(Tổ Quốc) - Ngày 11/10, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo tham vấn góp ý dự thảo báo cáo nghiên cứu "Thực trạng tiếp cận các xuất bản của người khuyết tật chữ in tại Việt Nam" do Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức.
Nhiều nỗ lực dành cho người khuyết tật chữ in
Hội thảo được tổ chức nhằm khảo sát nhu cầu, đánh giá thực trạng và rào cản tiếp cận các xuất bản phẩm của người khuyết tật chữ in; đánh giá ảnh hưởng của những hạn chế tiếp cận xuất bản phẩm đến cơ hội giáo dục, việc làm và hòa nhập xã hội của người khuyết tật chữ in; phân tích một số bài học kinh nghiệm quốc tế đảm bảo quyền tiếp cận xuất bản phẩm cho người khuyết tật chữ in có thể áp dụng tại Việt Nam và đề xuất giải pháp nâng cao cơ hội tiếp cận các xuất bản phẩm cho người khuyết tật chữ in.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Phạm Thị Kim Oanh cho biết: Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiều nhiệm vụ cụ thể, thiết thực để giảm thiểu tối đa những thiệt thòi và nâng cao đời sống vật chất, tình thần cho người khuyết tật. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và đề xuất việc gia nhập Hiệp ước về tạo điều kiện cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước Marrakesh).
"Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ đã tham mưu, đề xuất bổ sung Điều 25a về ngoại lệ quyền tác giả dành cho người khuyết tật vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022. Kể từ ngày 01/01/2023, Luật đã chính thức có hiệu lực thi hành. Hồ sơ đề xuất gia nhập Hiệp ước Marrakesh đã được Chính phủ chấp thuận, trình Chủ tịch nước xem xét phê duyệt. Hiệp ước đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 06/3/2023.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi về quyền tác giả, quyền liên quan. Ngày 26/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có điều 30 quy định ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan" – bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết thêm.
Đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Đỗ Lê Thu Ngọc chia sẻ: Có tới hơn 90% người khuyết tật chữ in sống tại các nước đang phát triển, nơi chỉ có dưới 1% số ấn phẩm được chuyển sang các định dạng dễ tiếp cận, như chữ nổi, chữ phóng to, hoặc audio 1. Tình trạng khan hiếm sách, còn gọi là "đói sách" đó, đã đi ngược lại tinh thần và nghĩa vụ quy định trong Công ước Quốc tế về Quyền của người khuyết tật (CRPD).
Chính vì thế để trao cơ hội tiếp cận xuất bản phẩm một cách công bằng cho người khuyết tật chữ in, Hiệp ước Marrakesh đã được các quốc gia thành viên của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thông qua vào ngày 27 tháng 6 năm 2013. Bằng cách quy định những ngoại lệ và giới hạn bản quyền giúp người khuyết tật chữ in và các tổ chức được ủy quyền chuyển đổi sang các định dạng dễ tiếp cận mà không cần xin phép tác giả và nhà xuất bản. Trong suốt 10 năm qua, Hiệp ước Marrakesh đã gỡ bỏ rào cản pháp lý, giúp cho hàng triệu người khuyết tật chữ in trên thế giới tiếp cận tri thức thuận lợi hơn. Việt Nam đã gia nhập Hiệp ước Marrakesh tháng 12/2022, và Hiệp ước đã chính thức có hiệu lực tại nước ta ngày 06/03/2023.
Vẫn còn khoảng trống chính sách
Chia sẻ tại hội thảo, TS Nguyễn Trung Hải, trường Đại học Lao động – Xã hội cho biết: "Còn nhiều khoảng trống chính sách trong hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận xuất bản phẩm. Hiện nay, nước ta chưa có chính sách khuyến khích áp dụng phương pháp xuất bản bao trùm, chính sách liên kết các nguồn cung xuất bản phẩm ở định dạng dễ tiếp cận, chính sách tạo ra chuỗi liên kết liên thư viện nhằm giảm lãng phí nguồn lực chuyển đổi, phân phối và trợ giúp người khuyết tật chữ in tiếp cận dễ hơn với các nguồn xuất bản phẩm ở định dạng phù hợp.
Bên cạnh đó, chưa có điều kiện cụ thể nào để tiếp cận đến việc hỗ trợ tài chính cho các Nhà xuất bản để tạo ra các bản sao xuất bản phẩm ở định dạng dễ tiếp cận với người khuyết tật chữ in. Bên cạnh đó, chưa có quy định pháp lý mang tính ràng buộc các nhà xuất bản có trách nhiệm dành ra một tỷ lệ nhất định các xuất bản phẩm ở định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật chữ in. Đồng thời, những thủ tục hành chính liên quan đến bản quyền tác giả cũng đang hạn chế các Nhà xuất bản".
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Đinh Việt Anh cho biết: "Mặc dù hiện nay đã có hệ thống sách chữ nổi, sách nói dành cho người khiếm thị nhưng chi phí sản xuất khá tốn kém. Chúng tôi rất thông cảm khi khâu chuyển đổi tất cả các nguồn tri thức sang định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật chữ in khó có thể thực hiện được vì nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là chúng ta không làm".
TS Nguyễn Trung Hải cho rằng: Chính phủ cần nghiên cứu đẩy mạnh cơ chế cấp quyền và thực hiện các hoạt động bảo trợ cho các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ nghe, đọc, xem các xuất bản phẩm với mục đích phi lợi nhuận dành cho người khuyết tật chữ in. Điều chỉnh luật doanh nghiệp nhằm khuyến khích mở rộng thị trường xuất bản phẩm dễ tiếp cận cho tất cả mọi người.
Cùng với đó, các tổ chức của và vì người khuyết tật trong nước và quốc tế cần tăng cường các hoạt động vận động, hỗ trợ chính phủ hoàn thiện các bước nội luật Hiệp ước Marrakesh. Các nhà cung cấp xuất bản phẩm cần vận động, thương thuyết bên sở hữu quyền tác giả đồng ý cung cấp với mục đích phi lợi nhuận một số lượng nhất định tác phẩm sở hữu dưới định dạng phù hợp với người khuyết tật chữ in. Và dành một tỷ lệ lãi suất nhất định cho mục đích chuyển đổi đa dạng nhiều xuất bản phẩm khác nhau.
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Phạm Thị Kim Oanh cho hay, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, sự đồng thuận của xã hội chính là mấu chốt trong việc triển khai các hoạt động thực hiện tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật chữ in dễ dàng tiếp cận với các xuất bản phẩm.
"Việc trở thành thành viên của Hiệp ước Marrakesh mới chỉ là thành công bước đầu, khâu triển khai thực hiện mới là quan trọng. Khi đẩy mạnh tuyên truyền, toàn xã hội sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật thông qua việc được đọc các tác phẩm văn học - nghệ thuật có những định dạng phù hợp. Thách thức được đặt ra ở đây là chưa có nhiều chủ thể sẵn sàng chia sẻ quyền lợi để thực hiện một số ngoại lệ mà Hiệp ước Marrakesh đề cập. Do đó, việc của chúng ta là đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội". – bà Phạm Thị Kim Oanh khẳng định.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ ý kiến về nội dung Điều 37(3) dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan: quy định xử phạt liên quan đến ngoại lệ bản quyền cho người khuyết tật. Qua đó, tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin, tri thức của người khuyết tật, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chung tay xây dựng tương lai hòa nhập, thực hiện có hiệu quả Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật, Hiệp ước Marrakesh và Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật có liên quan./.