• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần thiết phải có quy định cụ thể về phát huy giá trị di sản

Thời sự 22/07/2024 07:34

(Tổ Quốc) - Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) được Bộ VHTTDL thừa ủy quyền của Chính phủ trình lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đây là dự Luật nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như mọi người dân.

Cần thiết phải có quy định cụ thể về phát huy giá trị di sản - Ảnh 1.

Hình minh họa

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lê Văn Khảm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, nội dung dự thảo luật đã thể hiện đầy đủ các định hướng chính sách trong sửa đổi luật này.

Cần thiết phải có quy định cụ thể về phát huy giá trị di sản

Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, liên quan đến nội dung phát huy giá trị của di sản, theo đại biểu, đây là một nội dung rất quan trọng và xuyên suốt trong dự thảo luật với trên 120 lần sử dụng thuật ngữ phát huy giá trị di sản.

Đại biểu cho rằng, phát huy giá trị có nghĩa là làm tăng cường, nâng tầm, làm sâu sắc thêm giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản. Đồng thời, với việc tạo ra giá trị về kinh tế, nguồn thu về tài chính, tạo cơ hội lao động, việc làm, thu nhập cho cộng đồng chủ thể di sản thông qua hoạt động kinh doanh du lịch tham gia vào các ngành công nghiệp văn hóa cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học và truyền thông.

Vì vậy, đại biểu cho rằng dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần thiết phải có quy định cụ thể về phát huy giá trị di sản, phát huy như thế nào, mức độ khai thác giá trị đến đâu là hợp lý để vừa bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản, nâng tầm giá trị văn hóa, khoa học và lịch sử của di sản, đồng thời tăng nguồn thu từ hoạt động di sản.

"Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều di tích, bảo tàng đều khống chế số người đến thăm trong 1 ngày và quy định số người đến trong một khoảng thời gian nhất định, đây là một trong những cách để bảo tồn di sản về mặt vật lý, nghĩa là tránh tác động vật lý do chính con người trong quá trình khai thác di sản gây ra. Đồng thời giữ gìn về mặt giá trị, đảm bảo cho người đến thăm thấy rõ, hiểu rõ sự xuất hiện, ý nghĩa của di sản" - đại biểu nêu ví dụ.

Cũng theo đại biểu Lê Văn Khảm, trong báo cáo tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa hiện hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhận định rằng "còn hiện tượng lợi dụng thực hành di sản để trục lợi, làm sai lệch, thậm chí làm biến dạng giá trị của di sản".

Việc đặt ra các nguyên tắc hay các quy định liên quan đến phát huy di sản cũng là cơ sở để Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các văn bản triển khai thực hiện luật, nhất là việc quy định cụ thể, thực hiện các yêu cầu đã được quy định trong luật này, như quy định về điều kiện và khả năng bảo đảm hoạt động, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, quy định về thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, những hình thức, mức độ cần được phát huy của di sản hay quy định về phát huy giá trị di sản văn hóa theo thỏa thuận.

Thực hành di sản là một nhiệm vụ đòi hỏi không chỉ lòng say mê, trách nhiệm

Liên quan đến nghệ nhân, một nhân tố quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, vị đại biểu Đoàn Bình Dương cho rằng, dự thảo luật đã quy định một số chính sách ưu đãi hỗ trợ cho nghệ nhân, tuy nhiên các chính sách hỗ trợ mới chỉ áp dụng đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và cũng còn hạn chế về phạm vi hỗ trợ.

Trong báo cáo tổng kết thực hiện luật hiện hành có nhắc đến chế độ ưu đãi hiện áp dụng với nghệ nhân tương tự như chế độ, chính sách xã hội đối với người nghèo, người cận nghèo, nhưng khi thể hiện lại nhắc lại chính điểm hạn chế này. Cụ thể là tại Điều 13 khoản 11 có chế độ hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí mai táng khi chết, đại biểu cho rằng nên có chính sách hỗ trợ bao trùm hơn, có ý nghĩa hơn là việc hỗ trợ chi phí mai táng khi chết, thực sự không có nhiều ý nghĩa.

Đối với nghệ nhân, đại biểu bày tỏ mong muốn trong Luật này cần quy định cụ thể về nhiệm vụ và cơ chế bảo đảm cho hoạt động của nghệ nhân, khi đã xác định một người là nghệ nhân thì phải có quy định về việc nghệ nhân đó được thừa nhận, được tôn trọng, được tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ.

"Việc thực hành di sản, trao truyền tri thức, kỹ năng, cách biểu đạt văn hóa cho thế hệ kế cận, cho cộng đồng khác là một nhiệm vụ đòi hỏi không chỉ lòng say mê, trách nhiệm mà còn cần các điều kiện khác về vật chất và điều kiện xã hội khác" - đại biểu bày tỏ.

Đưa ra tiêu chí cụ thể để cộng đồng, người dân có ý thức bảo vệ và ứng xử phù hợp trong bảo tồn di sản văn hóa

Liên quan đến một số chi tiết kỹ thuật trong phần phân loại loại hình văn hóa phi vật thể quy định tại Điều 9, đại biểu Lê Văn Khảm đề nghị Ban soạn thảo xem xét để điều chỉnh cho phù hợp. Cụ thể, tại khoản 3 điều này về khái niệm tập quán xã hội và tín ngưỡng, dự thảo Luật giải thích tập quán xã hội và tín ngưỡng gồm các thực hành thường xuyên ổn định, thể hiện quan niệm, niềm tin của cộng đồng thông qua các lễ nghi gắn với phong tục tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

Băn khoăn về ý nghĩa "mang lại sự bình an về tinh thần", đại biểu cho rằng các lễ nghi đó không trực tiếp mang lại sự bình an và tinh thần, cũng khó có thể mang lại sự bình an về tinh thần cho cả cộng đồng mà có thể chỉ có ý nghĩa tạo nên trạng thái thoải mái về tinh thần và xã hội của cá nhân trong cộng đồng chủ thể di sản.

Tại khoản 5 về khái niệm tri thức dân gian, dự thảo luật có giải thích tri thức dân gian bao gồm tri thức về tự nhiên và xã hội, sức khỏe và đời sống con người, lao động sản xuất, y dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các trí thức dân gian khác.

Băn khoăn việc coi y dược học cổ truyền là tri thức dân gian, đại biểu cho rằng y dược cổ truyền là một khoa học về y dược theo lý luận hay triết lý của y học phương Đông chứ không đơn thuần là tri thức dân gian, cho dù có yếu tố kinh nghiệm dân gian nhưng những kinh nghiệm đó sau đó đã được minh chứng dưới lý luận khoa học y dược cổ truyền theo nghĩa là một khoa học. Vì vậy, trong phần giải thích từ ngữ ở đây chỉ nên ghi là "kinh nghiệm dân gian về phòng bệnh, chữa bệnh".

Về phần giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị bổ sung khái niệm về không gian văn hóa liên quan để hiểu đúng và đầy đủ về bản chất, ý nghĩa, giá trị của không gian văn hóa liên quan, có thể vừa được xem như là một bộ phận cấu thành, vừa như là bộ phận gắn kết với yếu tố gốc của di sản. Việc có khái niệm này sẽ là cơ sở để có các kế hoạch, giải pháp bảo vệ, tôn tạo, phục hồi di sản phù hợp với yêu cầu.

"Đây cũng là thuật ngữ được sử dụng nhiều lần trong văn bản luật và tôi đề nghị cần phân biệt với các thuật ngữ đã được sử dụng trong luật như là không gian văn hóa hay môi trường thực hành văn hóa có trong dự thảo luật này" - đại biểu cho biết.

Cũng theo đại biểu, trong dự thảo luật có nhiều quy định liên quan đến việc đánh giá về di sản. Đại biểu cho rằng cần đưa ra các tiêu chí để Chính phủ, các bộ, cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể, từ đó làm cơ sở đánh giá. Vấn đề ở đây không chỉ là ở phương diện khoa học hay phương diện quản lý mà còn là cơ sở để chủ thể của di sản văn hóa, cộng đồng, người dân có ý thức bảo vệ và ứng xử phù hợp trong bảo tồn di sản văn hóa./.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 có bố cục gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Cụ thể, dự thảo Luật bỏ 2 chương: Chương II về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa, Chương VI về khen thưởng và xử lý vi phạm; bổ sung 4 chương: Chương IV về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, Chương V về bảo tàng, Chương VI về hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa, Chương VII về điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hồ sơ dự án Luật cũng kèm theo 7 dự thảo Nghị định và 7 dự thảo Thông tư quy định chi tiết.

Thế Công

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ