(Toquoc)- Sự tùy tiện trong việc thờ cúng, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã và đang khiến tín ngưỡng này bị sai lệch.
(Toquoc)- Sự tùy tiện trong việc thờ cúng, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã và đang khiến tín ngưỡng này bị sai lệch.
Không hiểu rõ về tín ngưỡng thờ Mẫu, sai lệch trong thờ cúng dẫn đến việc đâu đâu cũng có thể Hầu đồng, tùy tiện trong thực hành nghi lễ đang tồn tại khá phổ biến. Điều này sẽ dẫn đến việc lợi dụng tín ngưỡng để cầu lợi, làm ảnh hưởng đến những thanh đồng chân chính. Đây là mối lo ngại của nhiều thanh đồng.
Sự tùy tiện trong việc thờ cúng, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã và đang khiến tín ngưỡng này bị sai lệch
Nhiều sai lệch
Cái sai đầu tiên phải kể đến là thực hành thờ cúng. Hiện nay, hầu như đền, chùa nào cũng có thờ Tứ phủ: Thiên phủ (miền trời: mẫu Thượng Thiên); Nhạc phủ (miền rừng núi: mẫu Thượng Ngàn); Thuỷ phủ (miền sông nước: mẫu Thoải); Địa phủ (miền đất: mẫu Địa Phủ).
Thủ nhang Lưu Ngọc Đức- đền Lảnh Giang vọng từ, Hà Nội chia sẻ: “Hiện việc bày trí trong thờ cúng rất lộn xộn. Tùy tiện trong việc đưa thần vào công đồng để thờ. Thờ Tứ phủ là thờ thiên thần, địa thần chứ không thờ chung trong đền thờ nhân thần, nhưng bây giờ đâu đâu cũng thờ Tứ phủ và thực hành Hầu đồng”.
Ông Lưu Ngọc Đức gọi đây là hiện tượng Tứ phủ hóa di tích và khẳng định: “Cần có tiếng nói của ngành văn hóa, của cơ quan quản lý, như việc đưa linh vật sai vào di tích vậy”. Lấy dẫn chứng, ông Đức cho biết: Đền Voi Phục thờ Văn Chấn đại vương giờ cũng có Tứ phủ. Đền Bảo Hà (Lào Cai) thờ ông Hoàng Bảy thời Lê có công trấn giữ biên cương, là nhân thần, giờ cũng thờ Tứ Phủ. Đền Lâm Thao, đền Mẫu Tây Thiên, Đền Nguyệt Hồ… thờ Tứ phủ rất nhiều. Việc này dẫn đến sự lộn xộn, sai lạc trong thờ cúng, thực hành Hầu đồng ở nhiều nơi.
Đồng quan điểm này, thanh đồng Lê Thị Hạnh- Thủ nhang Đền Rừng, Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “ Việc đua nhau ra làm Thanh đồng, Hầu đồng đã khiến cho Hầu đồng bị sai lệch khá nhiều. Trang phục của nhiều thanh đồng không đúng. Ví như mấy hôm trước, khi Liên hoan cấp cơ sở diễn ra, khách đến dự hoảng hồn khi thấy giá cô Bơ mặc áo choàng dài quét đất tới 5m, cô Bé đội vương miện hệt như Dương Quý Phi bên Tàu hay Ngũ vị Tiên ông đội mũ cánh chuồn”.
Bà Hạnh cũng bức xúc: “Chưa kể có những thanh đồng đã thương mại hóa hoạt động tâm linh này, “dọa” để người ta phải Hầu đồng, vẽ ra nhiều vàng mã để người Hầu đồng phải chi trả. Có những giá hầu chỉ riêng tiền vàng mã đã lên đến 40- 50 triệu đồng, đem đốt đi, quá lãng phí”.
Còn Thanh đồng đại diện Phủ triều linh từ thì lo ngại hiện tượng đua nhau làm thanh đồng, đua nhau mở phủ, coi như đó là “mốt”, là “công việc” kiếm sống của nhiều người. “Hiện nay, với sự cho phép tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo nên các cơ sở thờ tự được phát triển trong đó có hệ thống các Đền, Phủ, Điện thờ Tứ phủ, từ đó các ông đồng bà cốt cũng nhiều lên như nấm mọc sau mưa. Việc trình đồng mở phủ được xem như “mốt” của nhiều người, nhiều nhà (có gia đình cả nhà là Thanh đồng)"- thanh đồng Phủ triều linh từ băn khoăn.
Cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý
Những biến tướng, sự lộn xộn của việc Hầu đồng đã và đang cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý, đặc biệt là khi đã công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản. Đây cũng là mong muốn của chính những người trong cuộc, những thanh đồng thực hành di sản bằng cái “tâm”.
Bà Lê Thị Hạnh- Thủ nhang đền Rừng chia sẻ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu sao cho giá đồng giữ được đúng giá trị, bản sắc văn hóa, từ đó có có quy định rõ ràng, quy định từ việc đốt đồ mã, trang phục… để tín ngưỡng thờ Mẫu và thực hành việc Hầu đồng được thực hiện đúng.
Đồng quan điểm này, thanh đồng Trần Ngọc Ánh chia sẻ: “Đây là hoạt động tâm linh, cần sự quan tâm, định hướng của nhà nước để tránh biến tướng. Những người thực hành di sản như chúng tôi mong muốn có hành lang pháp lý cho các thanh đồng hoạt động”.
Thừa nhận sự biến đổi của tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ thực hành đạo Mẫu, TS Lê Thị Chiêm- người đã có hơn 10 năm nghiên cứu đạo Mẫu chia sẻ: “Để hiểu đạo Mẫu có ba vấn đề cơ bản: Trong đạo Mẫu có triết lý gì? Triết lý ấy được điện thờ hóa như thế nào, kéo theo nghi lễ như thế nào? Nghi lễ biến đổi theo thời gian ra sao? Từ năm 1990 đến nay, tôi thấy nghi lễ Hầu đồng, tín ngưỡng thờ Mẫu đã biến đổi rất nhiều. Nếu so với thời trước thì còn biến đổi hơn nữa”.
Theo TS Lê Thị Chiêm, để có được hành lang pháp lý, có những quy định về việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thì cần dựa vào ba vấn đề này, từ đó định hướng các thanh đồng.
Tuy nhiên, GS. Ngô Đức Thịnh- Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đề nghị sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cơ quan quản lý đối với vấn đề này. Ông cho rằng, ngành văn hóa các địa phương phải đứng ra chịu trách nhiệm quản lý hiện tượng sai lệch trong thực hành di sản ở địa phương mình trước Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trước cơ quan nhà nước.
GS Ngô Đức Thịnh khẳng định: “Ví dụ, ngành văn hóa Hà Nội phải chịu trách nhiệm quản lý không để hiện tượng đốt đồ mã quá đà diễn ra. Với những hiện tượng như “đồng đua”, “đồng đú” (thương mại hóa) thì cần sự thanh lọc từ chính những người dân, nâng cao nhận thức của người dân trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, của chính những thanh đồng chân chính”./.
Bài&ảnh: Hồng Hà