• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBQH: Di sản văn hóa là nguồn lực cho phát triển, cần được bảo tồn và phát huy một cách đặc biệt

Thời sự 10/07/2024 07:09

(Tổ Quốc) - Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) được Bộ VHTTDL thừa ủy quyền của Chính phủ trình lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo dự kiến, dự án Luật này sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 sắp tới. Đây là dự Luật nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

ĐBQH: Di sản văn hóa là nguồn lực cho phát triển, cần được bảo tồn và phát huy một cách đặc biệt - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 09 chương, 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (07 chương, 73 điều). Trong đó quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể; quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa; điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quy định về quản lý nhà nước về di sản văn hóa…

Quan tâm đến dự án Luật, các đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay; đồng thời đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Cần có những chính sách bảo vệ các di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn quan tâm góp ý tại khoản 5 Điều 6 quy định về nguyên tắc bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đại biểu bày tỏ đồng tình, tán thành với khoản 5 Điều này: “ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc thiểu số có khó khăn, nhóm dân tộc thiểu số đặc biệt ít người đặc thù và những di sản có giá trị toàn cộng đồng xã hội”.

Nữ đại biểu đề nghị cần có những chính sách liên quan để thực hiện nội dung này được đảm bảo, đồng thời đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có những chính sách để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, kiến trúc (như kiến trúc về nhà ở của các dân tộc), trang phục đặc trưng của các dân tộc… có nguy cơ bị mai một.

“Nếu chúng ta không đưa vào trong Luật, cụ thể hóa và có ý thức gìn giữ, đặc biệt đối với những nhà ở của những dân tộc ít người thì hiện nay theo xu thế chung, những ngôi nhà cổ sẽ dần bị thay thế bằng những ngôi nhà hiện đại”, đại biểu nhấn.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng, nếu chúng ta không cụ thể hóa vào Luật sửa đổi lần này thì rất khó để có thể bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Cùng quan điểm góp ý tại Điều 6 về nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đại biểu Hà Sỹ Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn kiến nghị cần phải bổ sung thêm cho đầy đủ Điều này và cụ thể là “nguyên tắc quản lý, phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa”.

Đồng thời bổ sung vào nội dung của khoản 2 Điều này và viết lại như sau: “quản lý, phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân”.

Di sản văn hóa là nguồn lực cho phát triển, cần được bảo tồn và phát huy một cách đặc biệt

Bàn về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa được quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật, đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy, dự thảo Luật cần nhấn mạnh di sản văn hóa là nguồn lực cho phát triển, cần được bảo tồn và phát huy một cách đặc biệt.

Theo đó, cần nghiên cứu bổ sung chiến lược về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư kinh tế văn hóa...

Đồng thời bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, hải đảo, di sản văn hóa nguy hiểm có nguy cơ thất truyền và đảm bảo quyền thụ hưởng tiếp cận và sử dụng các di sản văn hóa, các quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh về dịch vụ di sản văn hóa của tổ chức, cá nhân trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Cho ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho rằng, bên cạnh công tác bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa, thì quan trọng vẫn là việc phát huy các giá trị di sản văn hóa như thế nào cho thật sự hiệu quả, nhất là việc phục những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thời gian qua.

Đại biểu cho rằng vấn đề khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh một cách có hiệu quả cần phải được quan tâm và quy định cụ thể trong luật. Dự thảo luật lần này đã bổ sung thêm 2 chương là Chương VI quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ về di sản văn hóa và Chương VII quy định về điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và tại Điều 75 cũng quy định về hoạt động dịch vụ của bảo tàng.

Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng các nội dung hiện chỉ mới đề cập ở phạm vi dịch vụ bảo tàng trùng tu, tôn tạo di tích khảo cổ, kinh doanh di vật, cổ vật. Các dịch vụ liên quan được tổ chức tại các khu di tích, các danh lam thắng cảnh cũng như trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý, tổ chức khai thác chưa được đề cập một cách cụ thể và rõ ràng.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo yêu cầu là vừa bảo tồn, vừa phát huy được một cách có hiệu quả các giá trị trong khai thác, phục vụ nhân dân. Đặc biệt là để tạo nên những sản phẩm du lịch, thu hút và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước./.



Thế Công

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ