịu hậu quả của bạo lực gia đình. Chẳng hạn như, con cái học tập không đạt được kỳ vọng của bố mẹ, con cái không vâng lời bố mẹ, con bị kỳ thị, phân biệt giới tính do tư tưởng "trọng nam khinh nữ"… đây chính là các đối tượng của nhóm bạo lực về tinh thần. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, nhiều câu chuyện có thể đăng tải lên mạng xã hội để mọi người cùng lên án các hành vi bạo lực gia đình, tuy nhiên, tính chất nghiêm trọng của nhiều vụ việc đã tăng lên.

Theo các chuyên gia lĩnh vực gia đình, hiện nay, để ngăn chặn các hành vi này, Việt Nam đã xây dựng 1 hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, cụ thể, rõ ràng. Các chuyên gia cũng đưa ra các giải pháp, trước mắt là tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện từ sớm, từ xa, tại cơ sở để có cách hòa giải, hóa giải mâu thuẫn ngay khi bắt đầu. Khi đã xảy ra bạo lực gia đình thì cần có các phương pháp hỗ trợ kịp thời, phương pháp ngăn chặn để giúp cho những người bị bạo lực gia đình được bảo vệ nhanh chóng. Đồng thời, kết hợp với các biện pháp khác để giúp người gây ra bạo lực có thể chuyển biến trong việc nhận thức về hành vi gây ra bạo lực cũng như hậu quả của việc mình làm.

Ngoài ra, các mô hình tại cộng đồng cần được nâng cao hiệu quả, thường xuyên hoạt động để giúp các đối tượng trong các gia đình bị bạo lực, các đối tượng bị bạo lực gia đình như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… trong gia đình. Hỗ trợ cho bất kể nạn nhân nào, khi có nhu cầu tìm đến có được chỗ dựa tin tưởng, an toàn, đáp ứng yêu cầu của mọi người.

Trên thực tế, người dân- thành viên trong gia đình, cũng cần phải tự trang bị kiến thức về các vấn đề bạo lực gia đình, cách ứng xử khi rơi vào các tình huống bị bạo hành, kiến thức về pháp luật trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình của Việt Nam. Chẳng hạn, cần nắm được các số hotline, đường dây nóng, hỗ trợ cho chị em phụ nữ, trẻ em để được tư vấn, hỗ trợ, trẻ em có thể gọi điện thoại tới Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để trao đổi tư vấn… Các phòng công tác xã hội của một số bệnh viện như Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đức Giang… là nơi các nạn nhân có thể tìm đến.

Hoặc, tham gia các câu lạc bộ, các hội/nhóm để nắm bắt được về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ, về vai trò của phụ nữ, trẻ em trong việc bảo vệ, phòng, chống bạo lực gia đình. Các tổ chức này ngoài việc nắm bắt thực trạng các vấn đề về gia đình trên địa bàn còn là nơi để các chị em phụ nữ, để trẻ em được nói lên tiếng nói của mình; tham gia CLB Pháp luật, các bà các mẹ, chị em phụ nữ sẽ nắm được quyền lợi của mình được hưởng, những gì cần tránh, làm sao để được bình đẳng trong gia đình.

Cũng theo các chuyên gia, về lâu dài, chính quyền, cơ quan chức năng, đoàn thể… tại các địa phương cần tuyên truyền rộng rãi Luật Phòng chống bạo lực gia đình mới, tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật, dưới luật… về tác hại, hậu quả của bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình của việc chuyển biến trong các hành vi cũng như nhấn mạnh tới các chế tài xử lý làm sao xử lý thật nghiêm các đối tượng gây ra bạo lực gia đình.

Để có hiệu quả tốt nhất trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, rất cần phối hợp các cấp các ngành, để cùng phòng chống bạo lực gia đình, không coi đó là việc của riêng ai mà đó là việc chung của cả hệ thống. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể… cũng như của từng thành viên trong các gia đình, cộng đồng dân cư ở các địa phương, thời gian tới hy vọng có thể giảm bớt vấn nạn bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội giàu mạnh.

Phương Anh


* Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ