• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần thêm biện pháp hữu hiệu để bảo hộ quyền tác giả trong âm nhạc điện ảnh

Văn hoá 25/11/2023 14:05

(Tổ Quốc) - Việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực điện ảnh hay âm nhạc được sử dụng trong phim vẫn đang còn nhiều vướng mắc, khó khăn và cần có các biện pháp hữu hiệu, khả thi để tác phẩm được bảo vệ đúng mức mà vẫn tạo điều kiện cho việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh.

Theo Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), khi nói đến âm nhạc được sử dụng trong phim, thường các nhà sản xuất phim sẽ nghĩ ngay đến việc thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả, hay nói một cách dễ hiểu là thực hiện nghĩa vụ “bản quyền” đối với âm nhạc trong phim. Điều này là hết sức quan trọng, bởi vì giống như các yếu tố khác góp phần trong việc tạo nên một bộ phim, âm nhạc cũng là kết quả của một quá trình sáng tạo - là yếu tố dễ dàng bị xâm phạm một cách vô tình hay cố ý. Chính vì vậy, khi sử dụng âm nhạc trong phim, các nhà làm phim và các chủ thể khác có liên quan trong lĩnh vực điện ảnh phải tuân thủ các quy định về bản quyền âm nhạc.

Cần thêm biện pháp hữu hiệu để bảo hộ quyền tác giả trong âm nhạc điện ảnh - Ảnh 1.

Khi tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim thì sẽ phát sinh các quyền tài sản thuộc quyền tác giả, tương ứng với nó là nghĩa vụ của người sử dụng, như sau: Quyền sao chép tác phẩm; Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm

Tại Việt Nam hiện nay, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) về quyền tác giả, quyền liên quan, khi tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim thì sẽ phát sinh các quyền tài sản thuộc quyền tác giả, tương ứng với nó là nghĩa vụ của người sử dụng, như sau: Quyền sao chép tác phẩm; Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm.

Tổng Giám đốc VCPMC cho biết, số tiền VCPMC thu được trong 03 năm gần đây (2020, 2021, 2022) từ hoạt động cấp phép sử dụng quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim như sau: Sao chép để sản xuất phim: Năm 2020 là 1.035.259.460 đồng; Năm 2021 là 193.000.000 đồng (nguồn thu giảm do ảnh hưởng của dịch Covid); Năm 2022 là 711.045.500 đồng.

Tuy nhiên, VCPMC không thu được tiền bản quyền trong trình chiếu nhạc trong phim (quyền biểu diễn) và Truyền hình, trình chiếu phim trực tuyến (quyền phát sóng, truyền đạt).

Nhìn vào số liệu nói trên, có thể dễ dàng nhận thấy được có những thuận lợi cũng như những khó khăn của VCPMC trong việc quản lý, khai thác quyền tác giả đối với âm nhạc sử dụng trong phim.

Theo ông Đinh Trung Cẩn, hiện nay, lĩnh vực sao chép tác phẩm âm nhạc để sản xuất phim VCPMC đang chiếm tỷ trọng cao trong tổng số nguồn thu trong việc cấp phép sử dụng quyền tác giả đối với âm nhạc sử dụng trong phim. Ở lĩnh vực này, hiện nay VCPMC đã đạt được những kết quả bước đầu, bởi sự góp phần không nhỏ là do hành lang pháp lý đã được xây dựng chặt chẽ và dần hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho VCPMC thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình.

Nguồn thu các năm ở lĩnh vực sao chép để sản xuất để sản xuất phim là khá ổn định và tùy theo nhu cầu sử dụng thực tế của thị trường; trong năm 2021, do dịch bệnh Covid nên nguồn thu giảm, hiện nay nguồn thu đang hồi phục tuy chưa bằng so với thời điểm trước khi dịch Covid. Ngoài ra, điều đáng mừng trong thời gian qua là công tác truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức nhằm nâng ý thức về vấn đề bản quyền đã được cộng đồng doanh nghiệp, nhà sản xuất phim quan tâm ngày càng nhiều, nhiều đơn vị đã chú ý tới công tác bảo vệ quyền tác giả, đầu tư cho mảng pháp lý để hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền tác giả.

Ngoài những thuận lợi nêu trên, VCPMC vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc tại các rạp trình chiếu phim. Hiện nay cả nước có gần 200 rạp phim với tổng số hơn 900 phòng chiếu phim. Tuy nhiên theo báo cáo số liệu ở trên thì VCPMC chưa thu được tiền bản quyền đối với việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc được trình chiếu thông qua bộ phim, có nhiều rạp phim đưa ra quan điểm là họ được các nhà phát hành ủy quyền trình chiếu bộ phim đó cho công chúng, thế nên rạp không có trách nhiệm đối với việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bản quyền tác phẩm âm nhạc trong phim, nhất là các sản phẩm quảng bá cho phim như trailer, teaser... dẫn đến hệ lụy là hiện nay việc thu tiền sử dụng các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim tại các phòng chiếu phim vẫn chưa được sự đồng thuận, chưa thể thực hiện được.

Không chỉ trong phạm vi trình chiếu phim ở rạp, trong lĩnh vực truyền hình và phát hành trực tuyến, VCPMC hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được việc thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong phim, dù cho đại diện của các tác giả nước ngoài nhiều năm qua vẫn luôn đặt vấn đề này với VCPMC. Trong khi các tổ chức tương ứng với VCPMC ở nước ngoài (CMO) thông qua các hợp đồng hợp tác song phương, hằng năm vẫn thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đối với âm nhạc trong phim và chi trả cho các chủ sở hữu quyền tác giả Việt Nam, thì VCPMC hiện nay vẫn chưa thể thu được tiền nhuận bút sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực này cho các chủ sở hữu Việt Nam và quốc tế.

Cần thêm biện pháp hữu hiệu để bảo hộ quyền tác giả trong âm nhạc điện ảnh - Ảnh 2.

Trong khi các tổ chức tương ứng với VCPMC ở nước ngoài (CMO) thông qua các hợp đồng hợp tác song phương, hằng năm vẫn thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đối với âm nhạc trong phim và chi trả cho các chủ sở hữu quyền tác giả Việt Nam, thì VCPMC hiện nay vẫn chưa thể thu được tiền nhuận bút sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực này cho các chủ sở hữu Việt Nam và quốc tế. Nhạc sĩ nêu ví dụ: một tác phẩm âm nhạc Việt Nam đã được các nhà làm phim Hollywood sử dụng, số tiền bản quyền đã thu được là 1.109.900.359 đồng, trong đó số tiền cho quyền truyền đạt do đơn phát sóng trả là 73.214.065 đồng, còn lại là số tiền được trả cho quyền sao chép.

Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, về mặt tổng thể, các quy định pháp luật Việt Nam về quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh và âm nhạc cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả nói chung; xác lập được hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích các hoạt động sáng tạo; bảo đảm việc điều chỉnh được hầu hết các quan hệ xã hội ở các lĩnh vực này, phù hợp với quy định của quốc tế và có thể đáp ứng được xu thế phát triển trong nước và trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những hạn chế. Vì vậy, ông Đinh Trung Cẩn cho rằng, cần các cơ quan chức năng tích cực trao đổi kinh nghiệm thường xuyên hơn nữa với các nước trong khu vực và quốc tế để có thể tiếp tục xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc hơn, hạn chế những lỗ hổng, tương thích với những thay đổi của thực tiễn, và đồng thời bắt kịp được những thay đổi trong thời đại công nghệ phát triển vũ bão như hiện nay.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các đơn vị sản xuất phim, các rạp chiếu phim trong việc thực hiện các quy định về quyền tác giả nói chung và quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực điện ảnh nói riêng. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh nhằm bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ về quyền tác giả được nghiêm túc; tăng cường thực thi bảo hộ quyền tác giả, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho các chủ thể quyền áp dụng hiệu quả các biện pháp tự bảo vệ quyền, góp phần gia tăng động lực sáng tạo, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả.

Cần thêm biện pháp hữu hiệu để bảo hộ quyền tác giả trong âm nhạc điện ảnh - Ảnh 3.

Ông Đinh Trung Cẩn chia sẻ về bảo hộ quyền sử dụng âm nhạc trong phim'

Cùng với đó, hiện nay theo quy định mới của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, cụ thể là tại điểm đ khoản 1 Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về việc các tác phẩm âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh được sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc được hưởng quyền tác giả một cách độc lập đối với tác phẩm âm nhạc đó. Các nhà làm phim cũng cần phải lưu ý vấn đề này khi đặt hàng ca khúc hoặc xin phép sử dụng các ca khúc đã từng được sử dụng trong phim trước đó để tránh các tranh chấp đáng tiếc xảy ra gây ảnh hưởng không tốt đến bộ phim của mình.

Cuối cùng, điều các nhà sản xuất cũng như các tác giả/nhạc sĩ cần lưu ý, đó là việc làm sao để khai thác tối đa được lợi ích của các tác phẩm âm nhạc sử dụng trong phim. Như đã đề cập, việc các nhà sản xuất chỉ sử dụng tác phẩm âm nhạc là mới chỉ khai thác được phạm vi nhỏ, giới hạn trong khuôn khổ sản xuất bộ phim, tuy nhiên các ca khúc nhạc phim ấy vẫn còn có thể được khai thác ở phạm vi rộng lớn hơn, như lợi ích có thể khai thác được từ việc trình chiếu ở các rạp phim hoặc các đơn vị cung cấp nội dung, phát hành trực tuyến... mà ở phạm vi này các nhà sản xuất khó có thể trực tiếp khai thác được. Do đó, trong trường hợp các nhà sản xuất là chủ sở hữu các ca khúc trong phim (đặt hàng viết nhạc phim) có thể ủy quyền quản lý quyền tác giả của các ca khúc này cho các tổ chức đại diện tập thể quyền để có thể khai thác tối đa lợi ích hoặc khi đặt viết ca khúc có thể thỏa thuận với các tác giả về phạm vi sử dụng chỉ gói gọn trong phim, còn các lĩnh vực khác tác giả vẫn được bảo lưu khai thác, điều này sẽ giảm thiểu chi phí sản xuất và tránh lãng phí thành quả sáng tạo của các tác giả/nhạc sĩ.

Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong đó có một đời sống gắn chặt với nhau, việc bảo vệ bản quyền của một tác phẩm điện ảnh cũng bao gồm việc bảo vệ tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong đó. Tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh nếu không được xử lý, ngăn chặn kịp thời sẽ gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền, từ đó gây thất thoát nguồn lực, làm giảm động lực sáng tạo của các chủ thể quyền./.


Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ