(Tổ Quốc) - Căn cứ vào số liệu lấy nguồn từ các đối tác của nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) và Cục Đầu tư nước ngoài (IFC), cùng với số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì năm 2017 là năm kỷ lục trong việc thu hút FDI của Việt Nam.
Hội thảo Một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới 2020 -2030. |
Đó là tài liệu được công bố tại Hội thảo một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới 2020 – 2030, do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức tại Hà Nội.
Theo đó, so với kết quả đạt được và mục tiêu thu hút FDI được phê duyệt triển khai trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2020, nếu tiếp tục xu hướng hiện nay (tính đến giữa năm 2018) thì vốn FDI đăng ký mới và thực hiện sẽ vượt chỉ tiêu đề ra. Hơn nữa, Việt Nam hiện đang đạt kết quả vượt trội trong thu hút FDI so với các quốc gia thành viên ASEAN khác.
Mặc dù đạt kỷ lục về thu hút vốn đầu tư FDI, nhưng điều này chưa tỷ lệ thuận với sự gia tăng kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong hàng xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại hội thảo. |
Hiện tai, các nhà đầu tư thường cho rằng giá nhân công thấp cùng chính sách ưu đãi thuế là những lý do khiến thị trường Việt Nam hấp dẫn để đầu tư. Tuy nhiên, trong tương lai tới, khi mà chi phí nhân công tăng lên và miễn thuế không còn, Việt Nam chưa có kế hoạch đầy đủ để phát triển kỹ năng tiên tiến hơn và chuỗi cung ứng địa phương có năng lực cạnh tranh cần thiết để duy trì và thu hút nhà đầu tư trong một nền kinh tế có thu nhập cao hơn. Cùng với đó, rất ít doanh nghiệp FDI cho rằng tay nghề lao động được nâng cao hay chuỗi cung ứng địa phương có năng lực cạnh tranh là thế mạnh của Việt Nam.
Số vốn FDI đăng ký dù khá ấn tượng, nhưng chỉ trừ một số trường hợp, luồng vốn thu hút hiện nay có dấu hiệu thiếu sự kết nối giữa những lĩnh vực mà các doanh nghiệp toàn cầu đang hướng đến như: ô tô, dệt may và những biện pháp, chính sách cải cách mà Việt Nam vẫn đang cần đến để nâng cao giá trị gia tăng và tối đa hóa lợi ích lan tỏa từ FDI./.
Tin, ảnh: Vi Phong