• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần quy định rõ những điều cấm về hành vi xâm phạm an ninh quốc gia trên mạng

Thời sự 29/05/2018 18:08

(Tổ Quốc) -Phiên họp sáng 29/5 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng.

Cần quy định rõ những điều cấm về hành vi xâm phạm an ninh quốc gia trên mạng

Thảo luận về nội dung này, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Bến Tre nhấn mạnh việc ủng hộ bảo vệ an ninh quốc gia, tuy nhiên cần quy định rõ những điều cấm về hành vi xâm phạm an ninh quốc gia trên mạng.

“Đây là vấn đề quan trọng nhất bởi vì nó sẽ cảnh báo cho các chủ thể biết rằng đấy là những vấn đề ở quốc gia Việt Nam không chấp nhận và nếu xâm phạm vào thì lập tức có vấn đề thứ hai là các biện pháp xử lý, cao nhất là xử lý về mặt hình sự”- Đại biểu Nhưỡng nêu.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu này cũng đề nghị phải cân nhắc hai vấn đề: luật ra đời phải bảo vệ được an ninh chủ quyền quốc gia, bảo vệ sự an toàn của chính thể, của Tổ quốc, đất nước và trong đó có các quyền cơ bản của công dân, quyền của doanh nghiệp, quyền của các chủ thể trong xã hội. Hai là phải bảo vệ được các quyền cơ bản của công dân, sự tự do của công dân, doanh nghiệp mà Hiến pháp đã quy định.

Khi nào các thông tin trên mạng được coi là vi phạm?

Còn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Nguyễn Lân Hiếu thì băn khoăn với Điều 15 của dự thảo Luật.

Mặc dù liệt kê đủ những thông tin xấu cần ngăn chặn, gỡ bỏ, tuy nhiên theo Đại biểu Hiếu, trong cuộc sống hàng ngày khó có thể khẳng định đúng, sai, nhiều khi ranh giới rất mong manh. Vậy ai là người quy định, đánh giá nội dung các thông tin được coi là vi phạm? Một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an? Đại biểu này cho hay, kinh nghiệm của Indonexia trong Điều 15a luật sửa đổi năm 2017 đã quy định rất rõ ràng là "người đưa ra phán xét thông tin xấu là Tòa án".

Một vấn đề nữa, theo Đại biểu Hiếu, Điều 26 cần viết rõ ràng hơn, vì nếu viết chung chung là "khi có văn bản của lực lượng bảo vệ an ninh mạng thì các nhà cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải cung cấp tất cả các thông tin khách hàng của mình".

“Như vậy, tôi nghĩ có một nguy cơ lớn có thể bị lạm dụng, xâm phạm quyền tự do cá nhân mà Hiến pháp đã quy định. Cần quy định rõ ràng về văn bản của cấp nào, trong hoàn cảnh nào thì cơ sở cung cấp dịch vụ không gian mạng phải cung cấp toàn bộ thông tin”- Đại biểu Hiếu nói.

Không ngại vấn đề Google, Facebook đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam

Về vấn đề văn phòng đại diện, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức, đoàn TP Hồ Chí Minh cho hay, Google hay Facebook đều là những doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động cung cấp các dịch vụ trên không gian mạng nên họ đều có nghĩa vụ phải đóng thuế cho nước Mỹ nên trong vấn đề này, chúng ta đã quy định trong Luật Thương mại năm 2005, đặc biệt mới nhất là Luật Ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trực tiếp là Nghị định số 28/2018.

Theo đó, Nghị định đã quy định chi tiết về vấn đề phải đặt văn phòng đại diện, đó là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì đương nhiên họ phải đặt dịch vu theo luật điều chỉnh này. Hiện nay Facebook đã có 80 văn phòng đại diện ở các quốc gia trên thế giới và 70 văn phòng đại diện ở các khu vực trên thế giới, rõ ràng chúng ta thấy không có gì ngại trong vấn đề này./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ