(Tổ Quốc) - "Những người làm văn hóa, di sản mong muốn Nghị quyết 33-NQ/TW phải thực sự đi vào cuộc sống, Văn hóa phải thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội để có sự nhìn nhận và đầu tư xứng đáng, bởi đây chính là một nguồn lực to lớn để phát triển đất nước một cách hài hòa, bền vững", TS. Phan Thanh Hải, GĐ Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nguyên GĐ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chia sẻ ý kiến trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 11/2021.
Đầu tư cho di sản văn hóa còn quá hạn chế, chưa tương xứng với vị thế, vai trò
Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/06/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng trong mục đầu tiên của phần "Quan điểm" đã khẳng định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".
Trong những năm qua, văn hóa nói chung và các di sản văn hóa nói riêng đã được quan tâm nhiều hơn, nhiều di sản đã được công nhận, vinh danh ở các cấp độ khác nhau, nhiều di tích đã được quan tâm tu bổ, phát huy giá trị. Tuy nhiên, nhìn chung sự quan tâm đầu tư cho di sản văn hóa vẫn còn rất hạn chế, chưa tương xứng với vai trò, vị thế vốn có, đúng như tinh thần của Nghị quyết 33-NQ/TW. Dẫn liệu từ một địa phương có kho tàng di sản đồ sộ là cố đô Huế sẽ thấy rõ điều này.
Ngày 30/10/2018, tại diễn đại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn đại biểu thành phố Hà Nội) trong bài phát biểu của mình về bảo tồn di sản văn hóa Huế đã đưa ra một ví von rất "thú vị": Trong 25 năm (1993-2018), tổng mức đầu tư ngân sách để bảo tồn toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế - Khu di tích có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay, Di tích cấp quốc gia đặc biệt, di sản thế giới chỉ đạt 1600 tỷ (trong đó ngân sách trung ương chiếm 40%, ngân sách địa phương 60%), tính ra chưa bằng đầu tư cho 1km đường sắt trên cao, hoặc chỉ tương đương mức đầu tư cho 1,5km đường bộ cao tốc hiện nay!
Tuy nhiên, con số 1.600 tỷ dành cho công tác bảo tồn Quần thể di tích cố đô đó đã là rất lớn, là con số đáng mơ ước đối với 123 di tích còn lại (chưa kể hàng trăm di tích khác đã được kiểm kê) của Thừa Thiên Huế, bởi hàng năm, ngoài nguồn vốn hỗ trợ chống xuống cấp di tích khoảng 1,5-2 tỷ, hầu như không còn sự đầu tư nào khác. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các tỉnh thành khác ở nước ta hiện nay.
Việt Nam được xem là một cường quốc về di sản văn hóa ở Đông Nam Á bởi có đến 8 di sản vật thể, 13 di sản phi vật thể, 7 di sản tư liệu được UNESCO công nhận, 119 di tích cấp quốc gia đặc biệt, hơn 3.500 di tích cấp quốc gia và hàng chục nghìn di tích cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, nguồn ngân sách đầu tư để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vẫn còn rất hạn chế. Năm 2015, Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa với nguồn đầu tư hàng năm khoảng 300 tỷ đồng chấm dứt. Từ đó đến hết năm 2020 vẫn chưa có chương trình nào thay thế, công tác bảo tồn di sản vốn đã khó, lại càng khó khăn hơn!
Thiếu nguồn lực đầu tư đã dẫn đến tình trạng rất nhiều di tích bị xuống cấp trầm trọng, rất nhiều công trình kiến trúc truyền thống chưa được xếp hạng đã bị biến mất rất nhanh bởi cơn lốc đô thị hóa. Một ví dụ tiêu biểu là hệ thống kiến trúc nhà vườn, nhà rường truyền thống của cố đô Huế. Trong các năm 1997-1998, một số cơ quan của Huế đã phối hợp với trường đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) điều tra, lập hồ sơ cho hơn 700 ngôi nhà rường của Thừa Thiên Huế, nhưng đến nay, chỉ sau hơn 20 năm, những công trình kiến trúc tuyệt đẹp và rất có giá trị này chỉ còn chưa đến 30%!
Mong muốn gì và cần làm gì để thay đổi điều này?
Những người làm văn hóa, di sản mong muốn Nghị quyết 33-NQ/TW phải thực sự đi vào cuộc sống, Văn hóa phải thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội để có sự nhìn nhận và đầu tư xứng đáng, bởi đây chính là một nguồn lực to lớn để phát triển đất nước một cách hài hòa, bền vững.
Để thay thế cho Chương trình mục tiêu quốc gia trước đây, ngày 15/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1230/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu: "Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước". Đây là một quyết định hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, là cơ sở quan trọng để bảo tồn, phát huy các di tích, công trình trọng yếu của quốc gia.
Tuy nhiên, đối với rất nhiều di tích, công trình có quy mô nhỏ nhưng lại chiếm đa số trong phạm vi cả nước, chúng ta vẫn chưa xác định rõ nguồn lực đầu tư để trùng tu, tôn tạo và khai thác, phát huy giá trị. Đây là điều rất đáng lo, đáng bàn để tìm ra giải pháp khắc phục.
Theo ý kiến cá nhân tôi, trong giai đoạn 2021-2025, nhà nước cần có thêm nguồn đầu tư khác để bổ sung cho việc trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị các hệ thống di tích, công trình có quy mô nhỏ, đồng thời yêu cầu các địa phương cần quan tâm đầu tư cho công tác kiểm kê, lập hồ sơ và số hóa một cách toàn diện các di sản văn hóa tại địa phương mình gắn liền với chương trình số hóa di sản văn hóa của quốc gia. Và để có thêm nguồn lực đầu tư cho công tác này thì cần cải cách, điều chỉnh một số chính sách để đẩy mạnh hợp tác công tư, đẩy mạnh việc xã hội hóa nguồn lực bảo tồn di sản.
Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, công tác xã hội hóa nguồn lực để bảo tồn, tu bổ các di tích tại một số địa phương có cơ chế thoáng, mở đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận. Chẳng hạn, từ năm 2013-2018, tỉnh Nghệ An đã huy động được hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa cho trùng tu tôn tạo di tích; hay tỉnh Ninh Bình đã huy động được nguồn lực rất lớn để bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị một cách có hiệu quả quần thể Di sản Văn hóa- Thiên nhiên thế giới Tràng An- Ninh Bình....
Di sản văn hóa không chỉ là sự hiển hiện, là cầu nối của quá khứ đến hiện tại và tương lai mà còn thực sự là một nguồn lực to lớn để phát triển đất nước một cách hài hòa, bền vững. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và phát triển kinh tế số hiện này, "nguồn lực" này càng xứng đáng được quan tâm để đầu tư và khai thác một cách có hiệu quả./.