• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần tiếp tục tuyên truyền để hình thành văn minh lễ hội

Giải trí 25/02/2016 13:45

(Tổ Quốc)-Mùa lễ hội 2016 đã có những chuyển biến tích cực, song việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân cần được tiếp tục.

(Tổ Quốc)- Mùa lễ hội 2016 đã có những chuyển biến tích cực, song việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân tham gia lễ hội cần được tiếp tục.

Địa phương tích cực vào cuộc

Sau Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 2313/CĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Bính Thân và Lễ hội Xuân 2016; Ngày 22 tháng 12 năm 2015,  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Thông tư số 15/TT-BVHTTDL quy định về tổ chức lễ hội và các văn bản chỉ đạo khác liên quan. Điều đáng mừng là các văn bản chỉ đạo đã được địa phương nhập cuộc, triển khai tích cực.

Mùa lễ hội đã đi được nửa chặng đường. Phải thừa nhận, công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm nay đã được các địa phương vào cuộc và thực hiện quyết liệt. Đặc biệt là việc bảo đảm an ninh, an toàn cho khách hành hương, giảm ùn tắc, hay như Hà Nội, việc đưa đội thanh niên tình nguyện vào nhặt rác, trông xe miễn phí tại Phủ Tây Hồ…đã tạo nên những hình ảnh đẹp, tác động tích cực đến ý thức của người dân.

Thay vì tập trung bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực diễn ra lễ hội như những năm trước, BTC lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) đã bố trí lực lượng trực trên các tuyến đường hành hương để ngăn ngừa hiện tượng chèo kéo, ép khách từ xa. Bên cạnh đó, việc công khai số điện thoại đường dây nóng của các thành viên BTC lễ hội Chùa Hương đã góp phần phát hiện, xử lý hàng chục trường hợp chèo kéo, ép khách sử dụng các dịch vụ; đồng thời ngăn chặn tình trạng người ăn xin, người hành nghề bói toán trong lễ hội. Hiện tượng treo thịt động vật- một điểm không đẹp của lễ hội này năm nay cũng đã được hạn chế.

Cũng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ VHTTDL, những hình ảnh phản cảm tại lễ hội chém lợn làng Ném Thượng (Bắc Ninh) đã không tái diễn trong năm nay.



Hiện tượng dắt tiền lẻ đã được hạn chế tại chùa Bái Đính (ảnh: Ngọc Thành)

Còn tại Bái Đính (Ninh Bình)- một trong những điểm thu hút khách hành hương đông nhất miền Bắc, không có rác thải nhếch nhác, không có ùn tắc cục bộ, an toàn đảm bảo cho du khách… Điều này là bởi ngay từ ngày mùng 1 Tết, lực lượng an ninh của tỉnh đã về “trực chiến” tại điểm du lịch tâm linh này. Đặc biệt, dù từng là “điểm nóng” về hiện tượng giắt tiền lên tượng Phật, nhưng năm nay, du khách đến Bái Đính sẽ không khỏi bất ngờ và ngạc nhiên khi hiện tượng này đã hoàn toàn biến mất.

Theo đánh giá chung của các đoàn rà soát, kiểm tra lễ hội của lãnh đạo Bộ VHTTVL, công tác tổ chức, quản lý lễ hội tại các địa phương năm nay đã có chuyển biến tích cực, hiện tượng đốt vàng mã, thắp hương trong khu nội tự, hiện tượng đổi tiền lẻ... đã giảm rất nhiều, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho khách hành hương, giảm ùn tắc được thực hiện tốt ở hầu hết các lễ hội lớn.

Ban quản lý ở hầu hết các di tích đã bố trí người thường xuyên gom tiền lễ tại các ban thờ bỏ vào hòm công đức. Đáng ghi nhận là việc, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch tại khu vực Đền Trình (Chùa Hương), dọc đường vào Phủ Tây Hồ, trước khu vực đền Quán Thánh, đình, chùa Phúc Khánh… trong những mùa lễ hội trước đã cơ bản được khắc phục trong mùa lễ hội năm nay.

“Với sự vào cuộc đồng bộ và việc tích cực tuyên truyền của các cơ quan chức năng, hiện tượng rải tiền lẻ, đổi tiền lẻ trong các lễ hội, điểm di tích lớn đã giảm hẳn" - ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL nhận định.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên chia sẻ: “Các chỉ thị, văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ chỉ đạo về lễ hội năm nay rất cụ thể. Nhưng hơn cả là sự vào cuộc của các địa phương. Hầu hết các tỉnh, thành đều vào cuộc, thể hiện sự chỉ đạo của mình ở những lĩnh vực nhất định, tùy từng địa phương đã chọn ra những trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào chỉ đạo, tuyên truyền tới cộng đồng, bà con là sẽ khắc phục từng điểm một. Đó là điều ấn tượng nhất của công tác tổ chức, quản lý lễ hội năm nay”.



Đội thanh niên tình nguyện vào nhặt rác, trông xe miễn phí tại Phủ Tây Hồ…đã tạo nên những hình ảnh đẹp, tác động tích cực đến ý thức của người dân (ảnh Hồng Hà)

Quyết liệt hơn nữa

Tuy nhiên, một số hình ảnh không đẹp vẫn còn tại một số lễ hội. Việc cướp lộc, cướp phết là tồn tại từ những năm trước tại lễ hội Đền Trần Nam Định, Phết Hiền Quan (Phú Thọ) chưa được chấm dứt hẳn trong lễ hội năm nay làm ảnh hưởng tới nét đẹp văn hóa lễ hội của người Việt.

Những hình ảnh phản cảm này, theo các nhà khoa học, quản lý, vẫn là từ ý thức người dân. Cần sự quyết liệt trong xử lý của các cơ quan chức năng, song cũng cần kiên trì trong vận động, tuyên truyền thậm chí “mạnh tay” hơn một chút là “bêu gương”.

Ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL chia sẻ: “Theo quan điểm cá nhân của tôi, ở lễ hội cướp phết, BTC có thể đưa ra quy định là các làng cử ra bao nhiêu thanh niên, trai tráng tham gia vào việc tranh phết. Số còn lại sẽ đứng ngoài với sự bảo vệ nghiêm ngặt của cơ quan an ninh. Còn để hạn chế nạn cướp lộc tại Đền Trần, nên chăng cần lắp camera ở khu vực phát ấn, ghi lại tất cả hoạt động xin ấn, đi lễ của những khu vực nhạy cảm. Dân nào, “quan” nào tranh giành lộc, có hành vi phản cảm sẽ bị ghi hình, bêu tên trên các phương tiện truyền thông. Chúng ta cứ rõ ràng, rành mạch giống như xử phạt giao thông vậy, ghi hình rồi sau đó phạt nóng, phạt nguội, có lẽ như thế thì mới giảm được việc tranh giành lộc như thời gian vừa qua”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên khẳng định: “Ý thức của nhân dân, ý thức của cộng đồng đã nâng lên. Người dân đã đồng tình với những chỉ đạo của Bộ VHTTDL và hầu hết là chấp hành, ủng hộ, chính vì vậy, những yếu kém của lễ hội đã được dần hạn chế. Tuy nhiên, nhận thức là cả một quá trình, chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên trì trong công tác tuyên truyền, vận động cũng như là hướng dẫn, nêu gương cho nhân dân tiếp tục chấp hành”.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cũng cho biết, trong thời gian tới cũng như những mùa lễ hội sau, Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, cùng với các địa phương rà soát việc tổ chức, triển khai các chỉ thị chỉ đạo về lễ  hội, xem có vào cuộc sống không, chỗ nào vướng, vướng ở đâu trong tổ chức, nguyên nhân gì. Cần hành động, tổ chức, triển khai, thực hiện như thế nào. Điều này cần cả một quá trình nên đòi hỏi các nhà quản lý phải cương quyết và kiên trì”.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ