(Tổ Quốc)- Dự án tiền ảo ETHERSMART được quảng bá rộng rãi đã huy động được số tiền lên tới 4.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Tuy nhiên đây là một dự án ma, hoạt động theo mô hình đa cấp tài chính.
- 09.10.2021 Chế ảnh "đọc lệnh", "tỉa nến", ProE bất ngờ bị gọi tên trong phóng sự lên án đa cấp tiền ảo
- 09.10.2021 Tinder cũng ra mắt tiền ảo, dùng riêng cho các tính năng đặc biệt, hứa hẹn tăng khả năng quét trúng gái xinh cho game thủ
- 28.09.2021 Mỹ - Trung tăng cường kiểm soát đồng tiền ảo Bitcoin
- 28.09.2021 Mất tiền tỷ khi nghe điện thoại từ số máy lạ, đăng nhập trang web tiền ảo
Mất tiền tỷ khi tham gia sàn giao dịch ETHERSMART
Anh Lê Văn Sinh (Đà Nẵng), một nhà đầu tư của sàn giao dịch ETHERSMART cho rằng, dự án này có dấu hiệu lừa đảo, huy động hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư bằng hình thức đa cấp tài chính.
Anh Sinh kể lại, tháng 5/2021, anh có biết đến dự án ETHERSMART thông qua một người có biệt danh là Thành Huyền Dubai.
“Người này quảng cáo, dự án ETHERSMART được sáng lập bởi một kỹ sư Công nghệ Ai tên là Nizam Corwin có trụ sở tại Dubai, dưới sự bảo lãnh hợp pháp của chính phủ UAE.
Hiện tại, ETHERSMART đã có mặt trên 40 quốc gia trên thế giới. Đồng tiền ảo của sàn giao dịch này là đồng ETM.
Họ nói rằng chỉ cần ủy quyền cho đại lý hoặc nạp tiền vào trang web: https://ethersmart.org/ để giao dịch là mỗi ngày có thể thu lợi nhuận đến 40%”, anh Sinh cho biết
Bị hấp dẫn bởi những lời hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất "khủng" cùng hình ảnh “chủ tịch” mà Huyền xây dựng, anh Sinh đã đầu tư 300 triệu đồng để mua đồng ETM.
Sàn giao dịch ETHERSMART hoạt động như một sàn giao dịch chọn quyền nhị phân BO.
Nhà đầu tư chỉ cần nạp tiền thật sau đó quy đổi ra đồng ETM đặt lệnh mua hoặc bán.
Ngoài ra những đối tượng đứng đầu ETHERSMART còn dụ dỗ những nhà đầu tư mua các gói đầu tư có giá trị hàng chục triệu đồng thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng.
Chẳng hạn gói đầu từ 1.000 USD mua đồng ETM được quảng cáo có sinh lời 200% chỉ trong vòng 10 tháng.
“Tin lời dụ dỗ của chúng, tôi đã bỏ hàng trăm tỷ đồng vào sàn giao dịch này. Không chỉ có vậy tôi còn mua các gói dự án, tham gia hệ thống của họ với số tiền không nhỏ.
Tuy nhiên khoảng vài ngày này, tôi không thể thanh khoản, khi liên hệ với đại lý của mình thì họ chối bỏ trách nhiệm. Sau đó khóa tài khoản, chặn liên lạc.
Tôi đã mất trắng số tiền 1,3 tỷ đồng. Thời điểm này tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nhóm đối tượng này để trả lại sự công bằng cho các nhà đầu tư”, anh Sinh tâm sự.
Chung tình cảnh với anh Sinh, chị N.T.H (Hải Phòng) cũng đã mất gần chục tỷ đồng vì tham gia các dự án đầu tư của sàn giao dịch ETHERSMART. Đến khi chị liên hệ với người quản lý để lấy lại số tiền còn dư trong tài khoản thì người này thậm chí còn lên giọng thách thức chị.
“Họ thách thức có giỏi thì đi mà báo công an, họ không sợ. Tôi vừa mất tiền lại không thể làm được gì.
Chúng lừa đảo quá tinh vi, quảng bá dự án bên Dubai rồi xây dựng đội nhóm, xây dựng hình ảnh cá nhân là những người thành đạt, nhiều tiền.
Chỉ vì tin tưởng vào những lời hứa hẹn đó mà tôi phải bán cả nhà, bán cả xe, vay tiền để trả nợ”, chị H. khóc, nói.
Nhiều dấu hiệu lừa đảo
Dự án ETHERSMART quảng bá là một dự án được thành lập tại Dubai, dưới sự bảo lãnh hợp pháp của chính phủ UAE và đã có mặt tại 40 quốc gia.
“Tuy nhiên những người biết đến và tham gia ETHERSMART đều là nhà đầu tư tại Việt Nam chứ không có một người nào là người nước ngoài. Chính vì thế họ quảng bá đã có mặt tại 40 quốc gia là lừa dối nhà đầu tư với mục đích “lùa gà”.
Ngoài ra nhóm đối tượng lừa đảo còn sử dụng hình ảnh của một người có tên là Steve Lundin sau đó quảng bá là CEO của dự án tên Nizam Corwin. Thậm chí họ còn sử dụng công cụ photoshop để thêm râu cho hình ảnh của ông Steve Lundin để lừa các nhà đầu tư.
Với rất nhiều nghi vấn như vậy, khi chúng tôi tìm hiểu thì biết được chân tướng sự việc. Dự án này không phải của công ty nào ở Dubai mà là do một nhóm người Việt Nam tạo ra sau đó đi lừa chính đồng bào của mình”, anh Sinh bức xúc.
Nhiều nhà đầu tư cho biết họ sẽ làm đơn tố cáo nhóm đối tượng lừa đảo sàn giao dịch ETHERSMART lên cơ quan công an.
“Cầm đầu đường dây lừa đảo này là một người đàn ông tên Ngụy Ngọc Hùng sinh năm 1982 đang sinh sống tại thành phố Bắc Giang.
Người này cùng nhóm lừa đảo của mình đã xây dựng mô hình đa cấp, lừa rất nhiều tiền của nhà đầu tư với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
Hành vi lừa đảo của nhóm đối tượng do Ngụy Ngọc Hùng đứng đầu đã khiến hàng ngàn nhà đầu tư rơi vào cảnh điêu đứng”, chị H. nói.
Theo tìm hiểu, sàn giao dịch ETHERSMART đang hoạt động trái phép theo quy định của pháp luật, đồng tiền ảo ETM chưa được niêm yết trên các sàn giao dịch tiền điện tử mà chỉ dùng để lưu hành nội bộ.
Đương nhiên đồng tiền này cũng chưa được cấp phép và lưu hành trong hệ thống tiền tệ Việt Nam.
Như vậy các nhà đầu tư đang bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng chỉ để mua những đồng tiền vô giá trị mà nhóm đối tượng lừa đảo “vẽ ra”.
Ngoài ra, sàn giao dịch ETHERSMART đang hoạt động theo mô hình đa cấp cũng là trái pháp luật.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, Nghị định 40/2018 do Chính phủ ban hành về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp quy định: mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).
Vì vậy, các sàn đầu tư tài chính BITFEX đều không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của nghị định trên.
Do đó, các tổ chức, cá nhân tham gia, vận động người tham gia đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính này đều có thể bị xử lý hình sự, với mức phạt lên đến 5 tỉ đồng hoặc 5 năm tù giam theo điều 217a Bộ luật hình sự về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Trường hợp phạm tội có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.